BẢN CAM KẾT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ ĐẦU TƯ
Mục đích mà tái cơ cấu ngành Nông nghiệp hướng tới là phát triển an toàn, nâng cao giá trị theo chuỗi, tăng thu nhập cho nông dân. Thế nhưng với thực trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật như hiện nay thì nông sản Việt Nam sẽ khó vươn rộng ra thị trường quốc tế.
Nông sản chủ lực "mất điểm"
Nông nghiệp Việt Nam tự hào là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu về hồ tiêu, nhân điều và gạo trên thế giới... Nhưng đáng buồn là giá bán các nông sản chủ lực này lại luôn thấp hơn các nước trong khu vực và thế giới. Người nông dân sống bằng trồng trọt đa phần còn nghèo. Riêng về cây hồ tiêu, dù đã có lúc đạt giá cao, nhưng người phá sản, nợ nần vì cây tiêu lại cao gấp nhiều lần so với số người trở thành tỷ phú.
Điển hình như vụ thu hoạch hồ tiêu năm 2016- 2017, nông dân trồng hồ tiêu phải gánh chịu cảnh được mùa mất giá cùng với tình trạng dịch bệnh hoành hành. Thách thức lớn nhất của nông sản Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế vẫn là rào cản an toàn vệ sinh thực phẩm với tất cả nông sản. Đơn cử, với mặt hàng xuất khẩu hồ tiêu.
Kết quả tổng hợp cảnh báo EU của Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam), Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ NN & PTNT cho thấy: Từ tháng 1/2015 - 6/2016 có 17 trường hợp hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu sang các nước EU phát hiện dư lượng của 9 loại hóa chất bảo vệ thực vật vượt mức quy định như Carbendazim, Hexaconazole, Diafenthiuron... Kết quả thanh, kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông trong 6 tháng đầu năm 2017 cũng có 2/5 mẫu hạt tiêu nhiễm chất Carbendazim thuộc nhóm Carbamat.
Tương tự, đối với gạo, mới đây, đại diện Cục Chế biến Thương mại Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) đã cảnh báo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần kiểm tra chất lượng kỹ trước khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ do hàng loạt lô gạo Việt bị trả về. Ước tính, có khoảng 10.000 tấn gạo của 16 doanh nghiệp Việt Nam đã bị phía Mỹ trả về trong vòng 4 năm qua.
Nguyên nhân do gạo Việt Nam bị tồn dư các chất acetamiprid, chlopyripos, hexaconazoe có trong các loại thuốc bảo vệ thực vật để trị các loại bệnh trên cây lúa như đạo ôn, sâu đục thân, rầy nâu. Trong khi đó, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), 6 tháng đầu năm 2016, đã có hơn 500 container gạo thơm của Việt Nam bị đối tác trả về do không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Những năm vừa qua, đặc biệt là năm 2016, rất nhiều đơn hàng xuất khẩu gạo thơm của các đơn vị xuất khẩu gạo có tiếng Việt Nam đã bị trả về vì "dính" dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Cần nhân rộng những điển hình
Nền nông nghiệp bền vững phải hướng đến sản xuất sạch, bảo đảm nông sản an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường không bị ô nhiễm. Nông sản phải sản xuất theo chuỗi giá trị, có nhãn hiệu, có chỉ dẫn địa lý.
Trước thực tế nhiều người còn lạm dụng phân bón, thuốc BVTV thì những năm gần đây, ở Đắk Nông cũng đã có những nông dân sử dụng vật tư nông nghiệp hiệu quả.
Điển hình như ông Nguyễn Văn Phúc, thôn 1, xã Chư K'nia (Chư Jút) hiện có 3 ha hồ tiêu. Từ năm 2005 đến nay, trung bình mỗi năm gia đình thu về hơn 6 tấn hồ tiêu. Đây là mức năng suất không cao nhưng khá ổn định. Theo kinh nghiệm của ông thì để trồng hồ tiêu an toàn qua nhiều năm thì việc bón phân, sử dụng thuốc BVTV có ý nghĩa quan trọng. Ông bón phân cân đối giữa các yếu tố, trong đó chủ yếu dùng phân hữu cơ và hữu cơ vi sinh. Hàng năm, ông bón từ 15 - 20 kg/trụ phân bò được ủ hoai mục; từ 500 - 1.000 kg vôi bột cho vườn để ổn định độ chua cho đất và cung cấp thêm các chất khác như Ca, Mg. Với phương châm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc BVTV nên ông chú trọng phòng trừ sâu bệnh bằng các loại thuốc sinh học.
