BẢN CAM KẾT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ ĐẦU TƯ

Triển khai Chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Ngày đăng 09/09/2022 | 14:16  | View count: 6444

Sáng ngày 9/9, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.

Đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông, đồng chí Lê Trọng Yên, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì; lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan tham dự.

Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông

Theo đánh giá, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực, thúc đẩy nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập của người dân, với mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn.

Sau hơn 4 năm triển khai, Chương trình OCOP đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ, rộng khắp, được tất cả các địa phương chủ động triển khai một cách hiệu quả và thành công, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới. Đến ngày 31/8/2022, tất cả 63/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm, cả nước đã có 8.478 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 65,4% sản phẩm 3 sao, 33,4% sản phẩm 4 sao, 1,0% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2 % sản phẩm 5 sao. Đã có hơn 4.351 chủ thể OCOP, trong đó có 38,3% là HTX, 26,1% là doanh nghiệp, 33,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Thông qua chương trình, nhiều địa phương đã chủ động phát triển nhóm sản phẩm dịch vụ, du lịch nông thôn và điểm du lịch. Đến nay, cả nước đã có 65 sản phẩm OCOP thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.

Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung triển khai một cách linh hoạt, phù hợp theo hướng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu địa phương. Trong đó, tập trung phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hóa, hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn; đẩy mạnh phát triển sản phẩm chế biến, chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa. Đẩy mạnh hoạt động đào tạo, tập huấn, chú trọng các kỹ năng về tổ chức sản xuất; quản trị; đổi mới, sáng tạo về sản phẩm; quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm; sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị; tiếp thị và phát triển thị trường. Đặc biệt là đổi mới về phương pháp tập huấn, hướng dẫn theo hướng phát triển sản phẩm dựa vào nội lực cộng đồng.

Đối với Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 sẽ tập trung vào 5 nội dung: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, kiến thức, hành động cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ; tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch; người dân, cộng đồng và khách du lịch về phát triển du lịch nông thôn bền vững trong xây dựng nông thôn mới. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn triển khai Chương trình. Xây dựng tài liệu tập huấn về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý du lịch, kiến thức thị trường, kỹ năng về hoạt động du lịch. Tập trung xây dựng các điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn, hình thành các tour, tuyến du lịch nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và 4 bảo vệ môi trường. Tổ chức các sự kiện, lễ hội, diễn đàn giới thiệu và kết nối cung - cầu du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch nông thôn nhằm tạo ra không gian phát triển kinh tế cho khu vực nông thôn và nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng hiệu quả và thực chất hơn. Do đó, đồng chí đề nghị cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch nông thôn giai đoạn 2021-2025 tinh gọn, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với tổ chức triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; bố trí nguồn lực cần thiết từ ngân sách địa phương, lồng ghép các nguồn vốn để tổ chức triển khai thực hiện Chương trình OCOP; hỗ trợ đầu tư hạ tầng, phát triển sản phẩm, điểm du lịch nông thôn; nghiên cứu, xây dựng các chính sách hỗ trợ đặc thù phát triển sản phẩm OCOP, du lịch nông nghiệp, nông thôn phù hợp với định hướng và điều kiện thực tế của địa phương.

Song Nguyên