BẢN CAM KẾT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ ĐẦU TƯ

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam
Ngày đăng 12/04/2017 | 15:31  | View count: 5340

Ngày 12/4, tại tỉnh Lào Cai, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam nhằm đánh giá thực trạng nuôi trồng, khai thác, chế biến, sản xuất và sử dụng dược liệu. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính tri, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu Đắk Nông, các đồng chí: Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; K'Thanh, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành  tỉnh tham dự.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Nông

Theo đánh giá của Bộ Y tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng về dược liệu với trên 5000 loài thực vật được sử dụng làm thuốc. Trong số các loài cây thuốc đã biết, có hơn 500 loài đã được trồng với các mức độ khác nhau, 92 loài cây dược liệu được trồng phục vụ nhu cầu thị trường. Diện tích trồng và sản lượng của một số dược liệu đã tăng như: Nghệ: 5.000 tấn/năm; Táo mèo: gần 5.000 tấn/năm;, Thảo quả: hơn 2.000 tấn/năm; Actiso: 2.400 tấn/năm; Chùm ngây: 1.200 tấn/năm;  Ba kích: 840 tấn/năm; Diệp hạ châu: 800 tấn/năm…

Giá trị kinh tế đem lại từ nuôi trồng dược liệu cao hơn hẳn các loại cây trồng khác (gấp 5 -10 lần so với trồng lúa). Thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu ở Việt Nam là rất lớn, ước tính khoảng 60.000 – 80.000 tấn/năm.

Tuy nhiên, do nguồn cung trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu nên 80% dược liệu sử dụng hiện nay là nhập khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc). Việc khai thác nguồn tài nguyên dược liệu ở nước ta hiện nay còn rất bừa bãi, chưa được kiểm soát chặt chẽ, thiếu biện pháp bảo tồn các loài cây thuốc quý hiếm.

Tình hình sản xuất dược liệu còn manh mún, thiếu quy hoạch. Sản phẩm chế biến từ dược liệu trong nước có giá thành cao hơn so với nhiều sản phẩm có cùng chủng loại ở nước ngoài nên việc tiêu thụ còn khó khăn, không dễ đứng vững được trên thị trường. Công tác quản lý chất lượng dược liệu còn bất cập, thiếu hệ thống dữ liệu về dược liệu cấp toàn quốc, thiếu kinh nghiệm điều hành, quản lý sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng dược liệu trong nước và xuất khẩu…

Tại hội nghị, một số địa phương, đơn vị đã có những tham luận đánh giá kết quả, nhìn nhận những hạn chế, đề xuất giải pháp nhằm phát triển cây dược liệu ở nước ta.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: Việt Nam có tiềm năng phát triển kinh tế to lớn từ các loại dược liệu. Vì vậy, các tỉnh, thành trong cả nước cần có cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển cây dược liệu; thu hút, đưa nhà máy chế biến vào những vùng sản xuất dược liệu có quy mô lớn; đưa khoa học công nghệ vào sản xuất và chế biến, thúc đẩy vùng chuyên canh quy mô lớn. Việc phát triển cây dược liệu cần có sự liên kết chặt chẽ của "5 nhà" (nhà nông, nhà khoa học, nhà kinh tế, nhà quản lý, nhà băng) cũng như cần có hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm dược liệu Việt Nam ra quốc tế…

Theo Đăk Nông Online