BẢN CAM KẾT HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP VÀ NHÀ ĐẦU TƯ
Những ngày tháng Bảy, cả nước lại lặng mình tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã hi sinh cho ngày hòa bình, độc lập và tri ân cho người trở về sau đạn bom khói lửa, gửi lại một phần máu xương nơi chiến trường để bảo vệ bình yên cho Tổ quốc, cho Nhân dân. Chiến tranh đã lùi xa nhưng hình ảnh các anh vẫn sống mãi trong lòng đất mẹ, sống mãi trong các thế hệ chúng ta hôm nay và mai sau. Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông ngày nay, một trong những di tích lịch sử ghi dấu ấn sâu đậm với những trận đánh oanh liệt và cũng chứa đựng những đau thương, mất mát của một thời binh lửa, đó là di tích Đồi 722- Đắk Sắk.
Ngược dòng lịch sử, vào tháng 5 năm 1965, Mỹ - ngụy thiết lập trại lực lượng đặc biệt Đức Lập (Camp Duc Lap) cách trung tâm quận Đức Lập (tỉnh Quảng Đức cũ) khoảng 10km về hướng Đông, nhằm tăng cường lực lượng và gia tăng các hoạt động quân sự hòng khống chế một bộ phận quan trọng địa bàn Nam Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và vùng biên giới Campuchia; ngăn chặn tuyến chi viện của miền Bắc vào chiến trường miền Nam qua đường Hồ Chí Minh - Đoạn nam Tây Nguyên đến đông Nam Bộ trên địa bàn tỉnh Quảng Đức. Tại cứ điểm này, địch xây dựng các công sự kiên cố, chướng ngại vật dày đặc với 12 lớp hàng rào, lớp cao tới 2,5m, hàng rào vướng chân cao 0,4m rộng tới 5m. Phía bên trong là tường đất có ụ chiến đấu, hào sâu cắm chông, gài mìn; bố trí đường giao thông cho phương tiện cơ giới đi tuần tra, giám sát. Lực lượng địch bố trí 01 tiểu đoàn thuộc sư đoàn 23 của ngụy, được trang bị quân trang, vũ khí hiện đại; các công sự, nhà ở bố trí khoa học, xây dựng kiên cố: nhà chỉ huy, nhà cố vấn, khu gia binh, khu để xe, nhà máy điện, kho đạn, kho xăng... đều có hàng rào phân khu để ngăn cản sự tấn công của bộ đội ta.
Để đối phó với âm mưu, thủ đoạn của địch, trong giai đoạn 1968-1975, bộ đội ta đã tổ chức nhiều trận đánh vào cứ điểm này. Các trận đánh của bộ đội chủ lực vào Đức Lập trong suốt chặng đường lịch sử (1968 - 1975) mà nòng cốt là tiêu diệt cứ điểm quân sự Đắk Sắk có vai trò hết sức quan trọng: một mặt tiêu hao sinh lực địch, một mặt xóa sổ hệ thống đồn bốt đang án ngự phá hoại đường Hồ Chí Minh trên chiến trường nam Tây Nguyên. Tiêu biểu như trận đánh bắt đầu từ ngày 23/8/1968, Tiểu đoàn 20 đặc công Tây Nguyên nhận nhiệm vụ tập kích đánh chiếm quận lỵ Đức Lập, do đồng chí Cao Viết Xuân – Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Trọng Kính – chính trị viên chỉ huy, kết quả, sau gần 10 ngày đêm chiến đấu, ta tiêu diệt hơn 300 tên, trong đó có 60 lính Mỹ; đánh thiệt hại 16 đại đội, thu nhiều quân trang, vũ khí. Tuy nhiên, do thông tin chậm, lại chưa được chi viện lực lượng và tiếp tế lương thực kịp thời nên ta chỉ chống trả và cầm cự được trong 3 ngày. Trong trận chiến quyết tử đầy khốc liệt này, gần 200 cán bộ, chiến sĩ của ta hy sinh tại Đồi 722, địch tái chiếm cứ điểm này. Tuy trận đánh với sự mất mát đau thương, nhưng về cơ bản, chiến thắng này đã góp phần đẩy mạnh khí thế tiến công và nổi dậy của toàn chiến trường miền Nam, làm phá sản chiến lược "chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ, làm lung lay ý chí xâm lược của chúng, buộc chúng phỉ xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán bốn bên tại Hội nghị pari.
