Tình hình công khai lịch tiếp công dân

Sự hợp tác toàn diện Việt-Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững
Ngày đăng 02/10/2019 | 15:58  | View count: 23312

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào đã trải qua thử thách của thời gian và lịch sử đấu tranh cách mạng của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước ngày càng được củng cố, phát triển và mở rộng, đi vào chiều sâu trên mọi lĩnh vực.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ nước CHDCND Lào Thoong-lun Xi-xu-lít

Nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ nước CHDCND Lào Thoong-lun Xi-xu-lít (Thongloun Sisoulith) và Phu nhân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ nước CHDCND Lào thăm chính thức Việt Nam từ ngày 1-3/10/2019.

Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi, cùng chung sống trên bán đảo Đông Dương và đã có truyền thống từ lâu đời. Hơn một thế kỷ dưới ách thống trị, đô hộ của thực dân đế quốc, hai dân tộc đã gắn bó với nhau trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung. Đảng Cộng sản Đông Dương do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã trở thành lực lượng lãnh đạo cách mạng của hai dân tộc Việt Nam và Lào. Từ những nét tương đồng về văn hoá giữa hai dân tộc, từ việc luôn sát cánh bên nhau chiến đấu chống kẻ thù chung và xây dựng đất nước đã góp phần xây đắp nên tình đoàn kết keo sơn, thuỷ chung, son sắt Việt – Lào, mối quan hệ đặc biệt hữu nghị, trong sáng, mẫu mực tạo thành truyền thống quý báu, một sức mạnh vô địch, là nhân tố góp phần tạo nên thắng lợi của cách mạng hai nước.

Ngày 5/9/1962, Nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà và Vương quốc Lào đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Tháng 12/1975, Cách mạng Lào thành công, nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào được thành lập, ngày 18/7/1977 Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Lào đã được ký kết.

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản cùng các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, đã trải qua thử thách của thời gian và lịch sử đấu tranh cách mạng của hai Đảng, hai nước, và nhân dân hai nước ngày càng được củng cố, phát triển và mở rộng, đi vào chiều sâu trên mọi lĩnh vực.

Trong những năm qua, hai bên không ngừng củng cố, phát triển quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, coi đây là quy luật phát triển, nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước.

Quan hệ chính trị, ngoại giao tiếp tục được tăng cường, ngày càng gắn bó tin cậy, giữ vai trò nòng cốt, định hướng trong quan hệ hai nước. Hai bên đã phối hợp tổ chức tốt các chuyến thăm, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước. Các Ban của Đảng, các bộ, ngành, cơ quan của Quốc hội, Mặt trận, đoàn thể và các địa phương hai nước thường xuyên sang thăm lẫn nhau chia sẻ kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế, cũng như các lĩnh vực chuyên môn… Đến hết tháng 8/2019, hai bên trao đổi hơn 120 đoàn trong đó có khoảng 60 đoàn từ cấp Thứ trưởng trở lên. Hai bên đã tổ chức thành công Kỳ họp lần thứ 41 Ủy ban liên Chính phủ do hai Thủ tướng đồng chủ trì. Lãnh đạo cấp cao Việt Nam sang thăm Lào nổi bật có các đoàn: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm hữu nghị chính thức Lào (24-25/2/2019); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm nội bộ Lào (26-29/9/2019)... Lãnh đạo cấp cao Lào sang thăm Việt Nam có: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bun-nhăng Vo-la-chít (Bounnhang Vorachith) sang thăm, nghỉ (9-12/8/2019); Chủ tịch Quốc hội Lào Pa-ny Ya-tho-tu (Pany Yathotou) thăm nội bộ Việt Nam (ngày 4-8/3/3019); Thủ tướng Chính phủ Lào Thoong-lun Xi-xu-lít (Thongloun Sisoulith) quá cảnh làm việc tại Việt Nam (31/5-1/6/2019).

Hợp tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại tiếp tục có bước phát triển mới, là một trụ cột trong quan hệ hai nước. Hai bên tích cực, chủ động thực hiện hiệu quả Nghị định thư hợp tác 5 năm và Kế hoạch hợp tác hàng năm về quốc phòng, an ninh, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội ở mỗi nước; thực hiện tốt Hiệp định về Quy chế biên giới, phối hợp triển khai Thỏa thuận giữa hai Chính phủ về giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong khu vực biên giới hai nước. Hai bên tiếp tục hợp tác xây dựng cụm bản biên giới; tiếp tục công tác tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào trong thời kỳ chiến tranh.

Hai bên phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế; tiếp tục tăng cường hợp tác, phối hợp với các thành viên ASEAN khác trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN và duy trì đoàn kết, đồng thuận của ASEAN trong các vấn đề chiến lược ở khu vực, bao gồm vấn đề Biển Đông. Lào tích cực ủng hộ Việt Nam vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Hai bên thường xuyên hợp tác, phối hợp chặt chẽ với các nước, các tổ chức quốc tế có liên quan để quản lý, sử dụng bền vững và có hiệu quả nguồn nước sông Mê Công, bảo đảm hài hòa lợi ích của các nước trong lưu vực sông Mê Công, tiếp tục phối hợp với các bên kiểm tra, giám sát các tác động toàn diện của việc sử dụng nước sông Mê Công.

