BẢN CAM KẾT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ ĐẦU TƯ

Giao nhiệm vụ chuẩn bị công tác tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (NQTW 7 khóa X)
Ngày đăng 16/05/2018 | 08:36  | View count: 5433

Để đánh giá việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X và chương trình hành động của Tỉnh ủy Đắk Nông về thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X ở các cấp, các ngành trong tỉnh; những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân sau 10 năm (2008 - 2017) thực hiện Nghị quyết trên địa bàn tỉnh; đồng thời đề ra mục tiêu, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp lớn phù hợp cho giai đoạn mới 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh đã yêu cầu các Sở, Ban ngành, UBND các huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan bám sát các nội dung của Nghị quyết Trung ương 7 khóa X (Nghị quyết số 26-NQ/TW), Kết luận số 97-KT/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các quan điểm, chủ trương của Đảng và chánh sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn của nhiệm kỳ Đại hội XI, XII của Đảng để đánh giá nghiêm túc, đúng thực tế, khách quan, rút ra được những mặt đạt được, bài học kinh nghiệm; những mặt chưa đạt được và nguyên nhân; đề xuất những quan điểm mới, chủ trương, cơ chế, chính sách, nhiệm vụ và giải pháp khả thi phù hợp với xu thế thời đại, thực tiễn của địa phương và đất nước trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới.

Nội dung báo cáo tổng kết: thực hiện theo Đề cương báo cáo đính kèm Kế hoạch số 222/KH-UBND ngày 15/5/2018 của UBND tỉnh.

Để đảm bảo tổng kết toàn diện, sâu sắc trên tất cả các mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn, tránh hình thức, đúng kế hoạch có hiệu quả và tiết kiệm. UBND tỉnh yêu cầu các Sở, Ban ngành và các đơn vị có liên quan chỉ đạo, chủ trì đánh giá kết quả thực hiện về những nội dung được giao trong Nghị quyết số 26-NQ/TW của Trung ương, Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP của Chính phủ, những nội dung thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước được giao. Tập trung đánh giá sâu các nội dung, cụ thể:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển các đô thị; sắp xếp, ổn định dân cư; đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn; phát triển nhanh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn; đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động cao các nguồn lực, phát triển nhanh kinh tế nông thôn; nâng cao năng lực phòng chống thiên tai; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, dân cư nông thôn.

Lập dự toán kinh phí tổ chức hội nghị tổng kết Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt.

Chủ trì xây dựng báo cáo chuyên đề: Kết quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp, xây dựng báo cáo tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW trên địa bàn toàn tỉnh.

Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Tập trung các nội dung: về huy động nguồn lực phục vụ đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; rà soát, điều chỉnh cơ cấu đầu tư ngân sách, giảm bớt đầu tư cho các công trình có thể thu hồi vốn để tạo nguồn, tăng đầu tư phát triển cho khu vực nông nghiệp, nông thôn; có cơ chế điều tiết, phân bổ đầu tư ngân sách nhà nước đảm bảo lợi ích của các địa phương có điều kiện phát triển công nghiệp với các địa phương không có điều kiện, nhất là các doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, sử dụng nguyên liệu thu hút nhiều lao động nông nghiệp tại chỗ, doanh nghiệp dịch vụ vật tư, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản cho nông dân; kết quả của các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, kể cả huy động vốn ODA và FDI.

Sở Tài chính:

Việc xây dựng, đổi mới cơ chế, chính sách tài chính, nhất là về thuế, phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân; thí điểm bảo hiểm nông nghiệp; rà soát, giảm thiểu các khoản đóng góp có tính chất bắt buộc đối với nông dân; tăng cường phân cấp thu chi ngân sách cho cấp huyện và xã.

