BẢN CAM KẾT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ ĐẦU TƯ

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Thông cáo báo chí số 05
Ngày đăng 28/10/2019 | 08:55  | View count: 5358

Ngày 25/10/2019, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ năm tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật. 

Trong quá trình thảo luận đã có 26 đại biểu phát biểu và 1 đại biểu tranh luận. Đa số đại biểu nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thống nhất phạm vi sửa đổi, bổ sung tập trung vào vấn đề tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa trung ương và địa phương và rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan hành chính nhà nước. 

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về các nội dung sau:

Đối với Luật Tổ chức Chính phủ: Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong việc quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tiêu chí thành lập các tổ chức tại các đơn vị hành chính như dự thảo Luật nhằm bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành thông suốt của trung ương, vừa tạo sự chủ động, sáng tạo cho địa phương trong việc bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy. Đây là cơ sở pháp lý để các địa phương căn cứ vào đặc điểm, tình hình cụ thể và yêu cầu quản lý, phát triển kinh tế- xã hội đặc thù của địa phương, chủ động quyết định thành lập tổ chức trên nguyên tắc tinh giản bộ máy, biên chế và giảm chi tiêu thường xuyên, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành.

Đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương: Tại phiên thảo luận, đa số đại biểu tán thành với mô hình tổ chức chính quyền địa phương như quy định tại dự thảo Luật nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ của Nghị quyết số 18-NQ/TW, tạo cơ sở pháp lý để Quốc hội tiến hành thí điểm mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp ở những nơi có đủ điều kiện. Thảo luận về số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, đa số các ý kiến đại biểu nhất trí với phương án 1 (giữ nguyên quy định HĐND cấp tỉnh có 2 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách như Điều 18 và Điều 39 của Luật hiện hành). 

Về số lượng Phó Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh, nhiều ý kiến lựa chọn phương án 1 (Ban của HĐND cấp tỉnh có 2 đại biểu hoạt động chuyên trách, nếu Trưởng ban là đại biểu hoạt động chuyên trách thì bố trí 01 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách; nếu Trưởng ban là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 2 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách). 

Cho ý kiến về số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại II, đa số ý kiến đại biểu tán thành việc tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại II lên không quá 2 Phó Chủ tịch. Một số ý kiến đề nghị quy định này nên áp dụng đối với cả cấp xã loại III để đáp ứng nhu cầu công việc ở cấp xã hiện nay. 

Về bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương, nhiều ý kiến đề nghị chỉ nên hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội với Văn phòng HĐND; giữ nguyên Văn phòng UBND như hiện nay. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị việc sáp nhập 3 văn phòng cần có đánh giá, tổng kết; việc thành lập các Ban của HĐND cần quy định cụ thể để thống nhất thực hiện trong cả nước; đề xuất tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; quy định rõ lý do xin thôi làm đại biểu HĐND đối với trường hợp bị kỷ luật… 

Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thay mặt cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. 

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, trong quá trình thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật và nhiều nội dung của dự thảo luật do Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình. Bên cạnh đó, các vị đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu để chỉnh lý một số nội dung trong dự án luật này cho hợp lý hơn. 

Về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ, đa số ý kiến tán thành với việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong việc quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và tiêu chí thành lập các tổ chức tại các đơn vị hành chính cũng như số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa trong dự thảo luật. 

Về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đa số đại biểu Quốc hội tán thành với quy định về mô hình chính quyền địa phương ở quận, phường; có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu kỹ vấn đề này để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013. 

Về số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh và Phó trưởng Ban của HĐND cấp tỉnh, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với phương án 1, có một số ý kiến tán thành phương án 2. Vấn đề này sẽ xin ý kiến của đại biểu Quốc hội bằng phiếu, sau đó Đảng đoàn Quốc hội sẽ báo cáo với cơ quan có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua. Riêng về vấn đề quyền giải trình của Ban thuộc HĐND cấp tỉnh, đây là vấn đề mới và cũng xuất phát từ thực tế, vì vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục nghiên cứu và báo cáo Quốc hội.

Về thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật, qua thảo luận đang có 3 loại ý kiến khác nhau, do đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cân nhắc và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định để phù hợp với tiến trình Đại hội Đảng các cấp và chuẩn bị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân khóa mới.

Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật. 

Trong quá trình thảo luận đã có 11 đại biểu phát biểu. Đa số ý kiến phát biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến phát biểu liên quan đến quy định bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ sở dữ liệu quốc gia, cho rằng bổ sung quyền truy cập cho Kiểm toán Nhà nước là cần thiết để phục vụ hoạt động kiểm toán, phù hợp với thời đại công nghệ thông tin và xu thế của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tuy nhiên, có ý kiến đại biểu cho rằng, cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán và của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán chứa đựng nhiều loại thông tin khác nhau (như thông tin mật, tối mật, tuyệt mật, bí mật riêng tư, bí mật nhà nước…) nên cần phân cấp quyền truy cập phù hợp và phải quản lý, giám sát chặt chẽ. 

Ngoài ra, tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về một số nội dung sau: Phạm vi cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; mối quan hệ giữa Kiểm toán Nhà nước với Chính quyền địa phương; kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước; bổ sung  một số nhiệm vụ, thẩm quyền cho Kiểm toán Nhà nước (như nhiệm vụ giám định tư pháp, quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật và xử lý vi phạm hành chính); bổ sung quy định để thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; về quyền khiếu nại, khởi kiện trong hoạt động kiểm toán; sự phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với các cơ quan thanh tra và kiểm tra.

Sau thảo luận, Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. 

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp các cơ quan chức năng chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội thông qua.

Thứ Hai, ngày 28/10/2019, buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Dân quân tự vệ; Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này. Sau đó, Quốc hội họp riêng nghe Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo về công tác đối ngoại của Nhà nước năm 2019. 


Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này./. 

Theo dangcongsan.vn