DANH MỤC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ TÀI KHOA HỌC VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN
Sáng ngày 25/10, đồng chí Nguyễn Trường Giang phát biểu góp ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV.
Đồng chí Nguyễn Trường Giang phát biểu tại kỳ họp
Kính thưa Đoàn Chủ tịch,
Kính thưa Quốc hội,
Về cơ bản, tôi đồng ý với nhiều nội dung của dự thảo luật cũng như Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội. Tôi xin có 3 nội dung xin góp ý thêm:
Thứ nhất, để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và trong trường hợp Quốc hội chấp nhận có sự khác nhau giữa một số quy định của luật này và Luật Đất đai, Luật Đa dạng sinh học thì tôi đề nghị cần bổ sung một điều vào chương điều khoản thi hành để thực hiện theo đúng quy định tại Điều 12 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ hai, về quỹ bảo vệ và phát triển rừng, tại Điều 100 của dự thảo Luật quy định quỹ bảo vệ và phát triển rừng là quỹ tài chính ngoài ngân sách hoạt động hỗ trợ cho các chương trình dự án mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu đầu tư. Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo rõ hơn về sự cần thiết thành lập quỹ này. Vì cũng tại kỳ họp này trên cơ sở báo cáo của Chính phủ về các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý thì Ủy ban Tài chính, Ngân sách có kiến nghị Chính phủ là tăng cường chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát tổ chức, sắp xếp lại hệ thống các quỹ, không để phân tán như hiện nay. Do đó, tôi đề nghị cần phải giải trình rõ sự cần thiết thành lập quỹ này.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 của Luật Ngân sách nhà nước thì ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Trường hợp được ngân sách nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật thì phải phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và chỉ thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
Thứ nhất, được thành lập và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ hai, có khả năng tài chính độc lập.
Thứ ba, có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nhiệm vụ thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước.
Do đó, nếu quy định nội dung này thì cần quy định rõ ngay trong luật này nhà nước có hỗ trợ vốn điều lệ của quỹ này hay không. Nếu ngân sách nhà nước có hỗ trợ thì quỹ này không thể hỗ trợ chương trình dự án mà ngân sách nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư như quy định của dự thảo luật, đồng thời rà soát quy định cụ thể hơn ngay tại luật này về nguồn thu, nhiệm vụ chi của quỹ. Cần làm rõ khi thành lập quỹ này thì có làm tăng đầu mối về tổ chức biên chế, có phù hợp với Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cả cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.
Nội dung thứ ba, về tổ chức hệ thống cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về lâm nghiệp ở địa phương, cơ quan kiểm lâm. Tại Điều 108 của dự thảo luật quy định cơ quan quản lý chuyên ngành lâm nghiệp ở địa phương. Theo đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về lâm nghiệp bao gồm cơ quan tham mưu về lâm nghiệp, cơ quan kiểm lâm được xác định phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ quản lý ở địa phương căn cứ vào diện tích loại rừng trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao nhiệm vụ quản lý chuyên ngành về lâm nghiệp ở cấp huyện cho một phòng hoặc hạt kiểm lâm cấp huyện phù hợp với thực tiễn của địa phương và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Tôi nhận thấy tại khoản 4 Điều 9 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định Chính phủ quy định cụ thể tổ chức và hoạt động của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Như vậy, theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì cơ quan quản lý chuyên ngành về lâm nghiệp ở tỉnh, huyện được tổ chức như thế nào là thuộc thẩm quyền, quyết định của Chính phủ. Các luật chuyên ngành không quy định về tổ chức về các bộ máy của ngành. Tại Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị cũng đã nêu rõ Bộ Chính trị yêu cầu không quy định các vấn đề về tổ chức bộ máy nhà nước trong các luật không thuộc chuyên ngành về tổ chức bộ máy nhà nước.
Đồng thời tại kỳ họp này, Chính phủ có Báo cáo số 392, báo cáo Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật, về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016 có đánh giá. Việc quy định về tổ chức trong văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành không thuộc lĩnh vực tổ chức nhà nước, làm phát sinh đầu mối tổ chức, gây trở ngại cho việc sắp xếp kiện toàn, tổ chức bộ máy theo yêu cầu cải cách hành chính. Từ đó, Chính phủ kiến nghị, đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị khi xây dựng các dự án luật, nghị quyết, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đưa các quy định về tổ chức bộ máy và biên chế thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vào trong các văn bản luật, pháp lệnh không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước.
Do đó, tôi đề nghị không quy định về quản lý nhà nước chuyên ngành về lâm nghiệp, chức năng của kiểm lâm, nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm lâm, tổ chức của kiểm lâm, chế độ chính sách của kiểm lâm từ Điều 108 đến Điều 112 của dự thảo luật. Và các quy định về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường tại khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 106 của dự thảo luật, vì thẩm quyền này cũng đã được giao cho Chính phủ quy định theo Điều 39 của Luật Tổ chức Chính phủ. Xin hết.
Văn Nam