DANH MỤC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ TÀI KHOA HỌC VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị tăng cường quản lý bảo vệ rừng
Ngày đăng 20/04/2021 | 10:15  | View count: 55957

Ngày 19/4, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Nguyễn Đình Trung ký ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

 

Trong quý I/2021, tình trạng phá rừng ở Đắk Nông diễn biến rất phức tạp

Theo đó, để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, chủ động ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về rừng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cụ thể sau:

Đối với Sở Nông nghiệp và PTNT, chỉ đạo Chi Cục Kiểm lâm thực hiện nghiêm túc công tác trực bảo vệ rừng 24/24 giờ, đặc biệt trong thời kỳ cao điểm mùa khô, dịp nghỉ lễ; tổ chức lực lượng, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ, sẵn sàng ứng phó, khống chế khi cháy rừng xảy ra; thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo của ngành để kiểm tra, phát hiện sớm điểm cháy rừng, thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng, các bản tin dự báo, cảnh báo cháy rừng đối với từng khu vực.

Lực lượng kiểm lâm tăng cường tuần tra, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp ngay từ cơ sở; tổ chức lực lượng liên ngành, chốt chặn, truy quét đột xuất, dài ngày tại các địa bàn trọng điểm, các điểm nóng về phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Xử lý trách nhiệm chủ rừng không thực hiện nghĩa vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, để xảy ra tình trạng phá rừng trái pháp luật, không kịp thời phát hiện, báo cáo cơ quan chức năng xử lý theo quy định.

Đối với các đơn vị chủ rừng, giám đốc các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, tập trung nguồn lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn, chiếm đất rừng. Bảo vệ tốt hiện trường các vụ phá rừng, cương quyết không để các đối tượng vi phạm tiếp tục tái lấn chiếm, sử dụng diện tích đất rừng bị phá.

Hàng tháng, các đơn vị thống kê diện tích đất lâm nghiệp bị người dân lấn, chiếm để tổ chức sản xuất, dựng lán trại, nhà tạm; báo cáo, đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp lực lượng quản lý, bảo vệ rừng xác minh, lập hồ sơ, tổ chức cưỡng chế, giải tỏa theo quy định. Đồng thời, có biện pháp trồng lại rừng trên diện tích đất lấn, chiếm đã giải tỏa.

Đối với UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện quyết liệt các giải pháp, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của UBND cấp huyện, cấp xã. Quản lý chặt chẽ tình trạng dân di cư tự do từ nơi khác đến địa phương, ngăn chặn kịp thời tình trạng dân di cư tự do phá rừng lấy đất sản xuất. Xem xét kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với UBND cấp xã buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, để xảy ra tình trạng phá rừng trái pháp luật, không kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo quy định.

Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn mình quản lý.

Theo Báo Đắk Nông Điện tử