BẢN CAM KẾT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ ĐẦU TƯ
Sáng ngày 2/10, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2008-2018) trên địa bàn tỉnh.
Toàn cảnh Hội nghị
Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo công tác gia đình tỉnh và đồng chí Phan Công Việt - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh đồng chủ trì. Lãnh đạo các Sở, Ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Lãnh đạo UBND các huyện, thị xã; thành viên Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh cùng tham dự.
Luật Phòng chống bạo lực gia đình ra đời và có hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày 01/7/2008. Theo báo cáo tại hội nghị, qua 10 năm triển khai, đến nay Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định. Các cấp ủy Đảng và chính quyền đã xác định công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình là một nội dung dung quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Cộng đồng và các thành viên trong gia đình đã nhận thức được các hành vi bạo hành gia đình là vi phạm pháp luật, nhờ đó tự ý thức và giữ gìn, gắn kết các mối quan hệ trong gia đình, bảo đảm công tác chăm sóc và giáo dục trẻ em, đẩy lùi tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị
Hiện nay, toàn tỉnh có 49 câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình, 175 địa chỉ tin cậy cộng đồng, 786 tổ hòa giải cơ sở. Việc sinh hoạt và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ này đã góp phần tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng, giúp cho người dân nâng cao nhận thức, phát huy vai trò vị trí của gia đình. Các hành vi bạo lực gia đình được cộng đồng can ngăn, hoà giải kịp thời và hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tình trạng bạo lực gia đình vẫn xảy ra ở một số địa phương. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bạo lực gia đình là do bất bình đẳng giới, thiếu hiểu biết về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Một số trường hợp khi xảy ra bạo lực gia đình, các nạn nhân không báo cáo với các cơ quan chức năng, chưa mạnh dạn tố giác hành vi bạo lực của thành viên gia đình gây ra cho bản thân do đó, gây khỏ khăn trong việc phát hiện, xử lý, ngăn chặn kịp thời tình trạng bạo lực gia đình.
Tại Hội nghị, đại diện các cơ quan, đơn vị, địa phương đã phát biểu, chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp tổ chức sinh hoạt các câu lạc bộ mang lại hiểu quả trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Phát biểu kết luận, đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh nhấn mạnh: Công tác gia đình và vấn đề bạo lực gia đình là rất quan trọng không chỉ riêng của mỗi gia đình mà cả xã hội cần phải quan tâm vào cuộc vì "Gia đình tốt thì xã hội mới tốt". Vì vậy, để thực thi Luật phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh thời gian tới đạt hiệu quả cao đồng chí yêu cầu các Sở, Ban, ngành thành viên Ban chỉ đạo cần có kế hoạch, chương trình hành động, kế hoạch tuyên truyền cụ thể về xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình không có bạo lực. UBND các huyện, thị xã sớm thành lập Ban chỉ đạo công tác gia đình, ban hành quy chế tổ chức hoạt động, phân công cụ thể trách nhiệm của từng thành viên tham gia Ban chỉ đạo; xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể tổ chức triển khai thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình. Chính quyền các cấp tiếp tục thành lập, nhân rộng và duy trì mô hình các Câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình. Bên cạnh đó các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; kịp thời biểu dương các cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp trong việc tuyên truyền, thực hiện tốt Luật phòng, chống bạo lực gia đình.
Nhân dịp này, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 7 tập thể và 8 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Trao tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho 7 tập thể có thành tích xuất sắc
Trao tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc
Song Nguyên