DANH MỤC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ TÀI KHOA HỌC VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN
Sáng 21/9/2018, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" giai đoạn 2000 - 2018.
Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương phong trào "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa"; lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" của 63 tỉnh, thành trong cả nước; các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện phong trào.
Toàn cảnh Hội nghị
Tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông, các đồng chí: Nguyễn Đình Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy; Tôn Thị Ngọc Hạnh – TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tỉnh; lãnh đạo các Sở, Ban, ngành, địa phương cùng tham dự.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, trong những năm qua, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã trở thành phong trào rộng lớn của quần chúng, thấm sâu vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần nêu gương người tốt việc tốt, khơi dậy tinh thần đấu tranh với cái xấu, cái ác, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của người dân. Để phong trào thực sự có sức lan tỏa, khơi dậy tinh thần đoàn kết trong toàn xã hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trong thời gian tới, cần đổi mới về tiêu chí, cách đánh giá, cách thể hiện sao cho đơn giản, dễ hiểu, có chiều sâu; cần thẳng thắn chỉ ra những khó khăn vướng mắc trong việc xây dựng phong trào từ cơ sở, chính sách pháp luật, cơ chế phối hợp giữa chính quyền với các ban, ngành, đoàn thể...
Theo báo cáo kết quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" giai đoạn 2000-2018, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy trình bày tại hội nghị cho biết: Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương cùng các tầng lớp nhân dân. Phong trào đã đi vào cuộc sống và trở thành hoạt động thường xuyên, hàng ngày của cộng đồng dân cư. Thông qua nội dung phong trào nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định và giữ vững.
18 năm qua, nhiều mô hình tiêu biểu, cách làm hiệu quả được phổ biến, nghiên cứu, học tập, nhân rộng. Qua các giai đoạn sơ kết, tổng kết phong trào đã có trên 1,2 triệu gương người tốt, việc tốt; 19.064.069/22.236.778 gia đình được công nhận "Gia đình văn hóa"; 69.024/106.382 làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố được công nhận; 84.785/114.972 cơ quan, đơn vị , doanh nghiệp văn hóa. Nhiều cá nhân, tập thể đã có thành tích xuất sắc được Đảng, Nhà nước, Chính phủ khen thưởng động viên kịp thời.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Phong trào vẫn còn những hạn chế cần khắc phục: Nhận thức về mục đích, ý nghĩa xây dựng phong trào của một số cấp ủy và chính quyền địa phương chưa sâu sắc. Công tác phối hợp của các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương và một số địa phương chưa chặt chẽ. Việc bình xét danh hiệu văn hóa ở một số địa phương còn dễ dãi không thực hiện đúng văn bản hướng dẫn, quy định của Trung ương…
Tại hội nghị, các đại biểu đã xem phóng sự về việc thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tại một số địa phương; nghe báo cáo tham luận của các Bộ, Ban, ngành, các địa phương, tập thể, cá nhân về những kết quả, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện phong trào và giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của Ban chỉ đạo các cấp trong việc triển khai thực hiện phong trào. Thủ tướng đề nghị thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thực hiện phong trào trong giai đoạn mới. Ban Chỉ đạo Trung ương phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế, kịp thời chỉnh sửa, bổ sung các văn bản quản lý nhà nước để phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay; gắn nội dung của phong trào với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chú trọng việc xây dựng đội ngũ làm công tác phong trào có đủ bản lĩnh, đủ năng lực và phẩm chất đạo đức, người có uy tín trong cộng đồng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng những điển hình tiên tiến, những cách làm hay trong thực hiện phong trào. ..
Song Nguyên