DANH MỤC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ TÀI KHOA HỌC VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN
Sau thời gian khẩn trương nghiên cứu, Viện Hóa sinh biển (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã thành công trong việc tạo ra quy trình tổng hợp và tinh chế hoạt chất Molnupiravir quy mô pilot (là quy mô lớn hơn nhiều so với quy mô phòng thí nghiệm, nhưng nhỏ hơn quy mô sản xuất).
Kiểm tra độ tinh sạch của sản phẩm trên thiết bị HPLC tại Viện Hóa sinh biển |
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, PGS.TS. Phạm Văn Cường, Viện trưởng Viện Hóa sinh biển cho biết, đại dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, số người lây nhiễm và tử vong ngày càng cao. Ngoài giải pháp vaccine, thì việc nghiên cứu tạo ra các thuốc điều trị là vô cùng quan trọng.
Trong số các thuốc điều trị SARS-CoV-2, thì Molnupiravir là thuốc kháng virus đặc hiệu, dùng theo đường uống, hiện đang trong các thử nghiệm lâm sàng cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp. Đặc biệt, thuốc giảm tải lượng virus rõ rệt ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị, góp phần giảm lây nhiễm trong cộng đồng, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong. Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã triển khai chương trình thí điểm sử dụng thuốc Molnupiravir cho bệnh nhân điều trị ngoại trú tại TPHCM.
Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20/7/2021, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã giao cho Viện Hóa sinh biển thực hiện nhiệm vụ tổng hợp hoạt chất Molnupiravir quy mô pilot.
Sau thời gian khẩn trương nghiên cứu, Viện đã thành công trong việc tạo ra quy trình tổng hợp và tinh chế hoạt chất Molnupiravir quy mô pilot.
Để đẩy nhanh kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, được sự đồng ý của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hóa sinh biển đã ký kết hợp đồng chuyển giao quy trình sản xuất Molnupiravir quy mô pilot cho một công ty dược phẩm.
PGS.TS. Phạm Văn Cường cho biết: "Nhiệm vụ, trách nhiệm nghiên cứu của nhà khoa học đã hoàn thành. Đó là tạo ra quy trình tổng hợp và tinh chế hoạt chất Molnupiravir quy mô pilot. Do Viện không có chức năng sản xuất và không có hệ thống máy móc, nhà xưởng quy mô lớn, nên các bước sau đó, từ sản xuất, bào chế, thử nghiệm lâm sàng, xin cấp phép sẽ do doanh nghiệp thực hiện. Chúng tôi mong muốn, trên cơ sở quy trình mà các nhà khoa học của Viện đã chuyển giao, doanh nghiệp sẽ tổ chức sản xuất, nhanh chóng có thuốc Molnupiravir của Việt Nam để phục vụ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt đáp ứng tình hình cấp bách hiện nay".
Ngay khi bùng phát dịch COVID-19 từ đầu năm 2020 đến nay, lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tập trung chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các viện nghiên cứu trực thuộc và các cán bộ nghiên cứu của Viện triển khai tích cực các hướng nghiên cứu khác nhau phục vụ phòng chống COVID-19: Nghiên cứu bộ kit phát hiện SARS-CoV-2, nghiên cứu giải trình tự toàn bộ hệ gene của bốn chủng SARS-CoV-2, nghiên cứu các loại thuốc điều trị và đã đạt được những thành công như đã xây dựng được quy trình tổng hợp thuốc Favipiravir quy mô phòng thí nghiệm; nghiên cứu thành công giai đoạn tiền lâm sàng thuốc thử nghiệm điều trị COVID-19 từ thảo dược có tên Vipdervir…
Điều này đã khẳng định năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam, tiến tới tự chủ các sản phẩm y học phòng chống COVID-19 trong bối cảnh diễn biến còn phức tạp. Qua đó, thể hiện tính chủ động, sáng tạo, quyết tâm của các nhà khoa học tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nói riêng và các nhà khoa học Việt Nam nói chung đối với nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 theo chủ trương chung của Đảng và nhiệm vụ Chính phủ giao.
Theo chinhphu.vn