BẢN CAM KẾT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ ĐẦU TƯ

Phó Thủ tướng: Ưu tiên dùng hàng Việt để thúc đẩy sản xuất
Ngày đăng 02/08/2019 | 14:45  | View count: 7832

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, người Việt ưu tiên dùng hàng Việt chính là giải pháp tốt nhất để thúc đẩy sản xuất, phát triển thị trường, qua đó bảo vệ chính các quyền của người tiêu dùng.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị sáng 2/8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, việc tổng kết, nhìn lại kết quả 10 năm qua trong thực hiện cuộc vận động là hết sức cần thiết, từ đó rút ra những kinh nghiệm, bài học, xác định chính xác về mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn tới để cuộc vận động ngày càng được triển khai rộng rãi, thiết thực, hiệu quả. Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết, quyết định và các văn bản chỉ đạo điều hành để tổ chức thực hiện có hiệu quả cuộc vận động.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: "Cuộc vận động là động lực, yêu cầu khách quan để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nỗ lực hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích mọi loại hình doanh nghiệp; mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm Việt".

Hàng Việt chinh phục người tiêu dùng trong nước và quốc tế

Đánh giá về những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cho rằng, cuộc vận động đã tạo được niềm tin, thu hút sự quan tâm mua sắm, tiêu dùng hàng hoá Việt Nam của người Việt (ở trong nước và cả ở nước ngoài), người nước ngoài; đồng thời đề cao quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng trong giám sát, chống hàng giả hàng nhái, giúp cơ quan chức năng xử lý. Bên cạnh đó giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng sống còn về nâng cao chất lượng, cải tiến công nghệ và dây chuyền sản xuất, kinh doanh, bảo vệ thương hiệu và cách tiếp cận thị trường bài bản hơn.

Đồng thời, qua cuộc vận động khơi dậy được tiềm năng lớn về nguồn lực và năng lực kinh doanh, phân phối của mọi thành phần kinh tế.

"Nhiều hàng Việt Nam đã cạnh tranh được với khu vực, thế giới, chinh phục được người tiêu dùng trong nước, chứ không chỉ dựa vào vận động, thuyết phục. Qua đó còn thấy được sự trưởng thành của doanh nghiệp Việt Nam, sự trưởng thành trong quy trình phân phối sản phẩm" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhiệm vụ trước mắt, lâu dài

Theo Phó Thủ tướng, xuất khẩu, tiêu dùng trong nước, đầu tư là 3 nhân tố chính để tạo ra tăng trưởng. Trong đó tiêu dùng trong nước là nhân tố đặc biệt quan trọng để thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm, phục vụ trực tiếp cho cuộc sống người dân. Đây cũng là nhân tố quyết định cho phát triển bền vững của đất nước. Do đó, cuộc vận động không chỉ thúc đẩy sản xuất mà điều quan trọng là phải bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.

"Trước hết là người tiêu dùng có sản phẩm chất lượng, được tiếp cận sản phẩm với giá cả cạnh tranh, phù hợp với khả năng chi trả. Và điều quan trọng hơn người tiêu dùng phải có tiền, do đó phải có việc làm, phải có sản xuất. Vì vậy, đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng trong nước cũng là để nâng cao thu nhập của người dân. Do đó, cuộc vận động không chỉ là nhiệm vụ trước mắt mà là nhiệm vụ lâu dài, cần phải thực hiện quyết liệt hơn", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Thủ tướng, điều quyết định thành công của cuộc vận động đòi hỏi trách nhiệm từ cả 3 phía. Nhà nước tạo môi trường pháp lý, hạ tầng, nhân lực để đảm bảo doanh nghiệp, người dân có nhiều điều kiện thuận lợi. Trách nhiệm của doanh nghiệp là phải tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá cả hợp lý, có hệ thống phân phối phù hợp với nền kinh tế, thuận lợi cho người tiêu dùng. Thứ ba, trách nhiệm của người tiêu dùng là tham gia sản xuất, đồng thời cũng như tiêu dùng chính những sản phẩm trong nước sản xuất.