Sở Công thương:

Tập trung những nội dung: Kết quả thực hiện chủ trương về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ ở các vùng nông thôn; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp công nghiệp chế tạo máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu,… phục vụ nông nghiệp; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biên sâu gắn với vùng nguyên liệu và thị trường, đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp; cải tạo và phát triển đồng bộ hệ thống lưới điện, bảo đảm đủ điện phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; nâng cao chất lượng điện phục vụ sinh hoạt của dân cư nông thôn; phát triển thị trường xuất khẩu nông sản.

Sở Tài nguyên và Môi trường:

Tập trung vào các nội dung: về quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai trong nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất phục vụ phát triển nông nghiệp; xây dựng chính sách khuyến khích những tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thành lập công ty, vào các dự án đầu tư, kinh doanh khi có đất bị thu hồi; chính sách giải quyết đất ở, nhà ở, việc làm cho người bị thu hồi đất. Đánh giá kết quả về nội dung thực hiện cơ chế đấu thầu, đấu giá quyền khai thác, sử dụng tài nguyên (đất đai, rừng, tài nguyên nước, …) gắn với việc tăng cường quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên, đa dạng sinh học. Đánh giá về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu ở khu vực nông thôn.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội:

Kết quả thực hiện giải quyết việc làm cho nông dân và chuyển dịch lao động khu vực nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh xuất khẩu lao động, chương trình đào tạo nghề cho nông dân; kết quả thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo; thực hiện các chính sách an sinh xã hội ở nông thôn.

Chủ trì xây dựng báo cáo chuyên đề: Đánh giá về lao động, việc làm, đào tạo nghề, chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn, năng suất lao động trong nông nghiệp; kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Sở Khoa học và Công nghệ:

Kết quả thực hiện nâng cao năng lực nghiên cứu, triển khai, ứng dụng khoa học, công nghệ trong nông nghiệp; chuyển giao khoa học - công nghệ; về ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn, tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuổi và quy trình nuôi trồng, bảo quản, chế biến, tạo đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất; chính sách đãi ngộ thỏa đáng để khai thác, phát huy tổ các nguồn lực khoa học - công nghệ, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn.

Sở Giáo dục và Đào tạo:

Kết quả về nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo các cấp ở nông thôn; kết quả thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp học; đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Trọng tâm đánh giá sâu về các nội dung: kết quả thực hiện chủ trương về phát triển văn hóa, thể thao cho cư dân khu vực nông thôn, phát triển du lịch địa bàn nông thôn; kết quả xây dựng hạ tầng văng hóa (trung tâm, nhà văn hóa - thể thao,…) tại thôn, xã, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; kết quả thực hiện chủ trương về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở nông thôn.

Chủ trì  báo cáo chuyên đề: Xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn, phát huy nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Sở Y tế:

Kết quả việc phát triển hệ thống y tế; chăm sóc sức khỏe phục vụ người dân khu vực nông thôn; phát triển thể chất người Việt, dân cư nông thôn; nâng cấp mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, các trung tâm y tế, các cơ sở y tế chuyên sâu; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám chữa bệnh; kết quả thực hiện tốt chính sách y tế, dân số, chính sách bảo hiểm y tế, giảm tỉ lệ sinh ở nông thôn.

Sở Xây dựng:

Về quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch bố trí lại dân cư nông thôn gắn với phát triển mạng lưới thị trấn, thị tứ theo quy hoạch. Kết quả thực hiện về các chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo và các đối tượng chính sách, xóa nhà tạm, nhà dột nát ở nông thôn.

Sở Giao thông vận tải:

Về phát triển giao thông nông thôn gắn với mạng lưới giao thông quốc gia, bảo đảm thông suốt tới các xã và cơ bản có đường ô tô đến thôn, buôn; phát triển giao thông ở các xã vùng khó khăn để có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng đường giao thông nông thôn; có cơ chế, chính sách đảm bảo duy tu bảo dưỡng thường xuyên, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng trên địa bàn tỉnh.

