BẢN CAM KẾT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ ĐẦU TƯ
Chiều ngày 29/05, Ban Quản lý Công viên địa chất núi lửa Krông Nô - Đắk Nông (BQL CVĐC) tổ chức họp nhằm đánh giá tiến độ xây dựng CVĐC trong thời gian qua và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới. Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc BQL CVĐC Tôn Thị Ngọc Hạnh chủ trì cuộc họp.
Theo báo cáo, thời gian qua,Ban quản lý Công viên địa chất đã tham mưu cho UBND tỉnh và phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai, thực hiện việc xác định tên gọi, ranh giới và các giá trị di sản cần bảo tồn trong khu vực Công viên Địa chất (CVĐC). Với ranh giới trải dài trên 6 huyện, thị xã (trừ huyện Tuy Đức và Đắk R'lấp), đến nay, toàn khu vực nói trên đã có 61 điểm di sản được xác định đưa vào hồ sơ CVĐC núi lửa Krông Nô để trình UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu (chưa bao gồm các di sản văn hóa phi vật thể).
Từ năm 2015 đến nay, ngoài việc thành lập các đoàn công tác đi học tập kinh nghiệm tại các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng về xây dựng, quản lý và phát triển Công viên Địa chất; tỉnh Đắk Nông đã tích cực tham gia các hoạt động do Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu và khu vực tổ chức để học hỏi thêm kinh nghiệm, kết hợp với việc quảng bá về việc xây dựng khu vực trên thành CVĐC toàn cầu UNESCO.
Bà Lê Thị Hồng An - Phó Giám đốc chuyên trách Ban quản lý Công viên địa chất núi lửa Krông Nô - Đắk Nông báo cáo tại cuộc họp về tiến trình xây dựng CVĐC trong thời gian qua |
Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng trong khu vực Công viên Địa chất nói riêng và các hoạt động tuyên truyền, quảng bá nói chung về việc xây dựng CVĐC được thực hiện thường xuyên dưới nhiều hình thức. Với việc tham gia Ban tổ chức Trại Sáng tác nghệ thuật năm 2018 do Hội Văn học nghệ thuật tổ chức, Ban quản lý CVĐC đã trao đổi, định hướng nội dung sáng tác ảnh với các hội viên Trại sáng tác; hướng dẫn đoàn nghệ sỹ nhiếp ảnh đi thực tế tại các hang động núi lửa để có những tác phẩm ảnh đúng chủ đề, có chất lượng nghệ thuật nhằm bổ sung vào bộ tư liệu ảnh về CVĐC đồng thời trình UBND tỉnh về việc xin chủ trương xây dựng bộ cơ sở dữ liệu ảnh chất lượng cao về CVĐC núi lửa Krông Nô - Đắk Nông.
Về nghiên cứu khoa học, tỉnh Đắk Nông đã đón 3 đoàn khảo sát, nghiên cứu của Hiệp hội Hang động Nhật Bản; Viện khoa học địa chất và khoáng sản phối hợp với đoàn khảo sát đo vẽ hang động quốc tế; Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, thực hiện việc khảo sát thực địa, đo vẽ, hiểu tính đa dạng sinh học và khai quật các di chỉ khảo cổ tại khu vực Hang động núi lửa Krông Nô. Đối với Đề tài "Nghiên cứu, điều tra đánh giá di sản địa chất, xây dựng công viên địa chất khu vực Krông Nô, tỉnh Đắk Nông" được triển khai thực hiện từ tháng 7/2016 do TS. La Thế Phúc - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Địa chất, nghiên cứu viên chính Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam chủ nhiệm đề tài hiện đến nay cũng đang trong quá trình hoàn thiện. Theo dự kiến Đề tài sẽ tiến hành nghiệm thu cấp cơ sở vào tháng 6 và tiến hành nghiệm thu đề tài vào tháng 7 theo đúng hợp đồng đã ký kết.
Hiện nay, đối với việc viết hồ sơ trình UNESCO công nhận CVĐC toàn cầu, Ban quản lý CVĐC đang thống nhất với Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam về phân chia trách nhiệm và thống nhất biểu mẫu các thông tin cần cung cấp để viết hồ sơ, làm cơ sở để BQL CVĐC tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch, giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan triển khai, thực hiện. Bên cạnh đó, BQL CVĐC cũng đã tham mưu UBND tỉnh công văn đề nghị Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam quan tâm, gửi công hàm đến tổ chức UNESCO đề đạt nguyện vọng nộp hồ sơ và gia nhập mạng lưới CVĐC toàn cầu của tỉnh Đắk Nông; tổ chức nhiều chuyến điều tra, khảo sát thực địa, thu thập, tổng hợp thông tin, ý kiến của người dân địa phương về tên gọi các điểm di sản và sưu tầm các truyền thuyết, các nét văn hóa đặc trưng của người dân địa phương.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Ban quản lý Công viên địa chất núi lửa Krông Nô - Đắk Nông phát biểu tại cuộc họp |
Sam Nguyễn