BẢN CAM KẾT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ ĐẦU TƯ

Ưu tiên chống dịch nCoV, chủ động giữ nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội
Ngày đăng 06/02/2020 | 09:16  | View count: 3341

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Chính phủ xác định, việc chống dịch nCoV là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay, song chúng ta tuyệt đối không được lơ là việc thực hiện các nhiệm vụ đề ra; phải chủ động để giữ được nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội…

Chiều 5/2, buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1 diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP), Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết: Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1, Chính phủ dành nhiều thời gian thảo luận về phòng chống dịch nCoV; công tác triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) khác trong thời gian tới, kể cả đánh giá tác động của dịch nCoV gây ra đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam;…

Trước hết, về công tác phòng chống dịch nCoV, các thành viên Chính phủ đánh giá các bộ, ngành, địa phương trong thời gian ngắn đã chủ động, tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn dịch nCoV. Đây là lần đầu tiên chưa có trong tiền lệ đối với việc công bố dịch ở Việt Nam. Nhiều biện pháp chúng ta đang áp dụng hiện nay mạnh hơn dịch SARS năm 2003, thậm chí cao hơn so với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị. 

"Tinh thần là chúng ta chấp nhận thiệt thòi một phần lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng và cuộc sống bình yên của nhân dân", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi họp báo.
Ảnh: TH

Bộ trưởng nêu rõ: Có thể nói, chúng ta đã thực hiện quyết liệt và tốt công tác phòng chống dịch bệnh, các giải pháp là chủ động, toàn diện, mạnh mẽ. Các giải pháp của Việt Nam được WHO, UNICEF đánh giá cao, nhờ đó hạn chế tối đa việc lây lan dịch trong bối cảnh nước ta có đường biên giới dài, giao thương lớn với Trung Quốc. 

Tuy nhiên, diễn biến dịch nCoV đến thời điểm này là rất phức tạp, được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến khó lường, ảnh hưởng lớn đời sống của Nhân dân, cũng như tác động mạnh đến mọi mặt KT-XH như tăng trưởng kinh tế, đầu tư, thương mại và du lịch… 

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Về nhiệm vụ thời gian tới, Chính phủ xác định, việc chống dịch nCoV là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương không được chủ quan; cũng không được hoang mang, dao động... Quyết tâm không để dịch bệnh lây lan, phải coi việc phòng, chống dịch như "chống giặc". Song, chúng ta tuyệt đối không được lơ là việc thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra; phải chủ động để giữ được nhịp độ phát triển. Đồng thời, sau khi kiểm soát, dập dịch thành công phải tập trung để khôi phục sản xuất, bảo đảm cung cầu, giá cả hàng hóa, đời sống nhân dân và thực hiện linh hoạt các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Đề cập đến kịch bản phát triển KT-XH mới trong bối cảnh dịch nCoV diễn ra, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương thông tin: Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ hôm nay, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã chuẩn bị và phối hợp với các bộ, ngành tổng hợp thông tin, số liệu để xây dựng báo cáo đánh giá tác động của dịch cúm viêm đường hô hấp cấp tới tăng trưởng kinh tế.

Trên cơ sở dữ liệu của tháng 1 để có những tính toán dự kiến mức độ tác động của dịch đối với tăng trưởng kinh tế. Theo số liệu tổng hợp được, tính toán của Bộ KH&ĐT cho thấy mức độ ảnh hưởng là rất nghiêm trọng. Nếu dịch được kiểm soát trong quý I thì mức độ tăng trưởng cả năm chỉ còn 6,27%. Nếu dịch kéo dài và chúng ta kiểm soát trong quý II, nguy cơ chúng ta bị giảm tăng trưởng chỉ còn 6,09%. 

"Tất nhiên đây chỉ là con số chúng tôi ước tính, dự báo, còn thực tế tuỳ thuộc vào dịch được kiểm soát ở thời điểm nào cũng như những chính sách, tác động, sự điều hành của Chính phủ đối với nền kinh tế. Đây cũng là phương án để theo dõi", Thứ trưởng nói.

Bộ KH&ĐT kiến nghị trước mắt cần tập trung ưu tiên phòng chống dịch. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, sẽ khắc phục thiệt hại và có giải pháp phục hồi tăng trưởng kinh tế. Ông Phương cho biết Bộ KH&ĐT cũng tính đến xây dựng gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, gói hỗ trợ sẽ phụ thuộc vào nguồn lực và hỗ trợ đối tượng nào.

"Chúng ta sẽ xem xét một số đối tượng chịu thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Gói hỗ trợ nếu có sẽ tính đến đối tượng nào, bao nhiêu, phương thức nào", ông Phương nói.

Thứ trưởng Phương cho hay, có thể thúc đẩy tăng trưởng bằng tăng tiến độ giải ngân đầu tư công trong năm nay.

Trả lời câu hỏi về tháo gỡ khó khăn cho hàng nông sản, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đã phối hợp với Bộ Công Thương bàn giải pháp để tháo gỡ. Đến trưa nay đã thông quan hàng hoá, tuân thủ đúng quy định cách ly 14 ngày đối với các lái xe sang Trung Quốc và chở hàng vào Việt Nam.

Về giải pháp, trước mắt là không chuyển hàng lên biên giới mà tập trung tiêu thụ nội địa, tăng chế biến và tạm trữ kho lạnh.../.

Theo dangcongsan.vn