BẢN CAM KẾT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ ĐẦU TƯ

Công tác phòng, chống tham nhũng không ngừng nghỉ, không có vùng cấm
Ngày đăng 29/04/2022 | 08:09  | View count: 8771

Sáng 27/4, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm các đại biểu: Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Phạm Nam Tiến, Trần Thị Thu Hằng tiếp xúc cử tri thị trấn Đắk Mil trước kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Thị Xuân Trung dự buổi tiếp xúc cử tri.

 

Đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh khẳng định với cử tri, công tác phòng, chống tham nhũng không ngừng nghỉ, không có vùng cấm

Tại buổi tiếp xúc, cử tri thị trấn Đắk Mil đề nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Thời gian qua, việc phòng, chống tham nhũng được Trung ương triển khai mạnh, hiệu quả, tạo được sự đồng tình của dư luận xã hội, củng cố niềm tin trong dân nhưng tình trạng tham nhũng vẫn còn nhiều. Nguyên nhân có thể là do chế tài xử lý còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, nên tồn tại có tư tưởng "hy sinh đời bố, củng cố đời con". Mặt khác, việc kiểm soát nguồn gốc tài sản của cán bộ, đảng viên còn nhiều bất cập, mang tính hình thức, không hiệu quả.

Do đó, Đảng, Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu sửa đổi các quy định của pháp luật làm sao đủ sức răn đe cao, thậm chí phải xử lý nhiều trường hợp tham nhũng ở mức tử hình, đồng thời thu lại toàn bộ tài sản do tham ô, tham nhũng mà có, để đủ sức ngăn ngừa, không dám tham nhũng. Trung ương cũng cần tăng cường chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực  hơn nữa.

Đông đảo cử tri thị trấn Đắk Mil tham dự hội nghị tiếp xúc

Hiện nay, cả nước đang huy động toàn dân trồng rừng, nhưng tình trạng phá rừng tiếp tục diễn ra phức tạp, nhất là trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên xảy ra nhiều vụ việc phá rừng quy mô lớn. Nguyên nhân là luật xử lý còn nhẹ, thậm chí có sự tiếp tay của lực lượng chức năng. Vì vậy, Quốc hội nghiên cứu sửa đổi luật để tạo sự răn đe.

Thị trường bất động sản đang "sốt", giá cao, người thực sự có nhu cầu đất rất khó tiếp cận. Do đó, Nhà nước, chính quyền địa phương cần có giải pháp ngăn chặn, kiểm soát việc đầu cơ đất, để giá đất về đúng với giá thị trường.

Cử tri đề nghị Chính phủ, tỉnh đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số

Cử tri cũng phản ánh, hiện nay giống, phân bón, thuốc trừ sâu giả, kém chất lượng tràn lan, chưa được kiểm soát. Chính phủ cần có giải pháp đẩy mạnh sản xuất phân bón chất lượng, giá cả hợp lý, phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp; đồng thời, tăng cường kiểm soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, buôn bán vật tư nông nghiệp kém chất lượng.

Trung ương, các địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực theo hướng đồng bộ… phục vụ sự phát triển kịp thời, hiệu quả. Trung ương tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Cử tri đề nghị đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng

Bên cạnh đó, cử tri cũng phản ánh, bày tỏ bức xúc đối với các vấn đề của địa phương như: khó khăn trong việc tách giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp; việc thu các khoản trong dân còn nhiều bất cập; người dân mua bảo hiểm y tế nhưng chất lượng, thái độ của nhân viên y tế trong khám chữa bệnh chưa đáp ứng yêu cầu; thị trấn Đắk Mil và nhiều xã lân cận đang đô thị hóa rất mạnh nhưng việc thu gom rác thải chưa đáp ứng nhu cầu.

Cử tri phản ánh những bất cập của địa phương

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh khẳng định: tham ô, tham nhũng, tiêu cực là nguy cơ của đất nước nên công tác phòng, chống là cuộc chiến không ngừng nghỉ và không có vùng cấm. Điển hình, trước tình trạng phá rừng thời gian qua, tỉnh đã tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, với tinh thần không có vùng cấm; nhiều cán bộ, đảng viên của tỉnh, huyện đã bị xử lý, kể cả xử lý hình sự.

Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh đã dồn toàn lực, không để ai bị bỏ lại phía sau. Điều đáng quý là qua đại dịch đã xuất hiện nhiều tấm lòng vàng của người dân, chia sẻ khó khăn với chính quyền, giúp nhau lúc khó khăn.  Với tinh thần vượt khó, quyết tâm cao, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, chia sẻ, đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, Đắk Nông đã thực hiện thành công "mục tiêu kép": phòng, chống, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đạt được những kết quả tích cực, toàn diện và có nhiều điểm sáng.

Đại biểu Phạm Nam Tiến, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội ghi nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri

Một tín hiệu vui, khởi sắc là thời gian qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chủ động kết nối, mời gọi, gặp gỡ, làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đến khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh. Các nhà đầu tư đã đề xuất, cam kết sớm triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh với số vốn rất lớn. Trong thu hút đầu tư, tỉnh chú trọng vào chế biến sâu và sử dụng lao động là con em người địa phương để giải quyết việc làm.

Đặc biệt, Chính phủ đã đồng ý thực hiện xây dựng đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước). Hai tỉnh Đắk Nông và Bình Phước đã bắt tay, nỗ lực thực hiện để khoảng 2-3 năm nữa sẽ có đường cao tốc. 

Chia sẻ những ý kiến của cử tri liên quan đến bất cập trong quá trình thực hiện Luật Đất đai, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Ngô Thanh Danh cho biết, thời gian qua tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra nhiều giải pháp ngăn chặn cũng như xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng kẽ hở của luật để đầu cơ đất đai, phân lô bán nền... Sắp tới khi sửa đổi luật, Đoàn ĐBQH sẽ tiếp tục có ý kiến, kiến nghị tại diễn đàn Quốc hội.

Theo Báo Đắk Nông Điện tử