KINH TẾ - XÃ HỘI

Người phụ nữ Ê đê tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm
02/11/2017 | 07:38  | View count: 4880

Đó là chị H’Đă Êya, người Ê đê hiện ở buôn Nui, xã Tâm Thắng (huyện Chư Jút, tỉnh Đắk Nông). Hơn 35 năm qua, chị H’ Đă không nhớ nổi mình đã dệt bao nhiêu cái váy, áo, khăn, khố, nhưng có một điều chị luôn tâm niệm, là phải truyền lại nghề cho thế hệ mai sau.

 

Chị H'Đă Êya ở buôn Nui, xã Tâm Thắng (Chư Jút) hàng ngày vẫn chăm chỉ bên khung cửi để dệt nên những tấm thổ cẩm đầy màu sắc

Đến với nghề bằng niềm đam mê

Chị H'Đă cho biết: "Năm 1983, lúc đó tôi mới 16 tuổi thì được mẹ truyền nghề. Ban đầu, tôi chưa ý thức được nhiều nên chỉ nghĩ học cho vui. Đến năm 20 tuổi, tôi bắt đầu cho ra sản phẩm đầu tiên là những chiếc khăn. Được mẹ và gia đình động viên khích lệ, tôi tiếp tục hoàn thành các sản phẩm khó hơn như váy, áo, chăn, khố… và dần trở thành niềm đam mê!".

Trải qua 35 năm say mê với nghề, đến nay chị H'Đă đã có thêm nhiều kinh nghiệm cho riêng mình theo kỹ thuật dệt thổ cẩm của người Ê đê lấy nền màu đen làm chủ đạo. Tất cả các hình ảnh của đất, trời và con người Tây Nguyên được kết hợp hài hòa để dệt lên những tấm thổ cẩm. Tất cả tạo nên vẻ đẹp vừa phóng khoáng vừa uyển chuyển, hòa quyện với thiên nhiên nơi đại ngàn.

Không chỉ đẹp mắt, mỗi trang phục thổ cẩm còn chứa đựng cả những câu chuyện văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của người Ê đê đã được truyền qua nhiều đời và thế hệ sau như chị tiếp tục lưu giữ và phát huy cho phù hợp với sở thích và hoàn cảnh, điều kiện sống hiện tại.

Nói về việc lưu giữ những kỹ thuật dệt thổ cẩm xưa và "cách tân" cho phù hợp với cuộc sống hiện tại, chị H'Đă cho biết: "Tôi chọn 5 màu cơ bản là đen, đỏ, tím, xanh nước biển và xanh lá cây để dệt lên váy, chăn, áo. Trên các sản phẩm còn kết hợp với hoa, lá, cỏ, cây và một vài con vật tạo nên những hoa văn, họa tiết đặc trưng của người Ê đê. Những họa tiết này tạo nên cái riêng, cái mới so với sản phẩm truyền thống trước kia. Tùy vào loại sản phẩm là khăn, áo, váy, túi, chăn hay khố và phần trang trí họa tiết cầu kỳ hay đơn giản sẽ được thiết kế, bố cục ngay từ đầu để sản phẩm hoàn thành mang nét đặc trưng riêng".

Nhờ những kỹ thuật đó, chị H'Đă đã đem các sản phẩm thổ cẩm do mình dệt tham gia hội thi do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức vào các năm 2009, 2013, 2017 và luôn đạt các giải cao.

Sản phẩm thổ cẩm do chị H'Đă Êya ở buôn Nui, xã Tâm Thắng (Chư Jút) dệt được nhiều người ưa thích

Tích cực truyền nghề cho chị em

Theo chị H'Đă, dệt thổ cẩm mất rất nhiều thời gian. Sản phẩm đơn giản nhất cũng mất vài ngày và lâu nhất như cái khố, váy, áo, chăn thì đến vài tháng. Mất nhiều thời gian để làm ra sản phẩm, nhưng giá bán cũng không cao lắm.

Tuy nhiên, khi nói về nghề dệt, chị H'Đă tâm sự: "Được ngồi bên khung dệt là đam mê, sở thích của tôi. Tôi cũng đã vận động chị em trong buôn tham gia học nghề. Thời gian qua, khi các cấp, các ngành tổ chức lớp, tôi đều được mời làm giảng viên để truyền nghề dệt thổ cẩm cho các học viên. Bình quân mỗi năm, tôi trực tiếp tham gia truyền nghề được 3 lớp, mỗi lớp khoảng 30-40 học viên là chị em ở trong tỉnh. Ngày nay, mặc dù đa số đồ dùng, đồ may mặc chủ yếu bà con mua từ các sản phẩm công nghiệp, nhưng vẫn còn không ít người thích hàng thổ cẩm để dùng hàng ngày, nhất là trong dịp lễ hội. Vì vậy, sau mỗi lớp học, tôi chủ động vận động các chị thành lập tổ, nhóm nghề truyền thống để hoạt động cho đạt hiệu quả cao. Các chị đã làm ra được các sản phẩm cho riêng mình hoặc phục vụ gia đình, buôn làng và khách du lịch. Sản phẩm của các học viên làm ra đã được tôi hỗ trợ tiêu thụ hết".

Có thể nói, với chị H'Đă, nghề dệt thổ cẩm không chỉ tạo được niềm vui, góp phần giữ gìn, giới thiệu văn hóa truyền thống của dân tộc mà còn có thêm thu nhập cho gia đình. Hiện tại, có tháng chị H'Đă thu nhập được 3-4 triệu đồng, còn các "học trò" của chị cũng có thu nhập từ 1-3 triệu đồng/tháng từ nghề dệt thổ cẩm.

Chị H'Đă khẳng định: Với tính chất công việc nhẹ nhàng, chủ yếu đòi hỏi sự khéo léo, tính kiên trì, nhẫn nại nên khi ngồi trên khung dệt, chị em vừa có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, vừa có thể trao đổi những kinh nghiệm, kỹ năng xây dựng gia đình và cuộc sống. Từ đó, ngày càng có nhiều chị em đến với nghề và đây là một giá trị to lớn mà nghề dệt thổ cẩm mang lại.

Theo Đăk Nông Online