DANH MỤC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ TÀI KHOA HỌC VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN
Mới đây, Sở Kế hoạch - Đầu tư đã ban hành Quyết định số 93 về việc thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư ngoài ngân sách của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Đoàn kiểm tra, giám sát gồm 12 thành viên, do lãnh đạo Sở KH-ĐT làm trưởng đoàn và đại diện các cơ quan chức năng của tỉnh tham gia, tập trung thực hiện nhiệm vụ tháng 11 tới.
Điểm du lịch sinh thái thác Lưu Ly là một trong số các dự án phát triển du lịch không hiệu quả bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Ảnh: Song Việt |
Theo đó, nội dung đợt kiểm tra, giám sát tập trung vào các hoạt động: Triển khai thực hiện dự án đầu tư về mục tiêu, tiến độ đã cam kết và các quy định trong Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư; chấp hành pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, doanh nghiệp, kinh doanh bất động sản, khoáng sản, bảo vệ môi trường; thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với các nội dung triển khai thực hiện dự án, kê khai thuế, nộp thuế và hiệu quả đầu tư của dự án...
Với chủ trương "trải thảm đỏ" của tỉnh, trong những năm qua, đã có khá nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, nông lâm nghiệp, du lịch, thương mại...với số vốn đăng ký lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Nói một cách công bằng, sự có mặt của các dự án đã góp phần không nhỏ trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Có được kết quả này là nhờ tỉnh đã xây dựng và ban hành một số chính sách khuyến khích khá thông thoáng, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi đến Đắk Nông đầu tư làm ăn.
Tuy nhiên, một điều đáng nói là thời gian qua đã có không ít doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng của các chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh để có những biểu hiện không lành mạnh trong quá trình lập dự án, triển khai hoạt động sản xuất. Có những doanh nghiệp thuê đất, được cấp giấy chứng nhận đầu tư... nhưng không tiếp tục triển khai dự án mà chỉ lợi dụng để thế chấp vay vốn ngân hàng sử dụng vào mục đích khác, hoặc "rao bán" dự án cho các nhà đầu tư khác. Có doanh nghiệp lại vin vào việc thiếu vốn hoặc hạ tầng của tỉnh còn khó khăn để chần chừ trong việc đầu tư, triển khai dự án. Một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách của tỉnh để nhận đất, sau đó sang nhượng trái pháp luật, gây dư luận xấu trong nhân dân.
Thực tế, không riêng gì Đắk Nông mà đây là tình trạng chung mà nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã gặp phải khi mở rộng cửa kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư đến địa bàn làm ăn. Không ít doanh nghiệp đăng ký thuê đất hoặc đã nhận bàn giao mặt bằng nhưng triển khai đầu tư quá chậm, trở thành các dự án "treo". Có một thực tế là vấn đề mua bán dự án là con đường làm ăn mang lại siêu lợi nhuận, hay được một số doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nước ngoài sử dụng để thao túng hoạt động đầu tư.
Với những "chiêu thức" trên của doanh nghiệp thì các dự án sẽ rất dễ bị kéo dài thời gian đầu tư hoặc lâm vào cảnh bị quy hoạch "treo" và thực tế ở Đắk Nông cũng đã xảy ra tình trạng này. Để khắc phục trình trạng trên, điều quan trọng nhất là các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương khi xem xét dự án đầu tư cần phải nghiên cứu kỹ về đối tác đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư, đánh giá, thẩm định nghiêm túc theo đúng quy trình nhằm đề phòng, ngăn chặn việc mua bán dự án lòng vòng. Đồng thời, chính quyền cần cương quyết thu hồi đất đối với những dự án thực hiện không đúng thời gian như đã cam kết và được phê duyệt để cấp cho dự án của các doanh nghiệp có tính khả thi hơn.
Vì vậy, mục đích của đợt kiểm tra, giám sát tới đây của tỉnh, ngoài việc đánh giá đúng tình hình triển khai, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, bất cập thì sẽ tiến hành thu hồi, chấm dứt hoạt động của các dự án không triển khai hoặc nhà đầu tư không bảo đảm năng lực thực hiện dự án, vi phạm các quy định của luật Đất đai. Với tinh thần đó, trong Quyết định số 93, Sở KH-ĐT cũng nhấn mạnh: Đoàn kiểm tra, giám sát làm việc trên tinh thần khách quan, công khai; kết hợp giữa kiểm tra với hướng dẫn tổ chức, cá nhân (nhà đầu tư) chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện dự án đầu tư.
Để khai thác tiềm năng, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, tỉnh Đắk Nông luôn sẵn sàng mời gọi các nhà đầu tư đến địa bàn tỉnh làm ăn, kinh doanh. Thế nhưng, bên cạnh tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những nhà đầu tư thực sự có ý tưởng làm ăn chân chính, tỉnh cũng kiên quyết loại trừ những doanh nghiệp có ý đồ xấu, làm ăn bất minh, làm vẩn đục môi trường đầu tư.
Thông thường, sau khi nghiên cứu quy hoạch tại các khu công nghiệp, khu kinh tế của quốc gia và các địa phương, các doanh nghiệp thường chọn những dự án mang tính chiến lược, nếu đầu tư sẽ mang lại lợi nhuận cao để tiến hành lập dự án và làm các thủ tục xin đầu tư. Nhưng thực tế, các doanh nghiệp lại không có đủ năng lực về tài chính để thực hiện và cũng không thực sự có ý định triển khai dự án. Trong khi đó, dự án đã được phê duyệt phù hợp với quy hoạch rồi thì các nhà đầu tư khác sẽ không còn cửa đầu tư và nếu muốn đầu tư vào vị trí, khu vực đó thì buộc phải mua lại dự án của nhà đầu tư trước. Khi đó, nhà đầu tư có dự án đã được phê duyệt chỉ phải bỏ ra một ít kinh phí lập dự án và làm thủ tục thuê đất nhưng sẽ bán được với giá cao gấp nhiều lần chi phí bỏ ra ban đầu... |
Theo Đắk Nông Online