Kết quả tiếp công dân hàng tháng
Đền thờ Vua Hùng được xây dựng theo phong cách cung đình cổ kính nằm ở trên ngọn đồi cao, bên tỉnh lộ 6, đoạn đi qua xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức.
Nhiều năm qua, ngôi đền là nơi để người dân trong và ngoài vùng đến thắp hương, cầu mong bình an cũng như ghi nhớ công lao các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước.
Người dân xã Đắk Búk So dọn dẹp Đền thờ Vua Hùng, chuẩn bị ngày giỗ Tổ 10/3 âm lịch năm 2019 |
Ông Chữ Văn Chúc, người được giao nhiệm vụ trông coi Đền thờ Vua Hùng chia sẻ: Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương cũng như tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, gia tộc của nhiều gia đình là văn hóa chung của người dân Việt. Với những người Phú Thọ xa xứ, hàng năm không thể về với đất Tổ, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn luôn đau đáu nỗi nhớ về tổ tiên cội nguồn với tâm niệm "Con người có tổ có tông, như cây có cội, như sông có nguồn...".
Theo ông Chúc, Đền thờ Vua Hùng được xây dựng vào năm 2017. Lúc đầu, ý tưởng xây dựng Đền thờ Vua Hùng chỉ là suy nghĩ riêng của những người dân Phú Thọ xa quê vào Đắk Búk So lập nghiệp. Sau đó, ý tưởng xây dựng Đền thờ Vua Hùng nhanh chóng được lan rộng ra toàn vùng. Điều đáng mừng, không chỉ có người dân Phú Thọ mà hàng chục hộ gia đình có quê quán ở các tỉnh thành khác, thậm chí đồng bào dân tộc tại chỗ cũng xin đóng góp tiền của để nhanh chóng xây dựng Đền thờ Vua Hùng. Sau một thời gian ngắn, đã có hơn 100 hộ gia đình trong vùng tình nguyện đóng góp được hơn 800 triệu đồng để mua hơn 1 sào đất, xây dựng đền thờ theo phong cách cung đình với diện tích khoảng 60m2.
Hàng năm luôn có hàng trăm người dân đến thắp hương dự ngày giỗ Tổ 10/3 |
20 năm trước, ông Nguyễn Văn Thâm cùng hàng chục hộ gia đình khác từ tỉnh Phú Thọ vào xã Đắk Búk So sinh sống. Đối với ông Thâm cũng như nhiều hộ gia đình khác đã xem vùng đất Đắk Búk So là quê hương thứ hai của mình. Một khi đã an cư lạc nghiệp ở vùng đất mới, những người dân như ông Thâm ở đây đều mong muốn xây dựng Đền thờ Vua Hùng để tưởng nhớ, báo công cho tổ tiên mình được biết.
Còn chị Trần Thị Quyên, quê Hà Tĩnh hiện đang sinh sống tại xã Đắk N'Drung, huyện Đắk Song cũng phấn khởi cho biết: Không riêng gì bà con Phú Thọ, tất cả người dân trên mọi miền đất nước đều là con cháu Vua Hùng, luôn hướng về quê cha đất Tổ, cội nguồn của dân tộc. Bà con ở quanh vùng khi biết ở gần nơi mình sống có Đền thờ Vua Hùng đều rất vui mừng, luôn đến thắp nhang hướng về cội nguồn, mong muốn các Vua Hùng anh linh phù hộ cho những người con xa xứ luôn mạnh khỏe, may mắn và làm ăn phát đạt. Thông qua hoạt động văn hóa ý nghĩa này, tình cảm giữa mọi người trong xã được thắt chặt hơn, đoàn kết hơn.
Ông Ngô Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Búk So: Việc xây dựng Đền thờ Vua Hùng ở xã Đắk Búk So thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, nhân lên lòng tự hào, đoàn kết dân tộc, chung sức, đồng lòng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng giàu mạnh, hạnh phúc, văn minh. Hàng năm, vào những ngày lễ, tết, nhất là vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), đã trở thành ngày gặp mặt không chỉ trong nội bộ Hội đồng hương Phú Thọ mà còn của tất cả bà con sinh sống trong và ngoài vùng. Sau gần 3 năm đi vào hoạt động, Đền thờ Vua Hùng đã đón hàng ngàn lượt người dân trong và ngoài vùng đến thắp hương tri ân, tưởng nhớ về tổ tiên, cội nguồn của mình. |
Với những ý nghĩa đặc biệt đó, nhiều người dân ở xã Đắk Búk So đang tiếp tục quyên góp tiền của để mua thêm đất đai, mở rộng khuôn viên, tôn tạo Đền thờ Vua Hùng một cách khang trang, đẹp đẽ hơn. Di tích Đền thờ Vua Hùng trên đất Đắk Búk So luôn là điểm đến cho các thế hệ hôm nay và cả mai sau nhằm tri ân các bậc tiền nhân đã có công dựng nước giữ nước.
Theo Báo Đắk Nông điện tử
Thông tin từ các sở, Ban, ngành
- Sở Nội vụ
- Sở Ngoại vụ
- Sở Tài Chính
- Sở Y tế
- Sở Tư pháp
- Sở Công thương
- Sở Xây dựng
- Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Sở Giáo dục và Đào tạo
- Sở Tài nguyên & Môi trường
- Sở Giao thông Vận tải
- Sở Khoa học & Công nghệ
- Sở Thông tin & Truyền thông
- Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch
- Sở Lao động, Thương binh & Xã hội
- Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn
- Thanh tra tỉnh
- Ban dân tộc