Sở Nội vụ:

Về đổi mới cơ cấu, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông thôn; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, cải cách hành chính, tăng cường đào tạo nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức xã; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Đánh giá kết quả thực hiện chính sách thu hút thanh niên, trí thức trẻ về nông thôn, nhất là các ngành nông nghiệp, y tế, giáo dục, văn hóa; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Sở Thông tin và Truyền thông:

Tập trung đánh giá sâu các nội dung: Kết quả thực hiện tuyên truyền phổ biến Nghị quyết và chính sách, phát luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về công tác phát triển hệ thống bưu chính viễn thông, đưa Internet về nông thôn; nâng cao khả năng tiếp cận thông tin cho mọi vùng nông thôn, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo; phát triển bưu điện - văn hóa xã; hỗ trợ dịch vụ viễn thông cho vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.

Ban Dân tộc:

Về thực hiện các chính sách đối với cư dân đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn về nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân; đầu tư phát triển y tế, giáo dục, văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội; tình hình hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ sinh kế cho người dân, phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đắk Nông:

Kết quả xây dựng và thực hiện các chính sách nhằm khơi thông nguồn vốn tính dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở nông thôn; chính sách tín dụng phục vụ chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; nâng cao khả năng tiếp cận vốn của các tổ chức kinh tế hợp tác, trang trại, hộ nông dân.

Công an tỉnh:

Kết quả thực hiện chủ trương đấu tranh, ngăn chặn các hành vi tiêu cực, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội; tham gia giải quyết kịp thời các vụ việc khiếu kiện của nhân dân, không để tạo thành những điểm nóng ở nông thôn; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở địa bàn nông thôn.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đề nghị một số đơn vị phối hợp thực hiện, cụ thể:

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh:

Chỉ đạo, chủ trì đánh giá và xây dựng báo cáo về kết quả thực hiện những nội dung được giao trong Nghị quyết số 26-NQ/TW của Trung ương, Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP của Chính phủ, những nội dung thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp. Tập trung các nội dung sau: đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc trong việc tuyên truyền, vân động nhân dân tham gia thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, trong tổ chức cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận tổ quốc các cấp trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện tổng kết Nghị quyết trong hệ thống và thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ tỉnh đến cơ sở.

Đề nghị Hội nông dân tỉnh:

Chỉ đạo, chủ trì đánh giá kết quả thực hiện và xây dựng báo cáo về những nội dung được giao trong Nghị quyết số 26-NQ/TW của Trung ương, Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP của Chính phủ, những nội dung thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao cho Hội nông dân, tập trung những nội dung sau: Kết quả thực hiện Nghị quyết về nội dung chăm lo xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; kết quả thực hiện Nghị quyết về nội dung tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi cho Hội nông dân tỉnh trong việc trực tiếp thực hiện một số chương trình, dự án phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống của nông dân, hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Đề xuất chủ trương, chính sách đưa giai cấp nông dân ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, giải pháp phát huy vai trò của giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và cải thiện sinh kế cư dân nông thôn trong tình hình mới; những vấn đề cần quan tâm đối với giai cấp nông dân trong giai đoạn hiện nay.

Chủ trì xây dựng báo cáo chuyên đề: Xây dựng giai cấp nông dân, nâng cao vai trò chủ thể của nông dân và đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.

Liên minh Hợp tác xã tỉnh:

Kết quả thực hiện Nghị quyết về phát triển các hình thức hợp tác, trọng tâm là hợp tác xã trong nông nghiệp, nông thôn; đổi mới, phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác phù hợp với nguyên tắc tổ chức của hợp tác xã và cơ chế thị trường; hỗ trợ kinh tế tập thể về đào tạo cán bộ quản lý, lao động; tiếp cận các nguồn vốn, trợ giúp kỹ thuật và chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường, xúc tiến thương mại; hợp tác xã tham gia chuỗi các dịch vụ đầu vào, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

* Với các nhiệm vụ được phân công trên, UBND tỉnh cũng đề ra tiến độ cho từng đơn vị thực hiện, tổng hợp báo cáo gửi về UBND tỉnh:

XR