BẢN CAM KẾT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ ĐẦU TƯ

Nông dân tập trung chăm sóc cà phê sau thu hoạch
Ngày đăng 13/02/2019 | 10:22  | View count: 25623

Những ngày đầu tháng 1 hàng năm là thời điểm kết thúc việc thu hái cà phê. Giai đoạn này, cây thường mất sức do sinh trưởng khá nhiều và cũng là thời kỳ cây phân hóa mầm hoa nên cần tăng cường dinh dưỡng. Chính vì thế, thời gian này, nông dân trồng cà phê ở các địa phương trong tỉnh đang tập trung chăm sóc để phục hồi lại vườn cây.

Ông Nguyễn Quang Thăng, ở thôn 2, xã Nhân Cơ (Đắk R'lấp), cào rãnh quanh gốc để chuẩn bị bón phân đợt 1 cho cà phê

Thông thường, thu hoạch xong, cây cà phê mất sức nhiều do trải qua thời gian dài mang quả, khi thu hái bị rụng lá, hư hại cành nên dễ bị sâu bệnh tấn công, ảnh hưởng đến chu kỳ phát triển tiếp theo. Chính vì thế, nhiều người ngay sau khi thu hoạch đã nhanh chóng cắt, tỉa cành để loại bỏ những cành không thể cho quả mùa sau, những cành nhiễm bệnh.

Năm nay hộ ông Trần Văn Long ở thôn 2, xã Quảng Khê (Đắk Glong) có gần 2 ha cà phê thu hoạch được gần 5 tấn nhân. Ông Long cho biết vườn cây sau khi hái xong thân cành xơ xác bởi sau một năm mang quả làm cây bị suy kiệt. Để thuận lợi cho chăm sóc, trong giai đoạn cuối vụ, gia đình ông vừa hái, vừa cắt cành để đẩy nhanh thời vụ.

Ông Long nhấn mạnh: "Phải để cây cà phê có khoảng thời gian héo lá vừa đủ, khi mình tưới nước thì sẽ đồng loạt phân hóa mầm hoa, đậu quả. Cùng với đó, tôi bón các loại phân lân bảo đảm cho việc phân hóa mầm hoa, tăng số hoa và số quả, bón kali giúp tăng tỷ lệ hoa đậu quả cao trong điều kiện thời tiết nhiều thay đổi".

Còn gia đình ông Nguyễn Quang Thăng, ở thôn 2, xã Nhân Cơ (Đắk R'lấp) có hơn 2,5 ha cà phê ở giai đoạn kinh doanh. Hơn 7 năm qua, gia đình ông Thăng đã tham gia sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C. Theo ông Thăng, để vườn cây sau giai đoạn thu hoạch sinh trưởng, phát triển tốt, bảo đảm năng suất cho vụ sau, ông đã áp dụng hợp lý các quy trình kỹ thuật. Đó là sau khi tỉa cành, rửa vườn để loại trừ rong rêu, tảo đỏ, nấm hồng; sử dụng biện pháp sinh học phòng trừ mọt đục cành, rệp sáp và bổ sung dinh dưỡng cho vườn cây.

Trong đó, ông chú trọng bổ sung thêm các thành phần dưỡng chất đa lượng, trung, vi lượng cho cây. "Yếu tố dinh dưỡng trung, vi lượng như lưu huỳnh, magiê, canxi rất cần thiết cho cà phê trong mùa khô, giúp cây nở hoa tốt, tỷ lệ đậu quả cao, năng suất chất lượng tốt", ông Thăng khẳng định.

 

Vụ thu hoạch cà phê 2018, do ảnh hưởng của thời tiết làm một số vùng sản xuất cà phê giảm năng suất cục bộ. Tuy nhiên, theo báo cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh, sản lượng cà phê niên vụ 2018-2019 của toàn tỉnh vẫn đạt 291.513 tấn/279.723 tấn, đạt 104,21% so với kế hoạch, tăng trên 24.000 tấn so với năm 2017-2018. Sự gia tăng sản lượng chủ yếu do tăng diện tích cà phê kinh doanh.

 

Theo Chi cục phát triển Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp – PTNT) thì thời điểm sau thu hoạch thường chuyển tiếp từ mùa mưa sang mùa khô, giai đoạn này cũng phát sinh nhiều loại sâu bệnh hại cho vườn cây. Vì vậy, bà con cần chú ý phòng trừ các bệnh rỉ sắt, đốm mắt cua, rệp sáp, rệp vẩy, bọ xít tấn công gây hại cà phê.

Đặc biệt với rệp sáp, nông dân phải theo dõi thường xuyên vườn cây, phát hiện rệp khi chớm xuất hiện để tiến hành phun thuốc ngay. Nếu để rệp sáp phát triển mạnh, xâm nhập vào cuống hoa, chùm trái non sẽ rất khó diệt trừ. Theo đó, để phòng trừ rệp sáp, cùng với các biện pháp chăm sóc khác, bà con có thể phun các thuốc trong danh mục cho phép như: Fastac 5EC, Motox 2.5 EC hay Butal 10WP...

Khi vườn cà phê bị rệp vẩy tấn công thì sử dụng thuốc Binhmor 40EC. Đối với vườn bị nhiễm bọ xít phun thuốc Cypermap 10EC. Cùng với đó, nông dân cũng nên để cho vườn cây có thời gian khô hạn sinh lý vừa đủ rồi mới tưới nước, tưới đúng thời điểm, đủ lượng nước để giúp cà phê sinh trưởng, phát triển tốt, đồng thời tiết kiệm nước. 

Nhằm hạn chế những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhà nông chú ý đến việc bón phân cân đối giữa các loại phân hữu cơ, vô cơ, sinh học phù hợp cho mùa khô, nhất là sử dụng phân ủ hoai mục từ các phế phẩm nông nghiệp, phân chuồng sẽ tăng khả năng chống chịu, kháng bệnh cho cây.

Theo Đắk Nông Online