BẢN CAM KẾT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ ĐẦU TƯ
Năm 2016, gia đình ông Nguyễn Khắc Tăng (41 tuổi) trú tại thôn Đắk Hà, xã Đắk Sắk (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) mạnh dạn đầu tư 1,6 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, chuồng trại để liên kết với Công ty cổ phần chăn nuôi CP nuôi gà thương phẩm. Trại xây xong, CP cung cấp gà giống, thức ăn công nghiệp. Trong thời gian nuôi, Công ty CP cử bác sĩ thú y thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn chủ trại cách cho gà ăn và thực hiện các biện pháp vệ sinh chuồng trại theo đúng quy trình kỹ thuật.
Bác sĩ thú y thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn chủ trại cách cho gà ăn và thực hiện các biện pháp vệ sinh chuồng trại theo đúng quy trình kỹ thuật.
Công nhân tại trại gà gia đình ông Tăng đang chăm sóc cho 19.000 gà con mới nhập về. Ảnh: Đức Hùng |
Ông Tăng chia sẻ, có công ty hỗ trợ kỹ thuật nên trong suốt quá trình nuôi gà hầu như không bị dịch bệnh, không có rủi ro gì. Làm trang trại chỉ khó khăn giai đoạn đầu tư vì cần vốn lớn, còn chăm sóc gà thì khá đơn giản khi máy móc đều được vận hành bằng cảm biến. Hơn nữa, chuồng trại cách ly hoàn toàn với bên ngoài nên hạn chế dịch bệnh lây lan.
Vất vả nhất khoảng 10 ngày đầu khi nhập gà con về, ngoài việc sưởi ấm đủ nhiệt cho gà còn phải thường xuyên cho ăn bằng thủ công vì gà quá nhỏ chưa ăn bằng máng ăn tự động được. Sau 10 ngày, gà hoàn toàn được chăm sóc bằng hệ thống máng ăn, nước uống tự động. Nhờ đầu tư hệ thống máng ăn, nước uống, điều hòa nhiệt độ và cân bằng nhiệt tự động nên dù trang trại đang nuôi 16.000 con gà nhưng chỉ cần 2 lao động thường xuyên là có thể chăm sóc cho cả đàn gà. Với việc đầu tư hệ thống tự động bước đầu đã giảm được khoảng 4 lao động thủ công, bên cạnh đó, việc giữ đúng nhiệt độ còn giúp cho chăm sóc vật nuôi theo từng giai đoạn được thuận lợi, thức ăn, nước uống được cung cấp đầy đủ, đúng giờ.
Với thời gian nuôi khoảng 60 ngày/lứa, mỗi con nặng khoảng 1,7 - 2 kg trở lên là gà có thể xuất chuồng. Khi gà xuất chuồng, Công ty CP bao tiêu toàn bộ và trả công cho người nuôi. Theo tính toán của ông Tăng, với mức tiền công mà công ty trả là 8.000 đến 10.000 đồng/1 con gà, sau khi trừ chi phí, mỗi lứa, 16.000 con gà xuất chuồng cũng cho lãi hơn 100 triệu đồng. Mỗi năm ông Tăng nuôi 4 lứa, thu nhập khoảng hơn 400 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn gom phân thải của gà bán với giá 20 triệu đồng mỗi lứa.
Thấy mô hình chăn nuôi này đem lại hiệu quả kinh tế cao, ít rủi ro, sắp tới, ông Tăng tiếp tục dành tiền đầu tư thêm một trang trại nữa với mức kinh phí khoảng 1,3 tỷ đồng để mở rộng đàn. Ông Tăng chia sẻ, để được công ty chấp nhận ký hợp đồng liên kết, người chăn nuôi phải thực hiện các điều kiện như: Xây dựng chuồng trại xa khu vực dân cư, đầu tư trang bị đúng tiêu chuẩn và bảo đảm yếu tố về môi trường, cách ly mầm bệnh...
Mô hình liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân có lợi thế là bác sĩ thú y và cán bộ kỹ thuật của công ty kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ quy trình kỹ thuật chăm sóc nên ít xảy ra dịch bệnh. Nếu xảy ra rủi ro, các trại chỉ mất phần tiền công chăm sóc, còn lại doanh nghiệp gánh chịu khoản thua lỗ cho người nuôi. Đặc biệt, người chăn nuôi không phải lo đầu ra sản phẩm mà doanh nghiệp sẽ bao tiêu toàn bộ. Tuy nhiên, mô hình liên kết này đòi hỏi người chăn nuôi phải có đất và mặt bằng thích hợp, có vốn đầu tư ban đầu khá lớn, từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng trở lên, chính vì thế không phải ai cũng có điều kiện thực hiện nếu không có hướng liên kết theo dạng tổ, nhóm.
Theo Đăk Nông Online