DANH MỤC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ TÀI KHOA HỌC VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Đại biểu Quốc hội Võ Đình Tín góp ý Dự án luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi)
Ngày đăng 02/06/2017 | 00:00  | View count: 3145

Sáng ngày 1/6, trong phiên thảo luận ở hội trường Kỳ họp thứ 3 Quốc Hội khóa 14 về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), Đại biểu Võ Đình Tín - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đã tham gia phát biểu và cho ý kiến đối với một số điều, khoản của Dự án Luật, trong đó có đề cập đến một số điểm được cho là không phù hợp với các quy định của pháp luật liên quan và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia trong vấn đề bảo vệ quyền, lợi ích của phụ nữ, trẻ em,...

Cổng TTĐT xin giới thiệu bài phát biểu của Đại biểu Võ Đình Tín.

Đại biểu Võ Đình Tín phát biểu tại trong buổi thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ 3 Quốc Hội  Khóa 14. Ảnh: Truyền hình Quốc hội

 

Trước tiên, tôi cũng cơ bản thống nhất với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Trong báo cáo đã tiếp thu rất nhiều ý kiến của các đại biểu quốc hội tại kỳ họp trước mà tôi cho là rất quan trọng để giúp cho dự án luật được hoàn thiện. Nhưng, tôi xin đóng góp thêm một số ý kiến để cho luật được hoàn thiện hơn và được thực tế hơn.

Hiện nay, xu hướng trợ giúp pháp lý ngày càng xã hội hóa, bên cạnh việc nâng cao trách nhiệm của Nhà nước còn cần phải huy động vai trò của xã hội về các mặt: Nguồn vốn, nhân lực... Do đó, tại Khoản 1, Điều 3 cần bổ sung thêm cụm từ "và của xã hội theo quy định của pháp luật", như vậy quy định tại Khoản 1 là: "Trợ giúp pháp lý là trách nhiệm của Nhà nước và của xã hội theo quy định của pháp luật".  Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo bỏ nội dung quy định ở Khoản 2, Điều 3 vì "Nhà nước tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 7 của luật này" là quá hạn hẹp. Có nhiều luật cũng điều chỉnh việc trợ giúp pháp lý trong một số trường hợp như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự...

Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bỏ điều kiện khó khăn về tài chính đối với các đối tượng thuộc Khoản 6, Điều 7. Nguyên nhân là do bản thân những đối tượng quy định tại Khoản 6 này đã yếu thế hơn so với người bình thường (họ có thể hạn chế về thể chất, tinh thần, điều kiện sống...), thêm vào đó những đối tượng trên nếu có khó khăn về tài chính thì đã được Chính phủ quy định là người nghèo, cận nghèo (đã có giấy chứng nhận) nên việc thêm quy định khó khăn về tài chính là chưa phù hợp với thực tế. Mặt khác, khái niệm "khó khăn về tài chính" rất rộng và không chính xác, không đảm bảo được quyền lợi thực sự. Bên cạnh đó, các quy định tại Điểm b, c, Khoản 6 cũng không phù hợp với các quy định của pháp luật liên quan và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia trong vấn đề bảo vệ quyền, lợi ích của phụ nữ, trẻ em,... Bởi lẽ theo quy định trong dự thảo, người dưới 18 tuổi thì đương nhiên được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí, còn trẻ em và người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là người bị hại trong vụ án hình sự lại bắt buộc có điều kiện khó khăn về tài chính mới được trợ giúp pháp lý miễn phí. Trong khi trẻ em, người chưa thành niên chưa có tài sản nên không thể chứng minh khó khăn về tài chính. Hơn nữa quy định tại dự thảo chưa bảo vệ quyền, lợi ích cho người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong các tội hiếp dâm, cố ý gây thương tích, bóc lột sức lao động, nạn nhân bị bạo hành,...

Ở điểm e, Khoản 6 cần quy định bổ sung "cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng liệt sĩ" để đảm bảo không bỏ sót đối tượng.

Đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại kỹ thuật lập pháp (nội dung, bố cục) trong Điều 7 nhằm đảm bảo tính thống nhất, gọn, súc tích. Chẳng hạn như riêng đối tượng vị thành niên đã quy định rải rác ở 3 nơi là Khoản 3; Điểm b, Điểm c, Khoản 6.

Tại khoản 7, Điều 8 quy định "Khiếu nại, tố cáo về trợ giúp pháp lý theo quy định của luật này", đề nghị bỏ cụm từ "theo quy định của luật này" vì khiếu nại, tố cáo không chỉ tuân theo luật này mà còn phải tuân theo Luật Khiếu nại-Tố cáo.

