Kết quả tiếp công dân hàng tháng

Doanh nghiệp, nông dân ngày càng chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê
Ngày đăng 18/12/2017 | 10:03  | View count: 7170

Để đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường, và người tiêu dùng, hiện nay nhiều nông dân, doanh nghiệp đã chú trọng khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến cà phê để nâng cao chất lượng sản phẩm.

 

Nông dân sử dụng máy xay dập cà phê tươi và phơi trên nền xi măng

Chú trọng hái quả chín, phơi sạch sẽ

Điều dễ nhận thấy nhất là khác với trước đây, nhiều nông dân đã chú ý đến việc thu hoạch khi cà phê đã chín đỏ, chiếm tỷ lệ cao trong vườn cây. Bởi vì, đây là vấn đề then chốt, đầu tiên quyết định đến chất lượng sản phẩm cà phê suốt trong quá trình chế biến sau này. Khi cà phê trên cây chín đỏ thì sẽ bảo đảm chất lượng của hạt cao nhất, và kéo theo nhiều yếu tố liên quan.

Theo anh Nguyễn Văn Tuệ, tổ dân phố 1, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa), gia đình anh có 5 sào cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh và năm nay ước đạt 2 tấn nhân. Trước đây, cứ đến mùa vụ nhìn thấy vườn có quả chín khoảng 50-60% rồi là anh đã hái sạch cả xanh lẫn đỏ. Thế nhưng, mấy năm gần đây, anh dần thay đổi cách thu hoạch, thường chia làm 3 đợt. Gia đình lựa chọn những cây có nhiều trái chín trong vườn để hái trước, thường thì tỷ lệ quả chín từ 80% trở lên mới hái. Những cây có tỷ lệ quả xanh cao thì đợi đến khi chín đỏ nhiều mới hái.

Cách thu hoạch như thế này tuy mất nhiều công nhưng năng suất lại cao hơn khoảng 20%, nhân cà phê lại to, chắc, được đại lý thu mua giá cao hơn. Gia đình anh cũng đầu tư làm sân xi măng để phơi cà phê cho sạch sẽ, khô đều, đỡ ẩm mốc.

Khâu phơi cà phê sau thu hoạch cũng được nông dân chú ý. Anh Phạm Văn Thi ở tổ dân phố 1, phường Nghĩa Trung chia sẻ: "Một lần, tôi đi bán 1 tạ cà phê nhưng bị đại lý trừ tạp chất rất cao, tới 7 kg. Lý do bị đại lý thu mua trừ là do cà phê lẫn nhiều hạt bị đen do hái xong để thành đống dưới đất nên quả bị mốc, thậm chí thối rồi mới phơi. Rút kinh nghiệm, vụ mùa này hái xong, chúng tôi tranh thủ xay dập vỏ để phơi cho nhanh khô, hạt nhân sáng đẹp. Sau khi phơi khô, gia đình cất vào kho và chờ khi được giá mới bán.

Qua tìm hiểu các đại lý, doanh nghiệp thu mua cà phê trên địa bàn tỉnh cho thấy, hiện nay tiêu chuẩn thu mua sản phẩm cao hơn, thậm chí từ chối mua cà phê "bẩn", tức loại nhân bị đen, nhăn và lẫn nhiều tạp chất. Thực tế cũng có doanh nghiệp sau khi gom cà phê "bẩn" đã bị đối tác trả hàng. Chính sự khắt khe của doanh nghiệp, đại lý thu mua cà phê đã góp phần giúp nông dân nâng cao nhận thức và chú trọng thực hiện tốt hơn khâu thu hoạch, bảo quản và chế biến sản phẩm.

Nhân cà phê được sấy trong nhà kính và phơi trên sàn của Trang trại cà phê Enjoy ở tổ dân phố 1, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa)

Đầu tư chế biến cà phê sạch

Trước nhu cầu của thị trường, người tiêu dùng sử dụng thức uống từ các sản phẩm cà phê sạch, các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đã đầu tư vào khâu chế biến sản phẩm; trong đó, khâu phơi, sấy cà phê được chú trọng hàng đầu.

Anh Nguyễn Bá Phương, phụ trách thu mua của Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan Đắk Nông (Gia Nghĩa) cho biết: "Sau khi sang Lâm Đồng tham quan, học hỏi các mô hình chế biến cà phê sạch, công ty đã đầu tư 100 triệu đồng làm 150m2 nhà kính để sấy nhân tại Trang trại cà phê Enjoy ở tổ dân phố 1, phường Nghĩa Trung. Trong quá trình xây dựng, chúng tôi có cải tiến so với các mô hình ở Đà Lạt để phù hợp với thời tiết của Gia Nghĩa. Ban ngày, chúng tôi tận dụng ánh nắng mặt trời để sấy cà phê nhân, ban đêm thì bật quạt thổi gió để nhanh khô. Nhiệt độ trong nhà kính thường cao hơn bên ngoài từ 5-70C và sấy theo cách này sẽ làm khô cà phê tự nhiên, chất lượng cao, giữ được hương vị đặc trưng".

Theo anh Phương, cà phê mà công ty thu mua được sản xuất theo các tiêu chí "sạch", tỷ lệ quả chín 80% trở lên, thậm chí 100%. Giá thu mua cà phê tươi cao hơn thị trường từ 5.000-10.000 đồng/kg. Sau khi mua được, công ty thực hiện chế biến ướt như ngâm, xay loại bỏ tạp chất, quả xanh và rửa sạch, đem phơi.

Anh Phương chia sẻ: "Điều đặc biệt của chế biến cà phê ướt đó là đưa lên sàn phơi, tránh tiếp xúc với đất. Đến nay, chúng tôi đã mua trên 50 tấn cà phê tươi của các hộ dân và chế biến được hơn 10 tấn nhân. Việc thu mua, phơi sấy, chế biến cà phê được ghi chép, theo dõi chất lượng cụ thể. Ngoài việc nông dân được lợi về giá cả thì chế biến cà phê sạch còn đem lại nhiều lợi nhuận cho công ty, bởi, xu hướng người tiêu dùng hiện nay là sử dụng hàng sạch để bảo vệ sức khỏe. Vì vậy, không những uy tín của công ty được nâng lên mà sản phẩm cũng khẳng định vị thế trên thị trường. Sang năm tới, công ty dự kiến sẽ mở rộng làm thêm nhà kính phục vụ chế biến sản phẩm cà phê".

Tương tự, HTX Nông lâm nghiệp Đắk Mil (Đắk Mil) đã thí điểm sử dụng công nghệ chế biến cà phê ướt, với việc đầu tư làm 500m2 nhà kính lấy nhiệt theo nguyên lý hiệu ứng nhà kính để phơi cà phê nhân. Một số công ty, doanh nghiệp hiện nay cũng đã đầu tư xây dựng nhà kính để phơi và chế biến cà phê sạch.

Theo Đăk Nông Online