KINH TẾ - XÃ HỘI

Hiệu quả từ dự án “Ngân hàng bò” tại xã biên giới Đắk Wil
06/12/2018 | 15:03  | View count: 13478

Đắk Nông là một tỉnh miền núi nghèo nằm trọn trên cao nguyên M'Nông ở phía Nam Tây Nguyên, được thành lập vào ngày 01/01/2004. Với địa hình đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn; đời sống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn và thiếu thốn; thiên tai, mất mùa thường xuyên xảy ra, hậu quả kéo theo là dịch bệnh nguy hiểm hoành hành, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân, làm cho đời sống nhân dân trong tỉnh vốn đã khó khăn lại chồng chất khó khăn, đặc biệt đối với những hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu - vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh. Chính vì lẽ đó mà nhiều năm qua, tỉnh Đắk Nông đã được hưởng nhiều chương trình hỗ trợ của Nhà nước để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân. Trong đó, dự án "Ngân hàng bò" đã và đang mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, ý nghĩa, góp phần trực tiếp vào kết quả giảm nghèo tại địa phương.

Dự án "Ngân hàng bò" được triển khai trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vào năm 2014 tại 04 huyện: Tuy Đức, Đắk Song, Đắk Mil và Cư Jút. Theo đó, hộ nghèo sẽ được trao tặng một con bò giống, sau khi nuôi, nếu đẻ lứa đầu là bê cái thì hộ đó tiếp tục chăm sóc bê con đến 6 tháng tuổi, sau đó sẽ chuyển giao con bê này cho hộ nghèo khác nuôi, hộ nuôi ban đầu được sở hữu bò giống. Chu trình này cứ tiếp tục như vậy, đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều hộ nghèo khác được trợ giúp. Trong trường hợp bò giống đẻ lứa đầu là bê đực, hộ nuôi chăm sóc cho đến biết ăn, Hội Chữ thập đỏ xã sẽ bán con bê đực đó và mua một con bò cái trao cho hộ nghèo khác nuôi.  

Gia đình bà Trương Thị Chiên ở thôn 9, xã Đắk Wil, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông được biết đến là một hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn của xã bởi tuổi cao, sức khỏe yếu, thu nhập thấp, điều kiện kinh tế gia đình hết sức khó khăn. Nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện để gia đình bà Chiên có tư liệu sản xuất vươn lên thoát nghèo, năm 2014, sau khi xét đề nghị từ chính quyền địa phương, Hội chữ thập đỏ Trung ương và huyện đã triển khai hỗ trợ số tiền 10 triệu đồng (Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hỗ trợ 8 triệu đồng, Hội Chữ thập đỏ huyện hỗ trợ 2 triệu đồng), gia đình bà Chiên đã mua được một con bò giống sinh sản. Việc nhận nguồn vốn hỗ trợ mua bò giống từ dự án "Ngân hàng bò" đã tiếp thêm động lực cho gia đình bà nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Bà Chiên chia sẻ: "Từ khi nhận hỗ trợ một con bò, gia đình tôi rất phấn khởi và tích cực chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển kinh tế gia đình. Khi con bò sinh ra một con bê cái đầu tiên, gia đình tôi đã chuyển giao cho một hộ nghèo như tôi. Đến nay, con bò nhà tôi cũng đang chuẩn bị sinh lứa tiếp theo. Gia đình tôi rất biết ơn chính sách của Đảng, chính quyền các cấp và Hội Chữ thập đỏ đã quan tâm tới gia đình tôi".

Bà Trương Thị Chiên (thôn 9, xã Đắk Wil, huyện Cư Jút) đang chăm sóc bò được hỗ trợ từ dự án "Ngân hàng bò"

Qua trao đổi với ông Đinh Văn Vĩnh - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Đắk Wil, chúng tôi được biết, xã Đắk Wil được cấp 10 con bò giống cho 10 hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đến nay, số lượng đàn bò đã tăng lên 17 con, trong đó có 1 con bò sau khi chuyển cho hộ hưởng lợi thứ 2 đã sinh sản thêm 1 con bê, dự kiến sẽ được trao cho hộ gia đình khác vào đầu tháng 12/2018. Đây cũng là sự chia sẻ, động viên rất lớn của cộng đồng với sự nỗ lực vượt khó vươn lên của các hộ gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Dự án "Ngân hàng bò" đã và đang được triển khai một cách toàn diện không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực cho các hộ nghèo mà còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó là sự sẻ chia, chung tay góp sức của cả cộng đồng với tinh thần tương thân tương ái từng bước góp phần giảm nghèo, tạo điều kiện để người nghèo phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Hy vọng, trong thời gian tới, sẽ có nhiều bò giống sinh sản được trao cho các hộ nghèo để dự án "Ngân hàng bò" ngày càng lan tỏa sâu, rộng trong toàn tỉnh.

Nguyễn Thị Quyết