DANH MỤC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ TÀI KHOA HỌC VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN

100 năm Cách Mạng Tháng Mười Nga - giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại
Ngày đăng 01/11/2017 | 16:31  | View count: 4485

Ngày 31/10 tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm “100 năm Cách Mạng Tháng Mười Nga và Chủ nghĩa xã hội hiện thực - giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại”.

Tại buổi tọa đàm, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương khẳng định, Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn là nguồn cảm hứng, niềm tự hào khi các bạn trẻ nhắc đến Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay. Thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Sinh viên Việt Nam, thanh niên, sinh viên có những nhận thức đúng đắn về ý nghĩa, vai trò quan trọng của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với cách mạng Việt Nam, với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, không ngừng học tập Chủ nghĩa Mác – Lê Nin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; trân trọng, biết ơn thành quả cách mạng của các thế hệ cha anh đã không ngại gian khổ hy sinh, dày công vun đắp và bảo vệ; vững tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta lựa chọn; thường xuyên nâng cao cảnh giác, tuyên truyền sâu rộng cho đông đảo đoàn viên, thanh niên bác bỏ những luận điệu sai trái nhằm chối bỏ, phủ nhận hoặc xét lại thành quả, ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với cách mạng thế giới và cách mạng Việt Nam.

Tọa đàm "100 năm Cách Mạng Tháng Mười Nga và Chủ nghĩa xã hội
hiện thực - giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại" - Ảnh: Minh Châu

Theo GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, những người trẻ cần phải biết gắn thực tiễn cuộc sống với lịch sử, bởi lịch sử là bệ đỡ, là nền tảng văn hóa, tạo nên phẩm chất, đạo lý, lối sống của mỗi con người. "Buổi tọa đàm hôm nay rất có ý nghĩa. Ý nghĩa quan trọng nhất không phải là những gì bạn thu nhận ở đây mà mở rộng phạm vi tiếp nhận tri thức đối với những vấn đề liên quan đến lịch sử dân tộc. Cuộc tọa đàm không chỉ nói đến Cách mạng Tháng Mười Nga mà còn nói đến lịch sử dân tộc để chúng ta phấn đấu trở thành những công dân tốt, đưa đất nước phát triển".

Bà Sa phin ki-a Ve-le-ri-ep-na (Shafinskia Valerievna), Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội cho rằng, Việt Nam đến với nước Nga, gắn bó với nước Nga bắt đầu từ tình cảm, từ sự gắn bó về tình cảm, hai đất nước, hai dân tộc có sự thấu hiểu nhau về tinh thần và hỗ trợ vật chất để cùng nhau phát triển. Bà Shafinskia Valerievna mong muốn thế hệ trẻ hai nước sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, hiểu sâu sắc lịch sử, văn hóa của nhau, hỗ trợ nhau trong mọi lĩnh vực để phát triển.

Sinh viên Học viện Cảnh sát nhân dân Đinh Song Thương cho biết, từ những kiến thức mà Thương được học tập, nghiên cứu thì những mục tiêu, lý tưởng tốt đẹp của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn tiếp tục là mục tiêu, lý tưởng mà loài người hướng đến. Điều quan trọng hiện nay là cần đổi mới nội dung, phương thức giảng dạy các môn lý luận chính trị theo hướng trực quan, cụ thể, ngắn gọn, lồng ghép với các vấn đề thời sự hấp dẫn để người trẻ hiểu được rằng, đối với Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười Nga có ý nghĩa hết sức to lớn, toàn diện và sâu sắc về mọi mặt trong quá khứ, hiện tại và tương lai./.

Theo dangcongsan.vn