DANH MỤC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ TÀI KHOA HỌC VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN
Với khát vọng làm giàu và niềm đam mê nông nghiệp, nhiều hộ dân ở xã Đức Xuyên (Krông Nô) đã tiên phong đưa cây ăn quả vào sản xuất như những cây trồng chủ lực. Đến nay, nhiều loại cây ăn quả đã "bén duyên" trên vùng đất Đức Xuyên với kỳ vọng sẽ mở thêm một hướng làm ăn mới cho người dân nơi đây.
Quả ngọt trên vùng đất cằn
Từ trung tâm xã Đức Xuyên, qua thao trường Đức Xuyên khoảng 10 km về hướng bon Choih của xã sẽ thấy những vườn cây ăn quả hiện ra trước mắt. Trong nhiều những vườn cây đó có 1 quả đồi với hàng hàng, lớp lớp cam, quýt xen nhau trĩu quả. Tham quan vườn cây này, bất kỳ ai cũng tưởng như mình đang lạc vào những miệt vườn, vốn chỉ nổi tiếng ở miền Tây. Khu rẫy này là của gia đình anh Lê Lai, một người dân ở bon Choih.
Nhờ áp dụng kỹ thuật nghiêm ngặt, vườn quýt đường của gia đình anh Lê Lai, ở bon Choih, xã Đức Xuyên sai trĩu quả |
Năm 2014, sau khi cùng những người dân khác trong buôn bàn giao đất cho Nhà nước để làm thao trường, gia đình anh Lai được cấp 2 mảnh đất rộng hơn 3 ha ở khu vực đồi sâu phía trong. Ấp ủ đưa về mảnh đất vốn chẳng màu mỡ này những loại cây có thể phát triển kinh tế, anh Lai rủ bạn bè xuống miền Tây tìm mua các loại giống cây ăn quả. Năm đầu tiên, gia đình anh trồng thử nghiệm gần 2 ha quýt đường. Thấy cây phát triển tốt, năm tiếp theo, anh Lai trồng thêm quýt hồng và cam sành ở khu đất còn lại.
Toàn bộ 2 vườn cây này đều được gia đình anh chăm sóc bằng các chế phẩm sinh học theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt. Sau mấy năm dày công chăm sóc, cả 2 khu rẫy cây ăn quả đều phát triển xanh tốt, mùa nào cũng sai quả. Hiện tại, vườn cây của gia đình anh đã bắt đầu cung cấp sản phẩm ra thị trường. Từ nay tới Tết Nguyên đán, vợ chồng anh Lai ước tính thu được cả trăm tấn cam, quýt các loại.
Cũng chọn cây ăn quả để phát triển kinh tế, năm 2015, anh Lương Tấn Nam, ở bon Choih cũng đồng loạt xuống giống hơn 900 cây quýt đường trên diện tích 2 ha. Toàn bộ vườn quýt đường được gia đình anh chăm sóc bằng phương pháp hữu cơ, thân thiện với môi trường. Sau vụ thu bói năm 2017, anh Nam dùng kỹ thuật để ép cây ra hoa, kết trái muộn hơn để cho quả trái vụ. Anh Nam dự tính từ đầu năm 2019, vườn cây sẽ bắt đầu cho thu và sản phẩm quýt đường sẽ được bán rải rác ra thị trường đến đầu mùa mưa sang năm.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đức Xuyên Nguyễn Hùng, toàn xã hiện có khoảng 50 hộ dân trồng các loại cây ăn quả, tập trung chủ yếu ở bon Choih với tổng diện tích trên 50 ha. Ngoài các loại cam, quýt, nhiều hộ dân trong xã đã đưa giống cây bưởi da xanh về trồng. Hiện tại, các loại cây ăn quả đang phát triển tương đối tốt và thể hiện sự thích nghi với điều kiện khí hậu, đất đai vốn tương đối cằn cỗi tại địa phương. UBND xã Đức Xuyên đang xúc tiến thành lập 1 tổ hợp tác sản xuất cây có múi để tập hợp các hộ dân trồng cây ăn quả vào cùng sản xuất.
Vườn cây được chăm sóc bằng phương pháp hữu cơ và các chế phẩm sinh học nên người tham quan có thể thưởng thức ngay tại vườn |
Hy vọng tìm được đầu ra ổn định
Việc người dân Đức Xuyên tìm tòi, lựa chọn các loại cây trồng phù hợp để phát triển kinh tế là điều hết sức đáng quý. Tuy nhiên, những gia đình trồng quýt tập trung ở bon Choih như anh Lai hay anh Nam đang tỏ ra lo lắng về đầu ra của sản phẩm này. Cả trăm tấn quả được chăm sóc hữu cơ và các chế phẩm sinh học nếu tìm được đầu ra với giá bán ổn định sẽ giúp cho những người nông dân được bù đắp xứng đáng mồ hôi, công sức của mình. Người trồng cam quýt ở bon Choih ai cũng hy vọng sớm có những chuyến xe của các doanh nghiệp, cá nhân sẽ tìm đến vườn cây của họ để đưa những chuyến hàng ngon, bảo đảm đến tận tay người tiêu dùng.
Mới đây, sau khi tham khảo trực tiếp, ngành Nông nghiệp huyện Krông Nô đã đưa vườn cây của gia đình anh Lai và anh Nam vào mô hình sản xuất cây ăn trái (cam quýt) hữu cơ của địa phương. Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Krông Nô, hiện các vườn cây này đều sinh trưởng, phát triển tốt. Thời gian tới, huyện sẽ tích cực quảng bá, giới thiệu các mô hình, sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao này ra trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh việc giúp người dân tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, ngành nông nghiệp địa phương hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng và giúp địa phương sớm xây dựng được vùng nguyên liệu cây ăn quả chất lượng cao.
Theo Đắk Nông Online