Kết quả tiếp công dân hàng tháng

Chia sẻ kinh nghiệm và chính sách mới của Nhật Bản nhằm thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số
Ngày đăng 08/01/2021 | 17:01  | View count: 12262

Đó là nội dung xuyên suốt của Hội thảo trực tuyến do Văn phòng Chính phủ tổ chức vào sáng ngày 08/01/2021 tại thành phố Hà Nội, với sự tham gia của 63 điểm cầu của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng cùng Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đồng chủ trì Hội thảo.

Tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Văn Nam chủ trì Hội thảo, cùng tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.

Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông

 

Với việc xác định phát triển Chính phủ điện tử là bước đi quan trọng của Chuyển đổi số quốc gia, việc ứng dụng các công nghệ mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường ngắn nhất để thực hiện khát vọng vì Việt Nam hùng cường, Chính phủ đã quyết liệt triển khai Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số. Năm 2020, Việt Nam tăng 2 bậc so với năm 2018 về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử do Liên hợp quốc đánh giá, đứng thứ 6/11 trong khu vực ASEAN.

Tại Hội thảo, Văn phòng Chính phủ chia sẻ một số kết quả xây dựng Chính phủ điện tử đã và đang triển khai như:

1. Thể chế, chính sách về ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử dần được hoàn thiện.

2. Khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia vào ngày 12/3/2019. Đến ngày 25/12/2020 đã có trên 3,7 triệu văn bản điện tử trao đổi trên Trục liên thông văn bản quốc gia, tiết kiệm được khoảng 1.200 tỷ đồng/năm.

3. Xử lý công việc trên môi trường mạng từ tháng 5/2018, ký số văn bản điện tử, thực hiện Văn phòng Chính phủ không giấy tờ.

4. Ngày 19/8/2020, khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Kết nối với 51 bộ, cơ quan với 106/200 chỉ tiêu kính tế - xã hội. Chi phí tiết kiệm được khi sử dụng khoảng 460 tỷ đồng/năm.

5. Khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia vào tháng 12/2019. Đến ngày 25/12/2020, đã tích hợp, cung cấp trên 2.600 dịch vụ công trực tuyến; hơn 27 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 726 nghìn hồ sơ thực hiện trực tuyến qua Cổng. Tính tại thời điểm tích hợp, cung cấp dịch vụ công thứ 1.000, tiết kiệm được khoảng 6.700 tỷ đồng/năm.

6. Triển khai họp Chính phủ không giấy tờ, biểu quyết điện tử từ ngày 24/6/2019. Chi phí tiết kiệm được khi sử dụng khoảng 169 tỷ đồng/năm.

Các chuyên gia phía Nhật Bản cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử qua các chuyên đề: Chính sách mới của Thủ tướng Nhật Bản Suga để phát triển Chính phủ số; Kinh nghiệm số hóa dịch vụ công và thủ tục hành chính tại Nhật Bản; Xây dựng chính sách sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản thông qua các hoạt động hội thảo, trao đổi kinh nghiệm. Bộ trưởng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai Chính phủ điện tử gắn chặc chẽ với ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, lấy người dân làm trung tâm. Trong đó, đẩy mạnh xử lý hồ sơ điện tử trên môi trường mạng, kết nối liên thông giữa các cấp chính quyền; triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tập trung triển khai hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.

Tân Khương