Về lựa chọn ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý, khoản 1, Điều 13 quy định "Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về trợ giúp pháp lý căn cứ nhu cầu trợ giúp pháp lý, nguồn lực thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương và các điều kiện sau đây để lựa chọn tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý". Đề nghị Ban soạn thảo xem xét không nên để cơ quan quản lý nhà nước tham gia ký kết mà giao cho Trung tâm trợ giúp pháp lý trực tiếp ký kết để thống nhất trong hoạt động, không chồng chéo khi thực hiện nhiệm vụ và tiết kiệm trong phân bổ ngân sách nhà nước. Đồng thời, Trung tâm trợ giúp pháp lý là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực trợ giúp pháp lý và việc ký kết hợp đồng hoàn toàn dựa trên ý chí tự nguyện của hai bên nên Trung tâm là chủ thể ký kết hợp đồng với các tổ chức trợ giúp pháp lý khác là phù hợp nhất và không ảnh hưởng đến tính cạnh tranh trong hoạt động tổ chức pháp lý.

Về cộng tác viên trợ giúp pháp lý, dự thảo quy định về cộng tác viên trợ giúp pháp lý thì phạm vi hẹp hơn quy định hiện hành. Theo thực tế, cộng tác viên là người trợ giúp đắc lực, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc tuyên truyền pháp luật ở cơ sở, là người khai thác vụ việc, phát hiện ra các trường hợp cần trợ giúp pháp lý kịp thời, nhanh chóng nhất. Do đó, nên quy định theo hướng cộng tác viên trợ giúp pháp lý là người có trình độ trung cấp luật trở lên.

Về tiếp nhận yêu cầu trợ giúp pháp lý: Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung tại khoản 2, Điều 30 cho phù hợp với Điều 75 Bộ luật Tố tụng hình sự. Vì chưa có quy định đối tượng cần trợ giúp pháp lý mà đang bị tạm giam, tạm giữ thì nộp hồ sơ ở đâu?! Trường hợp này cơ quan tố tụng nhận và chuyển đến cơ quan trợ giúp pháp lý hay là trách nhiệm của người thân, người đại diện của người cần trợ giúp pháp lý?!

Tư vấn pháp luật (Điều 34): Bổ sung thêm quy định: "Viên chức có ít nhất hai năm làm việc trở lên tại các phòng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý được tư vấn pháp luật". Bởi trên thực tế, những người viên chức được tuyển dụng vào Trung tâm hầu hết đều là cử nhân luật, có kiến thức và hiểu biết về pháp luật, có đầy đủ kỹ năng  làm việc cũng như kiến thức để tư vấn pháp luật, tuy nhiên do hoàn cảnh gia đình nên không thể tham gia các khóa đào tạo để bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý.

Đối với khoản 2, Điều 34 đề nghị Ban soạn thảo sắp xếp lại bố cục và nội dung quy định để thống nhất với trường hợp tại điểm a, khoản 2, Điều 30 đồng thời đảm bảo thời gian hợp lý trong công tác tư vấn luật cho người được trợ giúp pháp lý. Đó là phân việc tư vấn pháp luật thành ba mức:

+ Mức 1: Tư vấn ngay không cần thụ lý hồ sơ (như trường hợp tại điểm a, khoản 2, Điều 30);

+ Mức 2: Trong thời hạn từ 7 - 10 ngày kể từ ngày thụ lý vụ việc hoặc nhận đủ các giấy tờ, tài liệu cần bổ sung, người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm nghiên cứu và trả lời bằng văn bản cho người được trợ giúp pháp lý.

+ Mức 3: Trong trường hợp vụ việc phức tạp hoặc cần có thời gian để xác minh thì có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày, trừ khi có sự thỏa thuận khác với người được trợ giúp pháp lý.

Điều 35 - Đại diện ngoài tố tụng

Dẫn chiếu qua khoản 3, Điều 31 (Thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý), ta thấy ở điều này cũng cần bổ sung thêm quy định về trường hợp cấp bách thì cần tiếp nhận, đưa vào trợ giúp ngay.

Điều 50 - Điều khoản chuyển tiếp

Tại đoạn 2, khoản 1, Điều 50 quy định "Sau 5 năm kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành, người được bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý theo quy định của luật Trợ giúp pháp lý số 69/2006/QH11 mà không có giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư thì bị thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý".

Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này vì không cần thiết và thiệt thòi cho một số đối tượng. Hiện nay, những đối tượng rơi vào diện này còn rất ít, đã đến tuổi nghỉ hưu hoặc thuộc các đối tượng được miễn đào tạo nghề luật sư như giám đốc, phó giám đốc trung tâm... nên họ có nhiều kinh nghiệm trong công tác tố tụng, trợ giúp pháp lý.

Xin cảm ơn Quốc hội.

Nam Nhật