DANH MỤC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ TÀI KHOA HỌC VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, nhất là vai trò nòng cốt của lực lượng Công an, phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" (ANTQ) trên địa bàn tỉnh Đắk Nông trong những năm gần đây tiếp tục có sức lan tỏa mạnh mẽ, huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội chung tay phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm, xây dựng, củng cố thế trận an ninh nhân dân vững chắc, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT), phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ kinh tế - xã hội tại địa phương.
Lực lượng Công an thị trấn Ea T'ling trích xuất dữ liệu từ Camera an ninh phục vụ công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm
Tính đến tháng 7 năm 2022, lực lượng Công an các cấp trong tỉnh đã và đang tham mưu hướng dẫn, xây dựng, kiện toàn và duy trì hoạt động của 31 mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ với 894 đơn vị mô hình làm công tác phòng ngừa, giữ gìn ANTT tại cơ sở ở 71/71 xã, phường, thị trấn. Trong đó 6 mô hình cấp huyện gồm: Mô hình "Vận động Nhân dân lắp Camera giám sát, góp phần bảo đảm ANTT" ở huyện Đắk Mil, "Camera an ninh" của huyện Đắk Song; "Nhóm Facebook ngọn lửa cao nguyên", "Hòm thư tố giác tội phạm" ở huyện Đắk Glong; "Tiểu ban Khu công nghiệp Tâm Thắng an toàn về ANTT" ở huyện Cư Jút và mô hình "5+1" (Quản lý, giáo dục giúp đỡ người chấp hành xong án phạt từ tái hòa nhập cộng đồng ở huyện Krông Nô. Đặc biệt có 20 mô hình đã nhân rộng với 413 đơn vị mô hình được duy trì hoạt động hiệu quả trong thời gian dài (từ 5 đến 11 năm), được các cấp, các ngành ghi nhận đánh giá cao như: Mô hình "Tổ bảo vệ cà phê", "Camera an ninh", "Trường học an toàn về ANTT", "Câu lạc bộ phụ nữ quản lý, giáo dục con em không phạm tội và tệ nạn xã hội", "Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ", "Tổ tuần tra phòng, chống tội phạm và bảo vệ nông sản"... Đặc biệt mô hình "Camera an ninh" đã, đang được triển khai sâu rộng và đang phát huy hiệu quả trong công tác bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.
Với việc lắp đặt được gần 150 mắt Camera thu dung từ nguồn xã hội hóa do Nhân dân đóng góp trên địa bàn huyện Đắk Song và thị trấn Ea T'ling, huyện Cư Jút (chưa tính số camera do người dân lắp đạt quan sát ra các tuyến đường và tự nguyện đăng ký tham gia vào các mô hình) ... Qua hơn 1 năm triển khai, nhờ hệ thống camera giám sát an ninh, lực lượng Công an đã kịp thời phát hiện, xử lý 2 vụ cố ý gây thương tích, 1 vụ cướp giật tài sản, 12 vụ trộm cắp tài sản, 6 vụ gây rối trật tự công cộng; khai thác dữ liệu phục vụ công tác điều tra 19 vụ tai nạn và va chạm giao thông; giải tán 30 nhóm thanh niên có dấu hiệu nghi vấn gây mất ANTT; xử lý 4 trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông, nhắc nhở 25 trường hợp lấn chiếm lòng lề đường... Điển hình là vào tối ngày 17/12/2021, thông qua việc trích xuất dữ liệu từ hệ thống Camera an ninh và kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ, chỉ sau 2 giờ đồng hồ kể từ khi tiếp nhận tin báo, lực lượng Công an thị trấn Ea T'ling đã phối hợp băt giữ đối tượng cướp giật tài sản, thu giữ tang vật là 1 chiếc máy tính bảng..."
Mô hình "Tổ bảo vệ cà phê" ở huyện Đắk Mil phát huy hiệu quả trong công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở trong nhiều năm qua
Thượng tá Nguyễn Đức Thùy, Trưởng Công an huyện Đắk Song cho biết thêm "Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm ANTT và nhằm đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, Công an huyện Đắk Song đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai mô hình "Camera an ninh" với việc vận động nguồn xã hội hóa từ Nhân dân để lắp đặt hệ thống camera giám sát ANTT tại các tuyến đường, khu dân cư. Tính đến nay, mô hình "Camera an ninh"đã được triển khai với việc lắp đặt được 109 mắt Camera thu dung. Từ khi "Camera an ninh" được đưa vào hoạt động, các vụ vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội trên địa bàn đã được kiềm chế và giảm nhiều so với trước, tình hình ANTT tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Hệ thống camera đã hỗ trợ, tạo thuận lợi cho lực lượng Công an trong việc theo dõi, kiểm soát các hoạt động diễn ra trên địa bàn, từ đó kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc liên quan đến ANTT, được các cấp, các ngành và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao'.
"Để làm tốt công tác phòng ngừa và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm ANTT, Công an xã đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các mô hình phòng, chống tội phạm như: "Camera an ninh", "Móc khóa an ninh" (Ghi số điện thoại của trưởng, phó Công an xã), "Zalo an ninh", "Chợ biên cương chung tay bảo đảm ANTT"... Từ các mô hình này đã góp phần hỗ trợ lực lượng Công an xã kịp thời phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật. Mới đây, vào đầu tháng 8 năm 2022, từ việc trích xuất dữ liệu Camerra an ninh và phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, Công an xã Quảng Trực đã liên tiếp đấu tranh, làm rõ 2 vụ trộm cắp tài sản, thu giữ tài sản trả lại cho người bị mất....". Thiếu tá Trần Văn Dũng, Trưởng Công an xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức chia sẻ.
