Tình hình công khai lịch tiếp công dân
Tiếp xúc cử tri Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, chúng ta sẽ tiếp tục làm mạnh và làm tốt hơn, hiệu quả hơn công tác phòng chống tham nhũng, “không bao giờ có việc chùng lại”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Ngày 24/11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội khóa XIV, TP Hà Nội tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Tây Hồ và Hoàn Kiếm, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV; thông báo nội dung trả lời của các cơ quan chức năng về những kiến nghị của cử tri tại cuộc tiếp xúc lần trước.
Tại các cuộc tiếp xúc, cử tri chúc mừng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước với số phiếu gần như tuyệt đối. Cho rằng đây là việc ý Đảng hợp lòng dân, là niềm vui của nhân dân cả nước, không riêng TP Hà Nội, cử tri đánh giá cao đóng góp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Với sự hội tụ của cả bản lĩnh và trí tuệ, đồng chí đã cùng Trung ương bàn, quyết định ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, quy định quan trọng; đã chỉ đạo quyết liệt công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng lãng phí, tiêu cực và mang lại kết quả chưa từng có, được nhân dân vô cùng phấn khởi. Cử tri tin tưởng đồng chí tiếp tục cống hiến nhiều hơn cho đất nước, hoàn thành tốt trọng trách mà Đảng, Quốc hội và nhân dân tin tưởng giao phó.
Cử tri đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ sáu vừa qua của Quốc hội, nhất là việc điều hành, các phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn có nhiều đổi mới, sáng tạo; tập trung bàn, quyết định, làm sáng tỏ hơn những vấn đề lớn mà cử tri quan tâm. Việc điều hành kỳ họp khoa học, dân chủ, thẳng thắn. Mối quan hệ giữa cử tri và các đại biểu Quốc hội ngày càng gắn bó; các vấn đề cử tri kiến nghị đều được chuyển tới Quốc hội. Các ý kiến của đại biểu Quốc hội tâm huyết và trách nhiệm. Qua mỗi kỳ họp, cử tri biết rõ hơn năng lực, trình độ của cán bộ lãnh đạo các bộ, ngành và các đại biểu Quốc hội. Cử tri đề nghị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ thêm những vấn đề Quốc hội bàn, như việc tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có những thuận lợi, khó khăn gì. Mong rằng sau kỳ họp, các đại biểu Quốc hội phấn đấu hoàn thành tốt trách nhiệm của mình.
Theo một số cử tri, vẫn có ý kiến của đại biểu Quốc hội chưa được nghiên cứu kỹ, nắm chưa chính xác vấn đề được nêu, dẫn đến có ý kiến phản ứng khác nhau, thậm chí dễ bị phần tử xấu lợi dụng, xuyên tạc. Việc lấy phiếu tín nhiệm có một số trường hợp chưa thật thuyết phục; cần đổi mới hơn nữa để chủ trương này bảo đảm thực chất và có ý nghĩa thật sự. Việc xử lý tài sản không rõ nguồn gốc chưa được làm rõ. Chúng ta đã có quy định về kê khai tài sản, mọi cán bộ, đảng viên đều có nghĩa vụ chấp hành, nếu không phải xử lý nghiêm minh. Tài sản không rõ nguồn gốc nhất thiết phải xung công quỹ, như thế mới ngăn chặn được tham nhũng. Cử tri lo ngại tình trạng "trên nóng dưới lạnh" vẫn còn, cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý, kiên quyết thay cán bộ yếu kém. Những sai phạm trong công tác cán bộ cần xem xét trách nhiệm của cơ quan tham mưu, xem xét toàn diện công tác cán bộ vì sao bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, thậm chí là có nhiều sai phạm nhưng không phát hiện, hoặc phát hiện mà không được làm rõ trong quá trình thực hiện các khâu của công tác này.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tình trạng dạy thêm, học thêm đã phản ánh nhiều, từ lâu, nhưng chưa được khắc phục. Ngành giáo dục cần xem lại quy định này, điều chỉnh cách tổ chức cho phù hợp; chú ý dành nhiều thời gian cho học sinh thực hành, chú trọng đào tạo nghề, dạy làm người cho học sinh. Cần đầu tư, có chính sách khuyến khích đối với người tài, nhất là tài năng trẻ. Không ít tài năng người Việt được thế giới đánh giá cao, nhưng chúng ta chưa ưu đãi, quan tâm đúng mức. Nên có chính sách và theo dõi chặt chẽ cơ chế đối với các thầy cô tình nguyện lên vùng cao dạy học, nên có chính sách tốt thay cho những lời tri ân.
Cử tri đề nghị Quốc hội cần quan tâm nhiều hơn nữa những vấn đề dân sinh, môi trường, dự báo phòng, chống thiên tai; phát huy hơn nữa vai trò của đại biểu Quốc hội nơi cư trú; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, kiểm tra, kiểm toán một số doanh nghiệp để kịp thời ngăn chặn vi phạm,... Một số công trình dự án xuống cấp nghiêm trọng, chậm tiến độ, hoặc để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng gây bức xúc, cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân liên quan…
Phát biểu ý kiến tại các cuộc tiếp xúc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cảm ơn cử tri đã quan tâm theo dõi sát chương trình, nội dung kỳ họp; có nhiều ý kiến ngắn gọn, sâu sắc, tâm huyết và trách nhiệm, sát với những vấn đề lớn mà Quốc hội thảo luận cũng như những vấn đề cụ thể trên địa bàn dân cư. Các đại biểu có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Quốc hội.
