DANH MỤC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ TÀI KHOA HỌC VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN

Đại dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng trên toàn thế giới
Ngày đăng 13/04/2021 | 15:00  | View count: 28167

Trong 24 giờ qua, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều khu vực trên thế giới với 584.233 ca nhiễm mới. Tại một số nơi, dịch bệnh không có dấu hiệu hạ nhiệt, mặc dù chiến dịch tiêm vaccine đang được được mở rộng. Mức độ lây nhiễm đang có dấu hiệu tăng tốc trở lại lại ở hầu khắp các khu vực trên toàn cầu đã khiến cuộc chiến chống COVID-19 vấp phải những trở lực mới.

 
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch, một số nước châu Âu đang dần nới lỏng phong tỏa một cách thận trọng. Trong ảnh là học sinh tại trường Glyfada, ngoại ô thủ đô Athens của Hy Lạp thực hiện các biện pháp phòng dịch khi tới trường, ngày 12/4. (Ảnh: Xinhua)

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn thế giới đã ghi nhận 137.242.780  ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 2.958.148 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 110.421.948 người. Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với tổng số 31.987.213 ca nhiễm.

Xét theo quy mô khu vực, trong 24 giờ qua, châu Á ghi nhận nhiều số ca mắc mới COVID-19 nhất trên thế giới, với 303.436 ca, nâng tổng số ca nhiễm lên 31.531.625 trường hợp. Tiếp theo sau là châu Âu, với 108.924 ca mắc mới, Nam Mỹ với 93.784 ca mắc mới, Bắc Mỹ 71.574 ca, châu Phi 10.252 ca và châu Đại dương 205 ca.

Dựa trên dữ liệu so sánh số ca nhiễm tại mỗi quốc gia, dịch bệnh đang bùng phát mạnh và nguy hiểm nhất tại Ấn Độ và Brazil, hai trong số ba tâm dịch lớn nhất thế giới (cùng với Mỹ). Ấn Độ bước vào làn sóng lây nhiễm thứ hai, với tốc độ lây lan dữ dội hơn. Riêng trong ngày 12/4, nước này có 160.694 trường hợp nhiễm mới, đánh dấu tròn 1 tuần liên tiếp Ấn Độ ghi nhận trên 100.00 ca mắc SARS-CoV-2/ngày.

Hiện các chuyên gia đang lo ngại rằng, các sự kiện tôn giáo tại Ấn Độ có thể khiến số ca nhiễm tiếp tục gia tăng. Điều này thực sự đáng lo ngại trong bối cảnh số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại quốc gia Nam Á này gia tăng đột biến và Ấn Độ đã vượt Brazil trở thành nước có số ca mắc COVID-19 cao thứ hai thế giới.

Trong bối cảnh Ân Độ đang rơi vào hoàn cảnh khan hiếm vaccine ngừa COVID-19, một ủy ban chuyên gia của nước này đã chấp thuận sử dụng vaccine Sputnik V của Nga trong trường hợp khẩn cấp. Nếu được Cục quản lý dược phẩm Ấn Độ (DCGI) phê chuẩn, đây sẽ là vaccine COVID-19 thứ ba được cấp phép sử dụng ở Ấn Độ, ngoài vaccine của AstraZeneca và vaccine nội địa của công ty Bharat Biotech. Các quan chức chính phủ cho biết Ấn Độ sẽ đưa vào sử dụng thêm 5 loại vaccine phòng COVID-19 nữa từ nay đến tháng 10 và mục tiêu từ nay đến tháng 7, nước này sẽ tiêm vaccine cho 300 triệu người.

