DANH MỤC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ TÀI KHOA HỌC VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Hiệu quả công tác phổ cập giáo dục mầm non ở trẻ 5 tuổi tỉnh Đắk Nông
Ngày đăng 15/08/2018 | 07:39  | View count: 7284

Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên đặt nền móng cho sự phát triển về trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ của trẻ. Do đó, trong những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ngành GD&ĐT tỉnh Đắk Nông đã có những chính sách cụ thể nhằm phát triển giáo dục mầm non làm thay đổi nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí của bậc học này trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trong đó, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi là đề án được ngành đặc biệt quan tâm và quyết tâm thực hiện đạt chuẩn, nhằm giúp trẻ được học tập trong môi trường giáo dục tốt nhất, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Cô và trò trường mầm non bon Bu Sir, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong

Năm 2015, tỉnh Đắk Nông được công nhận phổ cập Giáo dục mầm non ở trẻ 5 tuổi. Sau 3 năm, công tác phổ cập giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng chú ý, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ trong các trường mầm non được quan tâm và có chất lượng hơn. Quy mô, mạng lưới trường lớp đang phát triển cả số lượng và chất lượng. Năm học 2017-2018, toàn tỉnh có 123 trường mầm non, tăng 07 trường (03 trường công lập và 04 trường ngoài công lập) so với năm học 2016-2017. Hiện có 1.266 nhóm, lớp với 38.537/ 64.473 trẻ. Trẻ mầm non đến trường, lớp nhà trẻ đạt 11,9%, mẫu giáo đạt 83,6%.

Hệ thống trường, lớp mầm non, nhóm trẻ tư thục gần đây phát triển mạnh, góp phần giảm áp lực cho trường mầm non công lập trên địa bàn (tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ngoài công lập đạt 5,3 %, mẫu giáo ngoài công lập đạt 18,3 %). Trong đó, huyện Đắk Song và thị xã Gia Nghĩa là hai địa phương có số nhóm, lớp tư thục tăng nhanh trong thời gian gần đây.

Toàn tỉnh hiện có 24 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 19,5 %, tăng 6 trường so với năm học 2016-2017 (trong đó, có 01 trường đạt chuẩn mức độ 2). Lớp mẫu giáo 5 tuổi là 529 lớp, tăng 80 lớp so với năm học 2016-2017. Số trẻ 5 tuổi ra lớp là 15.834 trẻ, đạt tỉ lệ 99,4% tăng 1,6% so với năm 2015 khi được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định hiện hành; được hưởng kinh phí hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em 5 tuổi; có 100% trẻ em người dân tộc thiểu số được chuẩn bị tiếng Việt.

Có được những kết quả trên, công tác phổ cập Giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi thời gian qua đã nhận được sự quan tâm và tham gia tích cực của các cấp, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội. Sự quan tâm đó thể hiện trên hệ thống văn bản, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, các dịch vụ chăm sóc y tế… ngày càng hoàn thiện, đồng bộ hơn nhằm đảm bảo nhu cầu tối thiểu cho việc chăm sóc giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội. Mục đích xuyên suốt trong công tác quản lý là xây dựng mỗi trường mầm non là một môi trường giáo dục thân thiện được nhân dân tin tưởng, việc cha mẹ trẻ mong muốn được đưa con em đến trường ngày càng tăng.

Tuy nhiên bên cạnh đó, những khó khăn, hạn chế mà giáo dục mầm non gặp phải trong quá trình phát triển luôn là thách thức đối với ngành giáo dục và chính quyền địa phương. Quy hoạch mạng lưới trường lớp của một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục mầm non trong giai đoạn hiện nay. Nhu cầu ra lớp của trẻ mầm non ngày càng nhiều đã tạo nên áp lực không hề nhỏ lên cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, tổ chức bán trú và trang bị những loại đồ dùng, đồ chơi ngoài trời phát triển vận động cho trẻ khó đáp ứng được yêu cầu thực tế. Mặt khác, đời sống nhân dân trong tỉnh tuy đã có nhiều cải thiện hơn so với trước đây nhưng người dân vẫn trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước không muốn gửi con vào các cơ sở mầm non ngoài công lập vì các khoản chi phí đóng góp ở trường ngoài công lập cao hơn trường công lập. Công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia ở một số huyện còn chậm (huyện Đăk Song mới công nhận được 01 trường, huyện Đăk Glong 01 trường).