 


Hoàn thiện thể chế, khuyến khích sản xuất và tiêu dùng

Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trước hết phải hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân phát huy được tiềm lực, nội lực. Cùng với đó là tập trung tái cấu trúc nền kinh tế, các ngành; tái cấu trúc doanh nghiệp không chỉ Nhà nước mà của các thành phần kinh tế; tái cấu trúc sản phẩm để tạo ra sản phẩm có chất lượng, năng suất, giá cả, chi phí giảm, đồng thời phù hợp với thị trường, phải lấy thị trường thế giới và khu vực là mục tiêu sản xuất. Vì trong bối cảnh phải hội nhập sâu rộng với thế giới, hàng hóa của chúng ta ngay trong nước cũng phải cạnh tranh với hàng nước ngoài.

Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu tiên cho quỹ hỗ trợ người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; xây dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu sản phẩm Việt Nam.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cuộc vận động, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, người tiêu dùng ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam trong giai đoạn mới; rà soát, bổ sung chương trình hành động tổ chức thực hiện cuộc vận động, phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng trong việc hưởng ứng thực hiện cuộc vận động, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên trong chương trình công tác.

"Các nội dung cuộc vận động cần được biến thành các điều kiện của chi tiêu công, các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ, Đảng viên", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu sớm hoàn thiện và tổ chức thực hiện hiệu quả "Chiến lược phát triển thị trường trong nước" gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", trong đó tập trung vào các giải pháp: Xúc tiến thương mại trong nước, lành mạnh hóa mạng lưới phân phối, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn hàng hóa phù hợp với cam kết quốc tế nhằm từng bước kiểm soát nhập khẩu và trật tự thị trường.

Các bộ, ngành cũng cần sớm nghiên cứu để hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến quản lý nguồn gốc, chất lượng, xuất xứ hàng hoá; đồng thời tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi mua bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng nhập khẩu trái phép, gian lận về xuất xứ hàng hóa...

"Tinh thần là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, đồng thời quản lý chặt, xử lý nghiêm vi phạm nếu có. Chống gian lận thương mại, nhưng không được ảnh hưởng đến đầu tư kinh doanh, quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, có vướng mắc phải sớm kết luận đúng sai", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nội địa hóa có nhất thiết phải 100%?

Theo Phó Thủ tướng, trong quá trình hội nhập và phát triển, mục tiêu của chúng ta là ngày càng tăng cường tỷ lệ nội địa hóa, tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nêu vấn đề: Có nhất thiết phải nội địa hóa 100% bằng mọi giá?

Lấy ví dụ về những kết quả tích cực trong ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp hỗ trợ, Phó Thủ tướng cho rằng quan điểm phát triển sản xuất trong nước là không nhất thiết phải nội địa hóa ngay 100%, mà chúng ta sẽ phát triển từng bước, ngày càng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

"Một chiếc ô tô có giá trị bằng một ngôi nhà của người dân, là tài sản rất lớn. Trong khi ngôi nhà cơ bản được sản xuất trong nước, với các nguyên vật liệu nội địa, thì không thể không phát triển sản xuất trong nước. Tuy nhiên, cũng không thể duy ý chí phải nội địa hóa 70-80% chiếc ô tô được", Phó Thủ tướng nói.

Theo đó, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, Việt Nam phải tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, và chỉ nên nỗ lực làm thật tốt những công đoạn mà mình có đủ năng lực, có lợi thế. "Việc nội địa hóa ô tô, do đó phải thực hiện từng bước một, tăng dần", Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng khoa học-công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng được thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. 

Trước đó, tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận, đưa ra các đề xuất, giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động; tận dụng thời cơ, phát huy thế mạnh, đối phó với thách thức, khó khăn khi Việt Nam đã chính thức tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới; phương thức triển khai hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, tìm kiếm mở rộng thị trường, liên kết, hợp tác đầu tư; giải pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện các quy định về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, xử lý kịp thời các vi phạm; bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Nhân dịp này, 82 tập thể, 147 cá nhân đã được nhận khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc thực hiện cuộc vận động trong những năm qua.

Theo chinhphu.vn