Ngày 02/9/1968, Tư lệnh tiền phương giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 20, tiếp tục tiêu diệt trận địa pháo Đắk Sắk để tạo điều kiện thuận lợi cho tuyến hành lang Quảng Đức hoạt động xuyên suốt. Trong ngày 05-06/9/1968, đã xoá sổ hoàn toàn trận địa pháo Đắk Sắk của địch và hành quân về nơi tập kết. Trong trận này, toàn bộ lực lượng địch khoảng hơn 200 tên đã bị diệt gọn, nhiều nhà bạt và công sự chiến đấu của địch bị phá huỷ, ta hy sinh 11 đồng chí (đồng chí Trần Trọng Thể và đồng chí Thù biệt động của tỉnh Đắk Lắk tăng cường đã anh dũng hy sinh) .
Đặc biêt, lúc 05 giờ 55 phút, ngày 09/3/1975, Sư đoàn 10 bộ binh, bộ đội chủ lực Tây Nguyên nổ súng tấn công tuyến phòng thủ Đức Lập. Với cách đánh táo bạo, bỏ qua tuyến phòng ngự vòng ngoài của lực lượng bảo an, dân vệ, tập trung lực lượng đánh thẳng vào mục tiêu chủ yếu. Chỉ hơn 03 giờ tấn công, Trung đoàn 66 bộ binh của ta chiếm căn cứ Sư đoàn 23 của địch, trung đoàn 28 chiếm Núi Lửa. Sau gần hai ngày chiến đấu, Sư đoàn 10 đã đập tan tuyến phòng thủ tây nam Buôn Ma Thuột, tiêu diệt một tiểu đoàn bộ binh, một tiểu đoàn bảo an, bắt hơn 100 tên địch (trong đó có Trung tá Quận trưởng Đức Lập), thu 14 pháo lớn và 20 xe tăng thiết giáp, xe bọc thép, giải phóng một khu vực rộng lớn với hàng chục nghìn dân. Chiến dịch ngày 9/3/1975 tại quận Đức Lập - Đắk Sắk thắng lợi góp phần làm tăng thêm khí thế chiến đấu của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân; làm lung lay ý chí xâm lược và báo hiệu sự sụp đổ các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ trên chiến trường nam Tây Nguyên. Thắng lợi này đã khẳng định được sự trưởng thành của lực lượng cách mạng Việt Nam trên chiến trường Nam Bộ, sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; ý chí kiên cường, bất khuất của quân, dân với tinh thần quyết thắng; góp phần động viên, mài sắc ý chí chiến đấu của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, làm tiến đề tiến về giải phóng Buôn Ma Thuột (10/3/1975), thị xã Gia Nghĩa (23/3/1975), mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975).
Sau ngày giải phóng, để tưởng nhớ sự hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sĩ ta tại Đồi 722 - Đắk Sắk nói riêng, tỉnh Đắk Nông đã lập Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại thôn Thọ Hoàng 4, xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil. Với ý nghĩa lịch sử hào hùng của di tích, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 4063/QĐ-BVHTTDL, ngày 24/10/2012 công nhận địa điểm chiến thắng Đồi 722- Đắk Sắk là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Trong những năm qua, với đạo lý uống nước nhớ nguồn, chính quyền địa phương đang tiến hành công tác tôn tạo, phục dựng, nhằm xây dựng nơi đây trở thành điểm nhấn về nguồn, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, tri ân công lao và những hy sinh to lớn của các bậc cha anh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Địa điểm chiến thắng Đồi 722 - Đắk Sắk |
Nơi đây đã, đang và sẽ trở thành dấu tích lịch sử có ý nghĩa trọng đại trong giáo dục truyền thống, ý thức chính trị cho thế hệ trẻ, tri ân công lao to lớn của các bậc cha anh. Là một trong những mốc son lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Đắk Nông; khẳng định lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất và sự hy sinh cao cả của những người chiến sĩ cách mạng đã không tiếc máu xương hi sinh thân mình cho sự nghiệp độc lập, tự do của Tổ quốc, của Nhân dân.
Phạm Lục (BTGTU)