BẢN CAM KẾT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ ĐẦU TƯ

Tăng cường tiếp và đối thoại với dân để cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác
Ngày đăng 04/12/2019 | 14:32  | View count: 77253

Sáng 4/12, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm các đại biểu: Bùi Thanh Sơn, Võ Đình Tín, Ka H'Hoa đã tiếp xúc với cử tri xã Đức Xuyên (Krông Nô) nhằm thông báo kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV và lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri trên địa bàn.

 

Đại biểu Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao đề nghị, hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông phải tiếp tục phối hợp giải quyết tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Krông Nô. 

Tại buổi tiếp xúc, cử tri đã phản ánh nhiều vấn đề bất cập ở địa phương và đề nghị các ĐBQH tăng cường giám sát việc giải quyết. Cử tri Nguyễn Khang ở thôn Xuyên Hải cho rằng, quốc lộ 28 đi ngang qua địa phận xã, năm 2011 đã giải tỏa hành lang đền bù, hỗ trợ cây trồng, vật kiến trúc từ tim đường vào 15m; đến năm 2015, có chủ trương quy hoạch hành lang 22,5m nhưng đến nay chưa hỗ trợ, đền bù cây trồng, vật kiến trúc cho người dân. Hiện nay, người dân có nhà ở nằm trong hành lang từ 15m đến 22,5m đã xuống cấp, thậm chí sụp đổ nhưng không được xây dựng. Hiện tại các thửa đất nằm dọc tuyến quốc lộ 28 chưa triển khai cấp đổi cho người dân vì chưa thống nhất lộ giới trên bản đồ cũ và bản đồ đo chỉnh lý.

Đoàn ĐBQH tỉnh lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cử tri xã Đức Xuyên.

Cử tri Bùi Văn Trường ở thôn Xuyên An phản ánh, việc thu phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất phá rừng theo Kế hoạch 437 của UBND tỉnh gây khó khăn cho người dân. Việc cấp đất tái canh sau khi thu hồi để xây dựng thao trường Đức Xuyên trên địa bàn còn nhiều bất cập, gây nhiều bức xúc trong những hộ bị thu hồi. Khi thu hồi đất sản xuất của người dân để xây dựng thao trường Đức Xuyên, tỉnh có hứa sẽ xây dựng đường tránh, đập thủy lợi nhưng đến nay không thực hiện gây khó khăn trong sản xuất cho người dân.

ĐBQH tỉnh thông báo kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. 

Đặc biệt, cử tri Đức Xuyên bày tỏ lo lắng, bức xúc trước tình trạng xả nước của thủy điện Buôn Tua Sah; tình trạng khai thác cát gây sạt lở bờ sông Krông Nô gây thiệt hại cho người dân. Việc kiểm kê, xác minh đền bù thiệt hại do sạt lở bờ sông Krông Nô chậm, gây nhiều khó khăn cho người dân. Nguyên nhân tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô, ngoài việc xả nước của thủy điện Buôn Tua Sah, việc hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk còn cấp phép cho các đơn vị khai thác cát làm cho mức độ sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn, với mức độ phải tính bằng giờ. Do đó, Đoàn ĐBQH tỉnh cần có ý kiến với lãnh đạo hai tỉnh rút toàn bộ giấy phép khai thát cát trên toàn tuyến sông Krông nô. Chính quyền địa phương sớm vào cuộc kiểm tra, xác minh để giải quyết thiệt hại cho người dân có diện đất đã bị sạt lở trong thời gian vừa qua. Về lâu dài, Chính phủ, tỉnh phải có giải pháp chống sạt lở, giúp người dân yên tâm sản xuất, sinh sống, không thể để kéo dài tình trạng sạt lở đến đâu thì đền bù đến đó.

Cử tri phản ánh việc quy hoạch, chậm thực hiện xây dựng hành lang quốc lộ 28 gây nhiều khó khăn cho người dân. 

Các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được lãnh đạo tỉnh, huyện, xã trả lời trực tiếp tại buổi tiếp xúc. Riêng về tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô, cùng với giải thích nguyên nhân, theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, trên cơ sở khảo sát thực địa và tham vấn các ý kiến các nhà khoa học, ngành đã tham mưu tỉnh 7 giải pháp gồm: kè rọ đá (kè cứng); kè sinh thái 3 lớp (kè mềm); phi công trình; quản lý tổng hợp; quản lý các doanh nghiệp hoạt động khai thác cát; tăng cường đội ngũ giám sát, thống nhất quản lý giữa hai tỉnh và các giải pháp khác. Về phía người dân, cần phát huy vai trò giám sát để cùng chính quyền quản lý, phát hiện, xử lý các hành vi khai thác cát trái phép dọc tuyến sông Krông Nô.

Cử tri bày tỏ lo lắng, bức xúc trước tình trạng xả nước của thủy điện Buôn Tua Sah, khai thác cát gây sạt lở bờ sông Krông Nô.

Theo Chủ tịch UBND huyện Krông Nô Ngô Xuân Đông, về đền bù chậm là do cơ sở pháp lý hiện nay vẫn chưa xác định được mốc các điểm có nguy cơ sạt lở hay ngập lụt mà phải căn cứ sạt lở đến đâu thì thống kê, đền bù đến đó; không biết trước như thế nào để đền bù cho người dân. Do đó, xã phải chủ động thường xuyên khảo sát nắm tình hình hiện trạng đất của bà con để khi bị sạt lở sẽ có cơ sở đền bù thiệt hại sớm cho người dân.

Chủ tịch UBND huyện Krông Nô Ngô Xuân Đông trả lời ý kiến của cử tri. 

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, đại biểu Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao thông tin với cử tri về tình hình đất nước và cho rằng sự phát triển của đất nước thời gian qua có sự đóng góp quan trọng, to lớn của toàn thể Nhân dân. Những ý kiến, kiến nghị của cử tri là nền tảng, cơ sở thực tế của cuộc sống để Quốc hội tổng hợp, nghiên cứu, đưa vào các dự án luật liên quan. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ thường xuyên theo dõi, giám sát quá trình giải quyết của địa phương. Các ngành, chính quyền các cấp, tùy thuộc vào thẩm quyền của mình phải giải quyết thấu đáo, có lý có tình, kịp thời các khó khăn vướng mắc của người dân, không để kéo dài gây bức xúc, đơn thư khiếu nại tố cáo vượt cấp.

Trong đó, các cấp chính quyền phải tăng cường tiếp dân, tổ chức đối thoại với người dân để cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác mọi vấn đề, giải tỏa khúc mắc ngay từ đầu, tránh những thông tin không đúng, suy diễn, hiệu sai vấn đề. Riêng Ủy Ban Thường vụ Quốc hội đã có giám sát về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trên toàn quốc. Trên cơ sở đó, trong thời gian tới, Quốc hội sẽ nghiên cứu để chỉnh sửa các luật, bảo đảm phù hợp với thực tiễn. Về vấn đề khai thác cát trên sông Krông Nô, chính quyền địa phương, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát cũng như công bố rõ về vùng quy hoạch khai thác cát để người dân biết và  giám sát. Hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông phải tiếp tục phối hợp giải quyết tình trạng khai thác cát trái phép.

Theo Báo Đắk Nông điện tử