Hai bên đã chủ động, tích cực triển khai có hiệu quả các Hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ và các nội dung Biên bản kỳ họp lần thứ 41 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào (tháng 1/2019). Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt hơn 1 tỷ USD, 8 tháng đầu năm 2019 đạt 748 triệu USD (tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2018). Xuất khẩu Việt Nam sang Lào đạt 405 triệu USD (tăng gần 18,8%), nhập khẩu từ Lào đạt gần 260 triệu USD (tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2018). Hai bên tiếp tục tích cực triển khai Hiệp định Thương mại mới và Hiệp định Thương mại biên giới với mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại ít nhất 10%/năm.

Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 tại Lào. Tính đến tháng 6/2019, đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đạt 411 dự án với tổng vốn đăng kí là 4,22 tỷ USD, tập trung nhiều vào một số lĩnh vực thủy điện, khai khoáng, dịch vụ, nông nghiệp và viễn thông. Các dự án hoạt động có hiệu quả thuộc lĩnh vực ngân hàng, khách sạn, đóng góp cho ngân sách nhà nước Lào và an sinh xã hội, được các bạn Lào đánh giá cao. Vốn thực hiện đạt gần 50%, khoảng 2 tỷ USD. 6 tháng đầu năm 2019 có 2 dự án mới được cấp phép: Công ty Lao-Jagro Development Xiengkhoang, đây là hợp tác ba bên Lào-Nhật Bản-Việt Nam (Công ty Cổ phần Sữa Vinamilk) với tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD; dự án hợp tác trồng cây ăn quả tại Hủa Phăn.

Hợp tác giáo dục đào tạo- văn hóa tiếp tục được quan tâm. Hai bên phối hợp triển khai hiệu quả Đề án "Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020", chú trọng tăng cường đào tạo cán bộ chiến lược cho Lào. Năm 2018, Việt Nam đã dành cho Lào 1271 học bổng (tăng 271 suất so với quyết định của hai Chính phủ), Lào dành cho Việt Nam 60 học bổng. Tổng số lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam là 14.656 người, số lưu học sinh Việt Nam tại Lào là 260 người. Việt Nam đã mở 24 lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho 497 cán bộ quản lý, nghiệp vụ các cấp của Lào trên các lĩnh vực. Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã hoàn thành, bàn giao chương trình tiếng Việt, bản thảo bộ sách giáo khoa tiếng Việt (thực nghiệm) từ lớp 1 đến lớp 12 cho phía Lào. Việt Nam tiếp tục cử giáo viên sang dạy tiếng Việt cho cán bộ, học sinh – sinh viên tại 28 cơ sở giáo dục thuộc 11 tỉnh, thành phố của Lào; hỗ trợ ngành giáo dục Lào hoàn thành, đưa vào sử dụng 6 công trình phục vụ dạy và học. Các hoạt động tuyên truyền, giao lưu, văn hóa nghệ thuật, xúc tiến du lịch được quan tâm thúc đẩy ở cả cấp trung ương và địa phương, góp phần tăng cường sự gần gũi, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.

Hợp tác giữa các địa phương, nhất là các địa phương có chung biên giới tiếp tục được tăng cường, đặc biệt trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm sóc y tế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn tại các khu vực biên giới hai nước. Hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt tại Lào và người Lào tại Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập tại mỗi nước.

Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam chúc mừng những thành tựu to lớn, quan trọng mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Lào anh em đã đạt được trong thời gian vừa qua; Lào là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất ASEAN và duy trì tỉ lệ khoảng 7%/năm trong những năm gần đây (từ 2009). Tỉ giá ngoại hối ổn định và tỉ lệ lạm phát thấp (1,3 - 2%/năm). Cơ chế đầu tư đơn giản, mở rộng tín dụng ngân hàng cho nông nghiệp và doanh nghiệp nhỏ, phát triển các đặc khu kinh tế… đã góp phần thu hút nhà đầu tư nước ngoài và giúp kinh tế Lào phát triển tốt. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn ủng hộ toàn diện đối với công cuộc đổi mới ở Lào, đồng thời tin tưởng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nhân dân Lào sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm lần thứ VIII (giai đoạn 2016 - 2020), tích cực chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI vào năm 2021.

Là người đồng chí gần gũi thân thiết của nhân dân các bộ tộc Lào anh em, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn tự hào về những thành tựu mà nhân dân các bộ tộc Lào đã giành được, tin tưởng nhân dân các bộ tộc Lào, phát huy truyền thống đấu tranh bất khuất và tinh thần lao động cần cù sáng tạo, sẽ tiếp tục giành được những thành tựu mới to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng thành công một nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và phồn vinh. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam nguyện cùng những người đồng chí, anh em Lào thân thiết làm hết sức mình vun đắp mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt, sự hợp tác toàn diện Việt-Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và tiến bộ ở khu vực và trên thế giới./. 

Theo dangcongsan.vn