DANH MỤC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ TÀI KHOA HỌC VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021 trên địa bàn tỉnh
Ngày đăng 18/06/2021 | 15:48  | View count: 18063

Chiều ngày 17/6/2021, tại phòng họp trực tuyến Văn phòng UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCTT&TKCN) tổ chức Hội nghị trực tuyến để tổng kết công tác Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 trên địa bàn tỉnh. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, kết nối điểm cầu tỉnh tới 08 điểm cầu huyện, thành phố.

Tại điểm cầu tỉnh, đồng chí Lê Trọng Yên – TUV, PCT UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; còn có đồng chí Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó trưởng Ban Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ trì Hội nghị. Cùng tham dự có lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan cấp tỉnh. Dự tại điểm cầu huyện, thành phố có lãnh đạo cấp huyện; Thành viên Ban Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện và đơn vị liên quan ở huyện, thành phố.

Toàn cảnh Hội nghị.

Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2020 là năm thiên tai rất lớn, ở mức lịch sử, theo thống kê thiên tai toàn quốc làm 357 người chết và mất tích, 3.429 nhà sập, 333.084 nhà bị hư hại, tốc mái; trên 198.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hai; 52.000 con gia súc và 4,1 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi, ước tính tổng thiệt hại trên 39.962 tỷ đồng.

Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, tình hình thiên tai năm 2020 diễn ra khá phức tạp, bất thường  gây ra nhiều thiệt hại lớn trên địa bàn toàn tỉnh. Cụ thể: Hơn 22.440 ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng do thiên tai, 672 hộ bị thiếu nước sinh hoạt; mưa lũ làm hư hỏng hơn 200 ngôi nhà, trên 400 ha lúa và hàng trăm lồng cá bị mất trắng;... Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2020 trên địa bàn tỉnh khoảng 1.344 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh thời tiết phổ biến nắng nóng kéo dài, khô hanh, nhiệt độ tăng cao, có khoảng 1.446 hộ, với khoảng 5.675 khẩu khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Tại huyện Krông Nô, do ảnh hưởng của mưa, gió, giông lốc nên đã gây thiệt hại về nhà cửa, tài sản, cây trồng của người dân, ước thiệt hại khoảng 850 triệu đồng.

Tại Hội nghị, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN nhận định năm 2021 được dự báo số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta có khả năng ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Vì vậy,  Ban Chỉ huy PCTT&TKCN đã trình bày phương hướng nhiệm vụ trọng tâm để chủ động Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn năm 2021.

Đ/c Lê Trọng Yên – TUV, PCT UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh kết luận Hội nghị.

Kết luận tại Hội nghị, đ/c Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã biểu dương các cơ quan, đơn vị và quần chúng nhân dân đã chủ động, triển khai các giải pháp kịp thời để hạn chế ảnh hưởng, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra trong năm 2020. Trong thời gian tới, để chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời và có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đồng chí đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao và triển khai 17 nội dung trọng tâm, như: Không chủ quan lơ là phòng chống thiên tai, chủ động hạn chế ảnh hưởng của thiên tai; Triển khai thực hiện Chương trình 60-CTr/TU; QĐ 1238/QĐ-UBND; KH 588/KH-UBND; QĐ 2000/QĐ-UBND; Kiện toàn bộ máy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tinh gọn, chuyên nghiệp, đủ năng lực và quyền hạn điều hành kịp thời công tác phòng chống thiên tai; Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; Xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó phòng chống thiên tai trong điều kiện, bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; Tập trung nâng cao chuyên môn về công tác cảnh báo, dự báo;củng cố lực lượng, nâng cấp, hiện đại hóa phương tiện phòng chống thiên tai; Tổ chức tập huấn tuyên truyền cảnh báo thiên tai đến từng thôn, bon, tổ dân phố và từng người dân; xây dựng củng cố Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã; củng cố điểm xung yếu, đặc biệt tại khu vực có khả năng lũ quyết, sạt lở đất; Ưu tiên nâng cấp công trình thủy lợi nhỏ, phòng chống thiên tai; đẩy mạnh công tác trồng rừng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng; Huy động mọi nguồn lực, thực hiện tốt công tác thu Qũy PCTT & TKCN...


AD