Nhìn vào thực tế, nguyên nhân hình thành những khó khăn trên xuất phát từ công tác tổ chức quản lý. Quy hoạch quỹ đất không phù hợp so với sự phát triển về dân số, dự báo số dân di cư tự do tự phát ở địa phương còn kém. Nhiều địa phương chưa khuyến khích, chưa tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân, tập thể có điều kiện mở cơ sở mầm non ngoài công lập (qua đợt kiểm tra rà soát các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập cho thấy có nhiều cá nhân, tập thể muốn đầu tư vào lĩnh vực giáo dục mầm non ngoài công lập nhưng không rõ chính sách ưu đãi và các quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động). Vẫn còn nhiều địa phương lúng túng chưa có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trong bối cảnh nhu cầu trẻ đến lớp ngày càng tăng. Thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục mầm non ở một số huyện còn hạn chế, chưa đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền và tạo cơ chế đủ mạnh để phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập.

Nhiệm vụ ngành Giáo dục cùng địa phương trong thời gian tới là tiếp tục quy hoạch, sắp xếp, mở rộng mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non; tuân thủ các quy định của luật giáo dục cũng như Điều lệ trường mầm non và các quy định hiện hành, đảm bảo hiệu quả việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non, đồng thời duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 23/4/2014 của Chính phủ về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, Thông tư số 07/2016/TT-BGDĐT ngày 22/3/2016 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về điều kiện bảo đảm và nội dung, quy trình, thủ tục kiểm tra, công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục xóa mù chữ. Triển khai các biện pháp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non trong năm học 2018-2019 và các năm tiếp theo. Thực hiện có hiệu quả các chuyên đề của Bộ GD&ĐT nhằm nâng cao chất lượng chương trình giáo dục mầm non đáp ứng với sự phát triển của xã hội. Đẩy mạnh phát triển giáo dục mầm non theo hướng xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu tới trường của trẻ và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Kết quả công tác Phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi năm 2018

1. Tiêu chuẩn Trẻ em:

Có 71/71 xã, phường, thị trấn đạt yêu cầu về tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp (có 15.834/15.922 cháu, đạt 99,4%);

Có 71/71 xã, phường, thị trấn đạt yêu cầu về tỷ lệ trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình GDMN (có 15.834/15.834 cháu, đạt 100%);

Có 71/71 xã, phường, thị trấn đạt yêu cầu về tỷ lệ trẻ 5 tuổi đi học chuyên cần (15.734/15.834 cháu, đạt 99,3%);

Có 71/71 xã, phường, thị trấn đạt yêu cầu về tỷ lệ trẻ 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (767/15.834 cháu, chiếm 4,8%);

Có 71/71xã, phường, thị trấn đạt yêu cầu về tỷ lệ trẻ 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi (800/15.834 cháu, chiếm 5,0%).

Đánh giá: 8/8 huyện, thị xã đạt tiêu chuẩn về trẻ em

2.Tiêu chuẩn giáo viên

100% giáo viên được hưởng chế độ chính sách theo quy định hiện hành;

Có 71/71 xã, phường, thị trấn đủ giáo viên dạy lớp 5 tuổi theo quy định hiện hành: 999 giáo viên/529 lớp 5 tuổi, đạt tỷ lệ 1,9 giáo viên/lớp; (Số giáo viên được bố trí 2gv/lớp bán trú, 1gv/2 buổi trên ngày không bán trú, số trẻ hơn 10 trẻ/lớp).

Có 71/71 xã, phường, thị trấn đạt yêu cầu về giáo viên dạy lớp 5 tuổi có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn (100% giáo viên dạy lớp 5 tuổi có trình độ đào tạo đạt chuẩn, trên chuẩn 68%)

Đánh giá:  8/8 huyện, thị xã đạt tiêu chuẩn về giáo viên

3. Cơ sở vật chất:

Có 529 phòng/529 lớp 5 tuổi. Trong đó:

Phòng học kiên cố: 223 phòng, chiếm 42%. Diện tích bình quân phòng sinh hoạt chung: 63m2/phòng, đạt 1,9m2/trẻ.

Phòng học bán kiên cố: 306 phòng, chiếm 58%. Diện tích bình quân phòng sinh hoạt chung: 56,1m2/phòng, đạt 1,7m2/trẻ.

Có 529/529 lớp mầm non 5 tuổi đã có đủ bộ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định tại Thông tư số 02/2010/TT-BGDĐT ngày 11/02/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.(Tuy nhiên đồ dùng, đồ chơi được cấp nay đã xuống cấp nhiều nhưng thiếu kinh phí mua bổ sung và bảo dưỡng thường xuyên)

Đánh giá:  8/8 huyện, thị xã đạt tiêu chuẩn về cơ sở vật chất.

Ngọc Linh