Tình hình công khai lịch tiếp công dân

Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018
Ngày đăng 17/05/2018 | 14:48  | View count: 4436

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 19-2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.

Mục tiêu của Nghị quyết là tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh để năm 2018 tăng thêm từ 8-18 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới; trong đó cải thiện mạnh mẽ các chỉ số hiện đang bị xếp hạng thấp. Cụ thể, khởi sự kinh doanh tăng thêm ít nhất 40 bậc; giải quyết tranh chấp hợp đồng tăng thêm 10 bậc; giải quyết phá sản doanh nghiệp tăng thêm 10 bậc.

Hoàn thành việc bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh; kiến nghị bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư; giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành; chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm; xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan; giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 25 - 27% hiện nay xuống còn dưới 10%.

Đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Đến hết 2018, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3 và 4.

Xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19 trước 31/5

Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải trực tiếp chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thuộc thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả đạt được trong phạm vi ngành, địa phương.

Cụ thể, các bộ, ngành xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP, hoàn thành trước 31/5/2018, trong đó xác định cụ thể mục tiêu, các nhiệm vụ phải thực hiện, các văn bản pháp luật phải bổ sung, sửa đổi, thời hạn hoàn thành và đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm, cách thức giám sát, đánh giá.

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19-2018/NQ-CP, hoàn thành trước ngày 31/5/2018, trong đó tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện các chỉ số khởi sự kinh doanh, cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan, tiếp cận điện năng, đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, nộp thuế và bảo hiểm xã hội theo thông lệ quốc tế.

Ứng dụng CNTT trong cung cấp dịch vụ công; đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công (như thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội); nâng cao chất lượng hạ tầng du lịch, y tế, chăm sóc sức khỏe, an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường các khu, điểm du lịch.

Thực hiện các giải pháp thiết thực giảm chi phí logistics như: Giảm ách tắc ở các cảng biển, cảng hàng không. Chỉ đạo áp dụng giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, hiệu quả kinh doanh đối với các đơn vị quản lý cảng biển, qua đó giảm chi phí logistics cho các chủ hàng; phối hợp hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, giảm tối đa số lần thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, kể cả thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; thực hiện đánh giá tính sáng tạo và kết quả điều hành của các sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện theo chỉ số cạnh tranh cấp sở, cấp huyện; kết hợp thực hiện Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ với cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Thắt chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường liêm chính, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công vụ; chỉ đạo cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu các đơn vị trực thuộc thay đổi thái độ làm việc phục vụ lợi ích của người dân và doanh nghiệp; kịp thời phát hiện và thay thế cán bộ, công chức chần chừ trong công cải cách thủ tục hành chính, tháo bỏ rào cản, tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, hoặc có hành vi lạm dụng thẩm quyền, vị trí việc làm để tư lợi riêng.

Tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công trực tuyến; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước; triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp... và chia sẻ cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ quản lý nhà nước; thực hiện thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, thuê ngoài đối với các dịch vụ liên quan đến thanh toán, chi trả; đào tạo nhân lực công nghệ thông tin.

Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đồng bộ, tránh chồng chéo, gây ảnh hưởng tới hoạt động doanh nghiệp, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh tra doanh nghiệp; đảm bảo quyền bình đẳng của doanh nghiệp trước pháp luật.

Một mặt hàng xuất, nhập khẩu chỉ do một bộ, cơ quan quản lý

Về rà soát, cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh, đối với các bộ đã rà soát, có quyết định bãi bỏ các điều kiện đầu tư, kinh doanh cụ thể, thì hoàn thành việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan, trình Chính phủ ban hành trong quý III/2018. Đối với các bộ chưa rà soát, chưa có kết quả rà soát, thì phải hoàn thành rà soát, xây dựng kế hoạch cắt giảm, bổ sung, sửa đổi các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trước tháng 6/2018 và hoàn thành soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh, trong đó bãi bỏ các điều kiện đầu tư, kinh doanh không còn cần thiết, trình Chính phủ trong quý III/2018.

Về cải cách các quy định về kiểm tra chuyên ngành, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) tập hợp, cung cấp danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành của các bộ quản lý chuyên ngành, trên cơ sở đó kiến nghị danh mục các mặt hàng kiểm tra chuyên ngành cần cắt giảm.

Các bộ, ngành cắt giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành trong từng lĩnh vực ngay trong năm 2018. Danh mục hàng hóa cắt giảm phải kèm theo mã HS tương ứng quy định tại Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ Tài chính và phải được quy định tại một quyết định cụ thể.

Trước ngày 31/10/2018, hoàn thành việc rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan nhằm: Thay đổi chức năng, thẩm quyền của các bộ theo hướng đối với một mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu chỉ do một bộ, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý; đổi mới phương thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm gắn liền áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân và không áp dụng hình thức kiểm tra đối với từng lô hàng, trừ kiểm dịch.

Tạo môi trường cạnh tranh, minh bạch khuyến khích phát triển thị trường các dịch vụ thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận; xóa bỏ độc quyền của một số tổ chức được các bộ quản lý chuyên ngành chỉ định như hiện nay.

Kiến nghị giảm tối thiểu 50% phí công bố thông tin doanh nghiệp

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan: Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan liên quan cải thiện thứ hạng chỉ số Khởi sự kinh doanh theo đúng mục tiêu đã định; tăng xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh thêm ít nhất 40 bậc trên bảng xếp hạng; kết hợp công bố thông tin doanh nghiệp cùng thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp; hoàn thành trước tháng 6/2018; kiến nghị giảm tối thiểu 50% phí công bố thông tin doanh nghiệp.

Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện chỉ số Nộp thuế theo mục tiêu đề ra tại các Nghị quyết số 19; phấn đấu giảm thời gian nộp thuế (không bao gồm thời gian nộp bảo hiểm xã hội) xuống còn 119 giờ. Công khai cơ sở dữ liệu về hoàn thuế, bảo đảm kiểm tra 100% hồ sơ hoàn thuế thuộc diện phải kiểm tra và phấn đấu đến năm 2020 bảo đảm 100% hồ sơ khiếu nại của người nộp thuế được giải quyết đúng thời gian quy định của pháp luật. Công khai, minh bạch các quy định của Luật Quản lý thuế, các quy trình thanh tra, giải quyết khiếu nại và hoàn thuế giá trị gia tăng.

Bên cạnh đó, giải quyết căn bản các vướng mắc về xác định, tham vấn xác định trị giá tính thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với Hiệp định xác định trị giá tính thuế hải quan; giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp về thời gian làm việc của Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh theo hướng đơn vị này phải bố trí nhân lực để làm thủ tục hải quan 24/7 cho hàng hóa xuất nhập khẩu vận chuyển theo đường chuyển phát nhanh; giải quyết vướng mắc về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, trong đó có vấn đề miễn thuế đối với phế liệu, phế phẩm và nguyên liệu, vật tư dư thừa đã nhập khẩu để gia công theo quy định tại khoản 4 Điều 10 Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016.

Kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử

Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử để phù hợp với môi trường kinh tế số và xây dựng Chính phủ điện tử. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện trục tích hợp dữ liệu quốc gia để thực hiện liên thông dữ liệu giữa các bộ, ngành phục vụ cho công tác quản lý và thực hiện giao dịch điện tử.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với thẻ viễn thông, thẻ game của các công ty viễn thông; tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động cung ứng các trò chơi điện tử trực tuyến nhằm ngăn chặn các hình thức cờ bạc trá hình, bất hợp pháp.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương nghiên cứu, phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái; định vị điểm đến nghỉ dưỡng biển có sức hấp dẫn cao. Mở rộng phát triển các sản phẩm du lịch mới, có tiềm năng như du lịch công vụ, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe; du lịch golf; du lịch vui chơi giải trí, công viên chuyên đề, tham dự sự kiện, trình diễn nghệ thuật. Đồng thời, cần tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch; phát triển hạ tầng du lịch, cơ sở lưu trú có chất lượng cao và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ nghiên cứu, đề xuất cải thiện quy định về thị thực. Cụ thể, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách thị thực hiện hành, bao gồm việc miễn thị thực, cấp thị thực du lịch, cấp thị thực điện tử như: Mở rộng diện miễn visa du lịch, cấp visa qua mạng, đơn giản hóa thủ tục xin và duyệt cấp visa tại cửa khẩu.Nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định hiện hành theo hướng: Tăng số ngày miễn visa từ 15 ngày lên 30 ngày cho công dân 12 nước đã được miễn visa phù hợp với độ dài các tour xuyên Việt và số ngày nghỉ phép của du khách; bổ sung thêm một số nước vào diện miễn visa du lịch...

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương theo dõi, giám sát đảm bảo thực thi đầy đủ, nhất quán việc cắt giảm các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Tiếp tục rà soát, kiến nghị bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh; đổi mới và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện giải pháp cần thiết giảm thời gian Đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản xuống còn 20 ngày; bãi bỏ hồ sơ không cần thiết, đơn giản hóa nội dung hồ sơ, đơn giản hóa thủ tục, thực hiện kết nối điện tử liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng với các thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai.

Kết nối cơ sở dữ liệu về khám bệnh, chữa bệnh

Bộ Y tế chỉ đạo cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Hội đồng Giám định y khoa kết nối cơ sở dữ liệu về khám bệnh, chữa bệnh; dữ liệu về cấp hồ sơ, giấy tờ làm căn cứ thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội với Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam để thực hiện giao dịch điện tử phục vụ quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; giải quyết, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội.

Bộ Xây dựng tiếp tục đẩy mạnh cải cách quy trình, thủ tục hành chính về cấp phép xây dựng; ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện trực tuyến các thủ tục cấp phép xây dựng để giảm chi phí, nhất là chi phí không chính thức.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp cải thiện và minh bạch hóa thông tin tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế được bình đẳng và thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng theo cơ chế thị trường.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhằm đảm bảo hiệu quả thực thi chính sách và khuyến khích doanh nghiệp phát triển.

Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện chính sách nâng cao chất lượng của các cơ sở giáo dục đào tạo; xây dựng cơ chế và thúc đẩy hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục.

Văn phòng Chính phủ triển khai thực hiện và tổ chức kiểm tra, giám sát việc cải cách thủ tục hành chính, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Theo dõi, đôn đốc, tham mưu việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 ở các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, phân loại và phối hợp giải quyết phản ánh, kiến nghị, phản biện chính sách của doanh nghiệp và người dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta liên tục được cải thiện. Năm 2017, nhìn chung, các bộ, ngành và địa phương đã tích cực và quyết liệt hơn trong thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và đã đạt được những kết quả tích cực; năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế); môi trường kinh doanh tăng 14 bậc (từ vị trí 82 lên vị trí 68/190 nền kinh tế); đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127 nền kinh tế. Đó là những thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đã đạt được cho đến nay.

Theo chinhphu.vn