Trong quá trình canh tác, ông Phúc chú ý tạo môi trường tốt cho các vi sinh vật có lợi phát triển, thường xuyên tỉa cành treo, cành lươn để cây tiêu tập trung dinh dưỡng nuôi quả. Sau mỗi vụ thu hoạch, ông cắt bỏ cành có biểu hiện bệnh, cành có lá chạm mặt đất giúp hạn chế nấm bệnh phát sinh từ đất nên vườn cây luôn xanh tốt.
Hay như bà Đỗ Thị Chuyên, thôn 3, xã Đắk Ha (Đắk Glong) có cách sử dụng vật tư phù hợp nên luôn tiết kiệm được chi phí đầu vào, bổ sung được độ mùn, tơi xốp cho đất thông qua việc tạo sinh thái vườn nhờ trồng với cây che bóng, ít xảy ra dịch bệnh, năng suất hồ tiêu luôn ổn định ở mức 3,5 tấn/ha.
Gia đình bà Đỗ Thị Chuyên, thôn 3, xã Đắk Ha (Đắk Glong) chủ yếu sử dụng các loại phân bón hữu cơ, kết hợp đúng cách với phân hóa học nên vườn hồ tiêu luôn xanh tốt |
Đối với cà phê, thực tế hiện Đắk Nông cũng đã có khoảng 20.000 ha/125.000 ha cà phê được sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế. Điển hình như 5 năm nay, thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp Công bằng Thuận An, xã Thuận An (Đắk Mil) đã sản xuất theo chuẩn của Hiệp hội Thương mại công bằng Fairtrade của thế giới.
Hợp tác xã hiện có 284 ha cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Thương mại công bằng Fairtrade và thu hút hơn 135 hộ thành viên, trong đó đa số diện tích ở địa bàn xã Thuận An. Để xuất khẩu được ra các thị trường khó tính, nhất là các nước châu Âu, điều có ý nghĩa là các thành viên đã tuân thủ tốt các quy trình về sử dụng phân bón, thuốc BVTV, làm ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Nguyễn Hữu Hạ, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Công bằng Thuận An cho biết: Ban đầu khi ban giám đốc thực hiện chủ trương này cũng khó khăn vì bà con đã quen lạm dụng phân bón, thuốc BVTV. Nhưng chúng tôi kiên trì vận động, giải thích rồi làm cho bà con có thể "mắt thấy, tay sờ được"; tính toán cho bà con biết chi phí đầu vào, đầu ra, giá cả nên dần dần bà con học tập, làm theo. Quan trọng, khi sản xuất theo tiêu chuẩn này thì bà con không lo cảnh được mùa mất giá, thu nhập bao giờ cũng cao hơn mức sàn chung. Cái nhân văn của sản xuất nông nghiệp an toàn là nó không chỉ vì sức khỏe của người tiêu dùng mà còn vì sức khỏe người sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái chung nên đúng là nhà nông được lợi trăm đường.
Đồng chí Trương Thanh Tùng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định: Để nhân rộng các mô hình phát triển nông nghiệp an toàn, trước hết ngành Nông nghiệp địa phương phải tăng cường việc tổ chức các lớp tập huấn để bà con biết về các biểu hiện bệnh, nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng, từ đó có cách sử dụng phù hợp. Tuy nhiên, vai trò của cả hệ thống chính trị, chính quyền cơ sở, các ngành liên quan cũng hết sức lớn trong việc góp phần thay đổi nhận thức của nhân dân. Các ngành chức năng đẩy mạnh việc thanh, kiểm tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, phát hiện, xử lý nghiêm những đơn vị, cơ sở vi phạm.
Không chỉ với hồ tiêu, gạo, cà phê mà tất cả nông sản của Việt Nam nếu không sản xuất theo hướng an toàn, thì sẽ dần đánh mất thị trường trong và ngoài nước. Vì thế, việc nhân rộng các mô hình sử dụng phân bón, thuốc BVTV đúng cách là vấn đề cần làm hiện nay. Đây không chỉ là thách thức lớn nhất của nông nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế mà còn là bài toán đặt ra cho cả người nông dân và các nhà quản lý trên lộ trình tái cơ cấu nông nghiệp.
Theo số liệu của Cục BVTV, Việt Nam có khoảng 9-10 triệu người phun thuốc nhưng chỉ có khoảng 4.000 cán bộ BVTV. Mỗi người phải hướng dẫn, kiểm tra, giám sát cho 3.000 người phun thuốc BVTV là vượt quá khả năng. Vai trò của chính quyền địa phương gần như là đứng ngoài cuộc. | |
Theo Đăk Nông Online