Hoạt động của các mô hình, câu lạc bộ phòng, chống tội phạm ngày càng phong phú, đa dạng, thu hút đông đảo mọi tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia. Qua đó đã khơi dậy được ý thức người dân chấp hành pháp luật, nâng cao nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực tham gia tố giác tội phạm. Từ đó, giúp cơ quan Công an kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của các loại tội phạm và giải quyết các vụ việc xảy ra liên quan đến an ninh, trật tự ngay tại cơ sở.
Ông Nguyễn Hữu Đoàn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đức Minh, huyện Đắk Mil cho biết: "Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy được vai trò, trách nhiệm của nhân dân. Mặt khác, ý thức tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải trong Nhân dân cũng có chuyển biến tích cực; xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến trong việc tham gia tố giác, đấu tranh phòng, chống tội phạm và giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở. Đặc biệt, lực lượng Công an đã tham mưu xây dựng và duy trì hoạt động có hiệu quả mô hình "Tổ bảo vệ cà phê" từ nhiều năm nay với nhiệm vụ tuần tra, canh gác, bảo vệ an toàn cho người dân thu hoạch nông sản thuận lợi, góp phần giữ gìn ANTT, giảm thiểu các vụ mất trộm cà phê trong mùa thu hoạch, tạo được niềm tin và sự đồng thuận cao trong Nhân dân...".
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Trần Thanh Tuấn, Trưởng Công an huyện Krông Nô cho biết thêm "Cùng với việc đẩy mạnh công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, Công an huyện Krông Nô đã tích cực, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng, kiện toàn và duy trì hoạt động có hiệu quả của nhiều mô hình phòng, chống tội phạm ở cơ sở. Đơn cử như mô hình "Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng" (gọi tắt là mô hình "5 + 1") được triển khai đầu tiên tại xã Nam Đà. Đến nay, Công an huyện Krông Nô đã tham mưu nhân rộng và triển khai mô hình tại 12/12 xã, thị trấn và trở thành mô hình cấp huyện được Bộ Công an ghi nhận, đánh giá cao. Từ khi triển khai đến nay, mô hình "5+1" đã giới thiệu việc làm, giúp học nghề và hỗ trợ tư vấn tâm lý, giáo dục, giúp đỡ động viên hàng chục người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương yên tâm làm ăn, ổn định cuộc sống; phối hợp với Ngân hàng chính sách tạo điều kiện cho 11 hộ gia đình có người chấp hành xong án phạt tù được vay với số tiền gần 400 triệu đồng để làm ăn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu..."
Song song với đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng Công an toàn tỉnh đã phối hợp tổ chức 153 đợt tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với 8.714 lượt người tham gia, phát 25.816 tờ rơi, 5.040 cuốn tài liệu tuyên truyền, đồng thời tổ chức cho tất cả các thôn, buôn, bon, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh ký cam kết xây dựng khu dân cư an toàn về an ninh, trật tự.... Qua đó, người dân đã tự giác giao nộp gần 100 súng, nòng súng tự chế, vũ khí thô sơ, 200 gam thuốc nổ NTT...; cung cấp cho lực lượng Công an nhiều tin báo tố giác tội phạm; tham gia phối hợp truy bắt tội phạm, vận động đầu thú nhiều đối tượng có lệnh truy nã; nhận giáo dục, cảm hóa nhiều trường hợp lầm lỗi, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng; tham gia hòa giải nhiều trường hợp tranh chấp, mâu thuẫn ở cơ sở. Đặc biệt, Công an tỉnh đã tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tỉnh Đắk Nông tổ chức đợt tuyên truyền, phát động điểm phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong. Đây là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, trọng điểm phức tạp về an ninh, trật tự có 13 thôn, bon; giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng và các địa phương trong tỉnh, có địa bàn rộng với 23 dân tộc anh em sinh sống, thành phần dân cư đa dạng, phức tạp. Trong thời gian 10 ngày, lực lượng Công an đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hàng loạt các hoạt động ý nghĩa, thiết thực như: tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân; phát quang dài 15 km đường liên thôn; tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 250 người dân thuộc diện hộ nghèo, trao tặng 1500 suất quà cho các hộ gia đình và học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, xây mới, sữa chữa 2 nhà dân, tổng trị giá các hoạt động là trên 400 triệu đồng..
Thượng tá Cao Hồng Đăng, Trưởng Phòng Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc Công an tỉnh Đắk Nông cho biết "Với vai trò nòng cốt, lực lượng Công an tỉnh đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể duy trì tổ chức hiệu quả "Ngày hội Toàn dân bảo vệ ANTQ" hàng năm với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú, thiết thực, hướng về cơ sở, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong công tác phòng, chống tội phạm, được tuyên dương, khen thưởng, góp phần cùng với lực lượng Công an toàn tỉnh bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương. Riêng trong năm nay, trên cơ sở tham mưu của Công an tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tỉnh triển khai Kế hoạch tổ chức "Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ năm 2022" bắt đầu từ ngày 20/7/2022 đến ngày 19/8/2022 với 2 hoạt động chính là phần hội ( tuyên truyền pháp luật, làm căn cước công dân, giúp dân dọn vệ sinh, trao tặng quà cho các hộ gia đình khó khăn, xây nhà tình nghĩa, giao lưu thể thao...) và phần lễ (tuyên truyền về lịch sử, ý nghĩa của ngày hội và xây dựng phong trào của địa phương; ra mắt hoặc tổng kết mô hình phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, dân vận khéo..)... nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi trong các tầng lớp Nhân dân; kịp thời biểu dương, khen thưởng và tôn vinh các tập thể, cá nhân, điển hình tiên tiến, góp phần lan tỏa phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ...".
Minh Quỳnh