Đồng ý với đánh giá của cử tri, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV là một trong những kỳ họp có nhiều đổi mới thành công, dân chủ được phát huy cao độ, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp. Nhiều nội dung quan trọng, nhạy cảm được trao đổi thảo luận công khai, thẳng thắn, nhưng thống nhất cao do chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Trình độ, kinh nghiệm của đại biểu Quốc hội ngày càng được nâng cao. Chất vấn và trả lời chất vấn có nhiều đổi mới, hỏi nhanh, đáp gọn, bảo đảm đúng, trúng và giải quyết được vấn đề nêu ra. Kỳ họp thể hiện rõ không khí dân chủ, đúng định hướng, tiếp thu đầy đủ các ý kiến trí tuệ của cử tri và phát huy tốt vai trò của đại biểu Quốc hội. Các dự án luật; công tác nhân sự; việc tham gia CPTPP đều được Quốc hội thảo luận kỹ, thống nhất cao trước khi quyết định, thông qua. Dân chủ, đoàn kết, thống nhất, ý Đảng hợp lòng dân cùng với quyết tâm cao của Quốc hội, trách nhiệm của các thành viên Chính phủ là nhân tố làm nên thành công của kỳ họp lần này. Đây cũng là bài học chung của chúng ta. Làm gì cũng phải gắn với dân, vì dân, dân chủ, đoàn kết, thống nhất mới thành công.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Trao đổi thêm với cử tri về lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, hoặc phê chuẩn, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, đây là một kênh thăm dò tín nhiệm, để nhắc nhở, răn đe, cảnh tỉnh là chính, để thấy sai thì rút kinh nghiệm, sửa chữa, không phải để truy trách nhiệm, thay đổi cán bộ. Tuy nhiên, nếu tín nhiệm thấp dưới mức quy định thì phải tiến hành theo quy định. Cử tri cũng nên chia sẻ, có những ngành hoạt động trong các lĩnh vực rất khó khăn, phức tạp, hoặc liên quan trực tiếp, thường xuyên đến mọi người, mọi nhà, nên cần có cách nhìn bình tĩnh, khách quan, công bằng.
Về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng thời gian qua, chúng ta đã làm quyết liệt và đạt kết quả tốt. Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc; Đảng chỉ đạo quyết liệt; các cơ quan như kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tòa án, viện kiểm sát,….vào cuộc đồng bộ. Khâu nào yếu thì chấn chỉnh, mắt xích nào yếu thì thay ngay. Đồng chí nhấn mạnh: "Có bộ máy như thế, chỉ đạo như thế, lòng dân ủng hộ như thế, chúng ta sẽ tiếp tục làm mạnh và làm tốt hơn, hiệu quả hơn. Làm từng việc, từng bước, đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục; xét xử nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn, mở đường cho người vi phạm khắc phục. Không bao giờ có việc chùng lại; nếu ai nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm như nhiều lần tôi đã nói. Phải có phương pháp, cách làm hiệu quả và đúng pháp luật; có cơ chế ngăn ngừa, răn đe, cảnh tỉnh, để không xảy ra tham nhũng". Về việc xử lý tài sản không rõ nguồn gốc, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước còn nhiều ý kiến khác nhau và liên quan đến những luật khác; vừa làm vừa tiếp tục nghiên cứu bổ sung; rõ đến đâu làm đến đó cho chắc chắn.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đồng tình với ý kiến nhiều cử tri về phát huy vai trò của đại biểu Quốc hội ở khu dân cư nơi cư trú; tiếp xúc cử tri theo chuyên đề; quan tâm, đầu tư hơn nữa cho lực lượng làm công tác nghiên cứu khoa học; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về CPTPP. Công tác cán bộ cần được giám sát chặt chẽ; đẩy mạnh quán triệt, tổ chức thực hiện Quy định về trách nhiệm nêu gương. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu về mọi mặt; cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải tự giác nêu gương. Khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh"; ngăn chặn tham nhũng vặt, một hiện tượng như ngứa ghẻ, rất khó chịu, làm hư cán bộ, gây bức xúc trong nhân dân.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, khi có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống thì phải tăng cường giáo dục, uốn nắn, đến mức xử lý thì phải kỷ luật nghiêm minh. Chúng ta kiên quyết ngăn chặn tình trạng suy thoái, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; suy thoái về chính trị rất nguy hiểm. Đảng viên mà nói trái Cương lĩnh chính trị, nhận thức sai lệch về chủ nghĩa Mác- Lê-nin, nền tảng tư tưởng của Đảng ta thì phải xử lý nghiêm minh và thực tế đã có trường hợp bị khai trừ Đảng... Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị cử tri làm tốt công tác giám sát, nhất là đối với cán bộ có chức, có quyền trong việc thực hiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần tham gia xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Theo chinhphu.vn
Thông tin từ các Sở, Ban, ngành
- Sở Nội vụ
- Sở Ngoại vụ
- Sở Tài Chính
- Sở Y tế
- Sở Tư pháp
- Sở Công thương
- Sở Xây dựng
- Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Sở Giáo dục và Đào tạo
- Sở Tài nguyên & Môi trường
- Sở Giao thông Vận tải
- Sở Khoa học & Công nghệ
- Sở Thông tin & Truyền thông
- Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch
- Sở Lao động, Thương binh & Xã hội
- Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn
- Thanh tra tỉnh
- Ban dân tộc