Tình hình công khai lịch tiếp công dân

Tăng cường các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp tết
Ngày đăng 29/01/2019 | 09:09  | View count: 24036

Vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày càng tăng cao, nhất là đối với các mặt hàng như bánh, kẹo, mứt, nước giải khát, rượu, bia và các thực phẩm được chế biến từ thịt... Đây cũng là thời điểm các mặt hàng kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) có cơ hội tung ra thị trường. Vì vậy, việc bảo đảm VSATTP đang là vấn đề được người tiêu dùng cũng như cơ quan chức năng quan tâm hàng đầu trong thời điểm hiện nay.

Thành lập 80 đoàn thanh, kiểm tra

Theo Ban Chỉ đạo VSATTP của tỉnh, đến nay, tất cả các địa phương trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch và triển khai nhiều hoạt động cụ thể nhằm bảo đảm VSATTP trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân 2019. Trong đó, công tác thông tin, tuyên truyền được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tập trung chủ yếu tại các khu đông dân cư, các chợ trọng điểm, khu vực vui chơi, giải trí.

Ông Nguyễn Tấn Thành, Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh cho biết: "Ngoài tổ chức tuyên truyền lưu động, đơn vị đã tiến hành treo 24 băng rôn trên các trục đường chính của thị xã Gia Nghĩa, đồng thời huy động 140 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cùng tham gia tuyên truyền. Bên cạnh đó, các ngành liên quan cũng phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân lựa chọn, xử lý, chế biến thực phẩm an toàn, nhằm giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong những ngày tết".

Đoàn thanh kiểm tra liên ngành VSATTP kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện Tuy Đức

Đặc biệt, công tác thanh, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành được tăng cường. Toàn tỉnh đã và đang tổ chức 80 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành từ tỉnh đến cơ sở, tập trung kiểm tra các loại thực phẩm có nguy cơ mất VSATTP cao và tiêu thụ nhiều trong dịp tết. Các đoàn chú trọng kiểm tra hồ sơ nguồn gốc sản phẩm, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm và hồ sơ theo dõi về chất lượng sản phẩm. Ngoài việc tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát vấn đề buôn bán, vận chuyển thực phẩm, đồ uống trên địa bàn, ngành còn tiến hành thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ.

Việc thanh, kiểm tra được phân cấp một cách hợp lý từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã để tránh tình trạng kiểm tra tràn lan, chồng chéo, gây phiền hà cho người sản xuất, kinh doanh. Đối với những trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc với mức phạt cao hơn và các biện pháp mạnh tay hơn...

Ý thức của người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 6.498 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, ngành Y tế quản lý 3.418 cơ sở; ngành Công thương quản lý 1.798 cơ sở và ngành Nông nghiệp quản lý 1.282 cơ sở. Hàng năm, các cơ quan chức năng của tỉnh đều tổ chức hàng trăm đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, chuyên  ngành về ATTP từ tỉnh đến cơ sở. Trong quá trình kiểm tra, các đoàn đều lồng ghép việc tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở chấp hành đúng các quy định của Nhà nước về bảo đảm ATTP. Thế nhưng, việc vi phạm vẫn xảy ra thường xuyên, bình quân mỗi đợt thanh, kiểm tra đều phát hiện 20-30% cơ sở vi phạm.

Riêng đối với ngành Y tế, trong năm 2018 đã tổ chức 293 đoàn thanh, kiểm tra tại 4.145 lượt cơ sở. Số lượt cơ sở vi phạm là 1.285 lượt, chiếm 31%; trong đó, 226 lượt cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt hơn 313 triệu đồng.

Người tiêu dùng cần nâng cao trách nhiệm trong việc lựa chọn, sử dụng cũng như giám sát việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm (ảnh: người dân mua thực phẩm tại Siêu thị Co.opmart Gia Nghĩa)

Theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Thanh Hương, hiện nay, số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhiều, nhưng chủ yếu nhỏ lẻ. Trong khi đó, kinh phí, phương tiện, nhân lực để phục vụ cho công tác bảo đảm VSATTP còn thiếu, nhất là ở tuyến cơ sở. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho công tác bảo đảm VSATTP nói chung và trong dịp tết nói riêng. Thực tế, việc bảo đảm VSATTP là một quá trình xuyên suốt từ khâu nuôi, trồng đến khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển và cung ứng đến người tiêu dùng... Bất kỳ một giai đoạn nào trong chuỗi sản xuất thực phẩm không bảo đảm VSATTP đều dẫn đến tình trạng thực phẩm không bảo đảm an toàn. Do đó, ngoài việc tham gia quản lý chất lượng VSATTP của các cơ quan chức năng thì các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải nâng cao ý thức, trách nhiệm, lương tâm trong việc tạo ra thực phẩm "sạch".

Đặc biệt, ý thức của người tiêu dùng đóng vai trò rất quan trọng. Mỗi người tiêu dùng cần nêu cao vai trò của mình trong việc chọn lựa, sử dụng thực phẩm và giám sát, phát giác các hành vi vi phạm VSATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, góp phần ngăn chặn tận gốc thực phẩm "bẩn", bảo vệ sức khỏe gia đình và cộng đồng.

Theo Đắk Nông Online