BẢN CAM KẾT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ ĐẦU TƯ
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Nông vừa ghi nhận 1 trường hợp dương tính với bệnh sởi ở thôn 1, xã Ea Pô (Cư Jút). Trước tình hình bệnh sởi đang diễn phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước, ngành Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, giám sát, phòng, chống bệnh tại cộng đồng nhằm ngăn chặn sự lây lan, hạn chế ca mắc bệnh mới.
Trẻ được tiêm vắcxin sởi-Rubella ở Trạm y tế phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa) |
Bệnh có nguy cơ lây lan cao
Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có tốc độ lây lan nhanh qua đường hô hấp, có thể gây dịch lớn. Bệnh rất nghiêm trọng ở trẻ nhỏ và trẻ suy dinh dưỡng, một số biến chứng của bệnh bao gồm viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy và viêm não có thể gây tử vong.
Những năm qua, mặc dù ngành Y tế đã triển khai nhiều hoạt động nhằm ngăn chặn, kiểm soát nhưng bệnh vẫn xuất hiện mang tính chu kỳ khoảng 4-5 năm một lần, khi tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng không đạt bao phủ.
Tại tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2013-2014, dịch sởi xảy ra trên diện rộng, tập trung ở những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin sởi thấp. Nếu tính theo chu kỳ, năm 2018 được cảnh báo là năm bệnh sởi bước vào giai đoạn gia tăng trở lại, nguy cơ bùng phát dịch.
Từ kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đối với trường hợp dương tính từ bệnh sởi, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Cư Jút và Trạm y tế xã Ea Pô tiến hành điều tra xác minh ca bệnh và các yếu tố dịch tễ liên quan tại địa bàn phát sinh ca bệnh. Theo đó, địa bàn thôn 1, xã Ea Pô tiếp giáp với huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) là địa phương vừa xảy ra 1 ổ dịch sởi với 11 trường hợp mắc bệnh.
Cũng theo nhận định của ngành Y tế, thời gian tới, bệnh sởi có nguy cơ gia tăng trong cộng đồng do sự giao lưu, đi lại của người dân. Trước thực tế đó, ngành đã chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tăng cường các hoạt động truyền thông trong cộng đồng nhằm nâng cao hiểu biết cho người dân về bệnh sởi. Công tác giám sát cần tiếp tục được tăng cường nhằm phát hiện sớm các trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại cộng đồng, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm xác định trường hợp mắc bệnh, triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh.
Ngành cũng yêu cầu các địa phương rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vắc xin sởi hoặc tiêm chưa đầy đủ, thực hiện tiêm bổ sung, tiêm vét, không để sót đối tượng, nhất là các địa bàn có di biến động dân cư, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Ngoài ra, các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám bệnh, phân tuyến điều trị bệnh nhân, thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân sởi, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong...
Trẻ cần được tiêm phòng đầy đủ
Tiêm vắc xin sởi là biện pháp tốt nhất để chủ động phòng bệnh sởi. Vì vậy, ngành Y tế khuyến cáo, các gia đình có trẻ dưới 5 tuổi cần đưa trẻ tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi cũng như bảo đảm trẻ được tiêm mũi vắc xin phòng ngừa sởi khi tròn 9 tháng tuổi và mũi vắc xin sởi thứ 2 phải được tiêm khi trẻ được 18 tháng. Trường hợp trẻ trên 9 tháng vẫn chưa được tiêm vắc xin sởi mũi 1 hoặc trẻ trên 18 tháng mà vẫn chưa được tiêm vắc xin sởi mũi 2 phải khẩn trương đưa trẻ ra trạm y tế xã, phường để được khám, tư vấn tiêm bù cho trẻ càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, phụ huynh cần hạn chế để trẻ tiếp xúc với người có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp, sốt hoặc phát ban… Nếu trẻ có triệu chứng sốt hoặc phát ban cần đưa trẻ đi khám bệnh tại cơ sở y tế, hạn chế cho trẻ bệnh tiếp xúc với trẻ khác để đề phòng lây nhiễm ra cộng đồng.
Theo Đắk Nông Online