DANH MỤC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ TÀI KHOA HỌC VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN
Ngày 16/10/2017, UBND tỉnh ban hành Công văn chỉ đạo UBND các huyện, thị xã về việc chấn chỉnh việc huy động nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới.
Được biết, trong thời quan qua, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã được sự vào cuộc, tham gia tích cực của các cấp ủy, chính quyền địa phương, cả hệ thống chính trị và đông đảo quần chúng nhân dân trong tỉnh. Chương trình đã đạt được những kết quả quan trọng, làm cho đời sống của người dân ngày càng được cải thiện; cơ sở hạ tầng ngày càng được đầu tư xây dựng kiên cố, sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân nông thôn; chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa ngày được nâng cao; an ninh trật tự luôn được đảm bảo. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 05 xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số báo chí thì tại một số địa phương có tình trạng nóng vội, chạy theo thành tích, huy động đóng góp xây dựng nông thôn mới từ người dân chưa đúng theo quy định, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Do vậy, để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đúng với tinh thần chỉ đạo tại các văn bản của Quốc Hội, Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã nghiêm túc chỉ đạo, thực hiện các nội dung như sau:
Việc huy động nguồn lực đóng góp từ cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới phải nghiêm túc thực hiện theo Nghị quyết số 28/2015/NQ-HĐND ngày 10/12/2015 của HĐND tỉnh về sửa đổi, bổ sung phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết số 21/2013/NQ-HĐND ngày 19/7/2013 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho một số nội dung, công việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Việc thu, chi trong các trường học phải thực hiện hiện theo Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 07/8/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc chấn chỉnh công tác thu, quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh.
Huy động đóng góp phải tùy thuộc vào khả năng, điều kiện thực tế của từng địa phương, của từng người dân, không quy định cứng nhắc chia tỷ lệ đóng góp theo đầu người, đầu hộ gia đình hay đầu học sinh. Việc huy động đóng góp của người dân phải được bàn bạc dân chủ, công khai, được sự đồng tình của người dân theo nguyên tắc tự nguyện và được HĐND cấp xã thông qua. Tuyệt đối không được gây phiền hà, nhũng nhiễu, ép buộc người dân đóng góp và huy động quá sức dân; không được yêu cầu những hộ dân nghèo, người già, người tàn tật, hộ khó khăn, gia đình chính sách,… phải đóng góp. Phải thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và tích cực hưởng ứng tham gia trên tinh thần tự nguyện.
Trong quá trình thực hiện, khi nào có các quyết định hỗ trợ vốn từ ngân sách nhà nước thì mới tính toán để tiến hành huy động đóng góp từ cộng đông dân cư; tránh tình trạng mới nghe thông tin có kế hoạch được hỗ trợ, phân bổ vốn ngân sách nhà nước, địa phương đã tiến hành huy động nhân dân đóng góp, nhưng cuối cùng lại không được phân bổ, hỗ trợ vốn, dẫn đến gây bức xúc trong nhân dân.
Trong thời gian tới, địa phương nào tiếp tục để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân trong xây dựng nông thôn mới; gây phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân, gây bức xúc dư luận xã hội thì Chủ tịch UBND huyện, thị xã đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Sam Nguyễn