BẢN CAM KẾT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ ĐẦU TƯ
Vừa qua, ngành Văn hóa tỉnh đã tiến hành kiểm kê tại các bon, làng trên địa bàn tỉnh. Qua các đợt kiểm kê, bên cạnh sự đa dạng, phong phú các loại hình văn hóa phi vật thể cũng đặt ra nhiều vấn đề cần phải quan tâm trong việc bảo tồn, phát huy.
Những con số đáng mừng
Đắk Nông là địa phương có hơn 40 dân tộc anh em sinh sống, với nhiều di sản văn hóa phi vật thể rất độc đáo, phong phú, đa dạng. Để kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể mang tính khách quan và đạt hiệu quả, ngành văn hóa đã tổ chức 2 đợt kiểm kê. Đợt thứ nhất năm 2015, kiểm kê tại 56 bon của 3 huyện Đắk R'lấp, Chư Jút, Đắk Glong. Đợt thứ 2 năm 2017, tiến hành kiểm kê tại 147 bon, buôn, bản tại các huyện còn lại, với thành phần là đồng bào bản địa M'nông, Mạ, Ê đê và đồng bào các dân tộc phía Bắc như Tày, Nùng, Thái, Dao, Mông…
Qua kiểm kê cho thấy, đối với đồng bào các dân tộc bản địa M'nông, Mạ, Ê đê, một số di sản văn hóa truyền thống như cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm… vẫn được duy trì, phát triển. Tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 336 bộ cồng chiêng, 194 nghệ nhân biết chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc, 12 người biết hát kể Ót N'drong (sử thi), 301 người biết hát dân ca, 106 người biết kể chuyện cổ và 50 người có khả năng truyền dạy dệt thổ cẩm…
Hiện nay toàn tỉnh có 336 bộ cồng chiêng. (Ảnh: Đội cồng chiêng bon N'Jriêng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) luyện tập tại nhà văn hóa cộng đồng) |
Riêng đối với đồng bào các dân tộc phía Bắc, khi đến sinh sống trên địa bàn tỉnh đã mang theo bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc, đóng góp đáng kể vào kho tàng văn hóa chung của các dân tộc Đắk Nông. Tại các liên hoan văn hóa hay hội diễn văn nghệ, đồng bào các dân tộc phía Bắc đã mang đến những tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt, trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, đồng bào cũng đã sáng tạo ra một số loại nhạc cụ như khèn Mèo, sáo Mèo (của người Mông), Pí lè (của người Dao), Khèn bè của người Thái… Đặc biệt, cây đàn Tính, điệu hát Then của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng đã trở nên quen thuộc với mọi người. Đến thời điểm này, có 69 người biết và sử dụng đàn Tính, hát Then và 55 người biết dệt thổ cẩm…
Khả năng phục hồi, gìn giữ còn yếu
Một thực tế đáng buồn là trong quá trình kiểm kê, một số tập quán lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ vẫn chưa được xóa bỏ triệt để, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nếu trước đây, hoạt động văn hóa dân gian diễn ra thường xuyên ở các bon, buôn có đồng bào dân tộc tại chỗ thì nay trở nên thưa dần, một số lễ hội truyền thống không còn tổ chức trong cộng đồng cũng như quy mô hộ gia đình. Nhiều bon, buôn không có người biết chế tác và diễn tấu các nhạc cụ dân gian truyền thống như Wao, R'lét, M'buốt, Goong rêng… Các loại hình dân ca, sử thi, truyện cổ, các nghi lễ, lễ hội, nghề thủ công truyền thống cũng đang đứng trước nguy cơ mai một dần.
Thế nhưng, điều đáng mừng là văn hóa truyền thống, nhất là lễ hội văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số phía Bắc lại có xu hướng phục hồi. Hầu hết các hoạt động văn hóa của các dân tộc thiểu số phía Bắc tồn tại chủ yếu bằng yếu tố tự thân, ít dựa vào sự hỗ trợ của chính quyền. Đây là điều quan trọng cho sự tồn tại và phát triển. Một số lễ hội truyền thống được đồng bào thường xuyên tổ chức như Lễ hội Gầu Tào của người Mông ở xã Đắk R'măng; Lễ hội Lồng tồng của người Tày và hội thi chọi bò của người Mông ở xã Quảng Hòa (Đắk Glong); Hội Ném còn của người Mông, Thái, Tày… cũng được thường xuyên tổ chức.
Dệt thổ cẩm - nét đẹp truyền thống của các dân tộc bản địa. (Ảnh: Các nghệ nhân tham gia thi dệt thổ cẩm tại Hội xuân Mậu Tuất 2018) |
Còn nhiều việc cần làm
Theo đánh giá của ngành Văn hóa, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào tại chỗ còn nghèo, công tác truyền dạy văn hóa cũng như tuyên truyền văn hóa vẫn còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, các nghệ nhân am hiểu văn hóa truyền thống ngày càng già yếu, lớp trẻ thì ít "mặn mà" đối với văn hóa truyền thống dân tộc. Trong khi đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương ở cơ sở chưa chú trọng và có giải pháp hữu hiệu cho việc bảo tồn văn hóa. Chiến lược đầu tư cho các di sản văn hóa phi vật thể vẫn còn là một khoảng cách nhất định giữa lý luận và thực tiễn.
Bởi vậy, để bảo tồn và phát huy hơn nữa các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân cần tăng cường hơn nữa. Tỉnh, ngành chức năng cần có chiến lược đào tạo thế hệ trẻ theo học các ngành, nghề thủ công truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ…
Theo Đắk Nông Online