Brazil cũng đang phải đối diện với những khó khăn nghiêm trọng, khi hệ thống y tế đã quá tải trước số ca nhiễm COVID-19 phải nhập viện. Giới chức y tế nhận định, phải vài tuần nữa đại dịch mới đạt đỉnh ở Brazil và đến lúc đó quốc gia Nam Mỹ này có thể sẽ là nước chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất, với số ca tử vong vượt Mỹ. Bình quân số người chết vì COVID-19 tại Brazil trong 7 ngày qua là gần 3.000 người/ngày và tính trung bình cứ bốn người tử vong trên thế giới vì đại dịch, có một trường hợp ở Brazil. Theo số liệu cập nhật trên worldometers vào sáng 13/4, hiện Brazil ghi nhận 13.521.409 ca nhiễm COVID-19 (đứng thứ 3 thế giới), với 355.031 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm gần 40.000 ca mắc mới.

Bất chấp những nỗ lực đẩy mạnh việc tiêm chủng vaccine cho người dân, tình hình dịch bệnh hưa có chiều hướng lắng dịu ở châu Âu, khi một loạt nước liên tiếp ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc mới/ngày. Tính đến sáng 13/4, lục địa già ghi nhận 41.778.843 ca nhiễm COVID-19, với 954.261 ca tử vong. Hiện Pháp đang đứng đầu châu lục với 5.067.216 ca mắc COVID-19, tiếp theo sau là Nga, Anh với lần lượt 4.649.710 và 4.373.343 trường hợp ghi nhận được tới thời điểm hiện tại. Một số nước khác trong khu vực như Đức, Ba Lan đã chứng kiến số ca mắc mới vượt ngưỡng 10.000 trong ngày hôm qua (12/4).

Một phụ nữ ở Phnom Penh lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Phnom Penh Post 

Còn tại châu Á, dịch bệnh cũng đang có dấu hiệu phức tạp trở lại tại nhiều nước, trong đó có có Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc...

 

Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Campuchia Li Ailan cảnh báo, các ca nhiễm biến thể B.1.1.7 của virus SARS CoV-2, loại biến thể được phát hiện đầu tiên tại Anh được cho là dễ lây lan hơn, đã xuất hiện ở Campuchia. "Đợt bùng phát này khác với các đợt bùng phát trước kia ở Campuchia. Biến thể B.1.1.7 dễ lây lan hơn và có thể gây bệnh nặng hơn. Nhiều nước có hệ thống y tế mạnh cũng đã bị áp đảo bởi biến thể này" - bà Li nói. Theo đại diện của WHO thì Campuchia đang trên bờ vực "thảm kịch quốc gia" do đại dịch COVID-19.

Tính đến sáng 13/4, Campuchia ghi nhận 4.515 ca nhiễm COVID-19, với 2.212 ca điều trị khỏi. Riêng trong ngày 12/4, Campuchia ghi nhận 277 ca mắc mới, trong đó 204 ca ở thủ đô Phnom Penh.

Tình hình dịch bệnh tại Thái Lan cũng diễn biến không mấy sáng sủa khi trong ngày 12/4, nước này ghi nhận thêm 985 ca mắc COVID-19, đánh dấu ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới theo ngày ở mức cao nhất kể từ đầu dịch. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số ca nhiễm tại quốc gia này là 33.610, với 97 ca tử vong.

Còn tại Hàn quốc, Tổng thống Moon Jae-in, ngày 12/4 cũng cảnh báo rằng Hàn Quốc có thể bị cuốn vào một làn sóng "bùng nổ" COVID-19 tiếp theo nếu nước này không ngăn chặn được giai đoạn hiện tại của đại dịch.

Sau một thời gian ngắn lắng dịu, thế giới trải qua 6 tuần liên tiếp có số ca mắc và tử vong gia tăng. Những dữ liệu mới nhất này khiến giới chức của WHO phải thừa nhận, quỹ đạo của đại dịch trên thế giới đang đi sai hướng. Vaccine là công cụ mạnh mẽ nhất, nhưng chỉ riêng vaccine sẽ không giúp chấm dứt đại dịch mà đi cùng với đó phải là ý thức của người dân trong triển khai các biện pháp phòng chống dịch một cách đồng bộ, toàn diện và hiệu quả./.

Theo dangcongsan.vn