BẢN CAM KẾT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ ĐẦU TƯ

Đồng bào các dân tộc thiểu số vui đón Xuân Đinh Dậu
Ngày đăng 03/02/2017 | 16:22  | View count: 2354

Hòa vào không khí chung, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh cũng phấn khởi đón Xuân Đinh Dậu trong niềm vui, hạnh phúc về một năm mới với nhiều kỳ vọng mới, thắng lợi mới.

Cùng nhau đi chúc xuân


Những năm gần đây, đồng bào M'nông trên địa bàn tỉnh, khi cuộc sống khấm khá hơn thì ăn Tết Nguyên đán lớn, sum vầy, đủ đầy hơn, với bao ước vọng cho một năm mới bình an, hạnh phúc. Tại các gia đình, cũng chỉ là các món ăn đặc trưng dân tộc như cơm lam, rượu cần, đọt mây, lá bép…, nhưng không khí xuân của đồng bào thật ấm áp.

Chị Thị Ai ở bon Bu Koh, xã Đắk R'tíh (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) phấn khởi: "Vài năm trở lại đây, cuộc sống khấm khá hơn thì Tết Nguyên đán của dân tộc cũng được người dân quan tâm tổ chức long trọng. Tôi thường đi thăm cha mẹ, anh em, bạn bè. Tết là dịp để người dân đi lại, thăm viếng, chúc nhau sức khỏe, làm ăn phát đạt, hỏi chuyện con cháu học hành cũng như kinh nghiệm làm ăn".
 

Đồng bào dân tộc M'nông ở bon Bu Koh, xã Đắk R'tíh (Tuy Đức) thăm hỏi nhau ngày tết


Ngoài soạn sửa mâm cỗ dâng cúng tổ tiên, đồng bào Thái ở xã Đắk R'măng (Đắk Glong) còn làm những món ăn đặc sản của dân tộc. Cùng với các món ăn được chế biến từ gà, vịt, heo, thì bánh chưng dài và bánh rợm cũng hết sức quan trọng, không những được dùng trong gia đình mà còn dùng để tiếp đãi và làm quà cho khách khi đến chơi nhà. Những ngày trước tết, nhà nào nhà nấy bảo nhau quét dọn, sửa sang ngay ngắn, sạch đẹp…

Ông Hà Quang Cộng ở xã Đắk R'măng cho biết: "Tết đến là dịp để con cháu sum vầy, quây quần bên nhau, chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống của năm cũ và phấn đấu ước vọng cho năm mới nhiều hạnh phúc an lành. Năm mới, tôi cầu mong gia đình, bà con bon làng gặp nhiều may mắn, hạnh phúc và mùa màng bội thu hơn".


Và vui chơi giải trí


Tại xã Đắk D'rông (Chư Jút), từ nhiều năm nay, cứ đến mồng 3, mồng 4 âm lịch là đồng bào Mông ở thôn 20 đều xin phép chính quyền địa phương để tổ chức Hội chọi trâu truyền thống và đã thu hút đông đảo người dân trên địa bàn xã tham gia. Năm nay, Hội chọi trâu cũng được tổ chức một cách long trọng, an toàn.

Theo bà con nơi đây thì Hội chọi trâu có từ lâu đời ở các tỉnh phía Bắc, khi mới vào đây lập nghiệp do cuộc sống còn nhiều khó khăn nên không có điều kiện tổ chức. Nhưng vài năm trở lại đây, đời sống khấm khá hơn nên bà con trong thôn cùng nhau đóng góp tiền để tổ chức lại Hội chọi trâu và đó cũng là cách bảo tồn văn hóa cổ truyền trên vùng đất mới. Đây không chỉ là dịp để bà con vui chơi sau một năm làm lụng vất vả mà còn để tìm hiểu, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn và chúc phúc đầu xuân.

Ông Hầu Văn Sinh ở thôn 20 cho biết: "Chọi trâu là một lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, tạo bầu không khí vui tươi phấn khởi cho người dân địa phương và du khách gần xa. Hội chọi trâu thể hiện tính táo bạo, lòng quả cảm, mang đậm tinh thần thượng võ với phong cách dân dã và tự nhiên của núi rừng qua những trận đấu kịch tính và hấp dẫn. Hội chọi trâu được tổ chức hàng năm cũng chính là mong muốn của bà con vào một năm mới sản xuất thắng lợi và mùa màng bội thu, cùng nhau thi đua chăn nuôi, phát triển đàn gia súc, đón nhận những may mắn".

Cũng trong không khí chào đón năm mới, ngoài việc sắm sửa, trang trí, bày biện trong gia đình, đồng bào Mông ở xã Đắk Ngo (Tuy Đức) cũng tổ chức Lễ Gầu tào (cầu may mắn cho năm mới). Ngoài việc trao nhau những lời chúc tốt đẹp, đồng bào còn thể hiện khả năng của mình thông qua sử dụng một số nhạc cụ truyền thống của dân tộc như khèn, sáo, kèn lá...

Theo Đắk Nông Online