TIN TỨC - SỰ KIỆN

Tái cơ cấu nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu
12/06/2018 | 08:32  | View count: 4806

Tại Đắk Nông những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra theo chiều hướng xấu, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, theo đánh giá của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Đắk Nông thì trong 3 năm gần đây, điều kiện thời tiết trên địa bàn tỉnh có những thay đổi bất thường so với trước, nhiệt độ các tháng trong năm, mùa khô và mùa mưa không còn tuân theo quy luật chung như những năm trước. Mùa mưa đang có xu hướng đến muộn như năm 2015, có năm đến sớm như năm 2017, làm hầu hết diện tích điều trên địa bàn toàn tỉnh gần như mất trắng.

Những đợt mưa không diễn ra với mật độ và lưu lượng lớn như mọi năm, mùa mưa ngắn hơn, lượng mưa ít hơn. Tiếp đó là hạn hán diễn ra cục bộ tại nhiều nơi. Vụ đông xuân 2015-2016, tổng diện tích cây trồng bị hạn là 23.055,93 ha. Mùa vụ xuống giống vụ hè thu cũng có sự thay đổi rõ rệt giữa các huyện trong tỉnh, có nơi cách biệt từ 1-2 tháng như Tuy Đức, Cư Jút. Khí hậu nóng, ẩm hầu hết các tháng trong năm là điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh và côn trùng gây hại tồn tại, phát triển mạnh làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng và vật nuôi. Trước thực tiễn đặt ra về hội nhập cũng như biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp Đắk Nông đang tập trung đẩy mạnh công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cây trồng vật nuôi và xây dựng các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả hơn, hướng đến việc sản xuất bền vững, nâng cao giá trị gia tăng cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Với điều kiện tự nhiên phù hợp đối với nhiều giống cây trồng nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, những năm qua, Đắk Nông luôn xác định cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, đưa những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, coi đó là cơ sở quyết định để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng cà phê kém hiệu quả sang trồng loại cây khác cho hiệu quả kinh tế cao hoặc tái canh những diện tích cà phê cằn cỗi này một cách đồng bộ. Các loại cây được trồng thay thế như cây quýt đường, chè, cây dâu tằm, cây ổi, cây có múi, cây dược liệu, các loại nấm,… được chú trọng đầu tư cả về số lượng, có đầu ra ổn định, phù hợp với nhu cầu thị trường, lợi nhuận người dân tăng cao hơn nhiều so với các cây trồng truyền thống không phù hợp. Riêng cây cà phê, tính đến tháng 12/2016, diện tích cà phê được tái canh hơn 8.784,17 ha. Thực tế cho thấy, giá trị sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp ở tỉnh tăng trưởng liên tục trong giai đoạn 2010 – 2016 (giá so sánh 2010). Năm 2011, tốc độ tăng trưởng trên 10%. Các năm 2012-2016 tăng từ 4,0- 8,0%/năm. Trong cơ cấu ngành, lĩnh vực trồng trọt tăng trưởng 15,9% vào năm 2011; các năm tiếp theo tăng trưởng khoảng 2,89 – 7,44%.  Lĩnh vực chăn nuôi tăng khá nhanh và ổn định trong khoảng 6,59 - 33,88%, trong suốt giai đoạn 2011- 2016. Đặc biệt, năm 2017, tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp đạt 5,99%; tổng giá trị gia tăng (giá 2010) đạt 7.844 tỷ đồng; cơ cấu ngành Nông nghiệp chiếm 49,25% GRDP toàn tỉnh.

Cánh đồng ngô chuyển đổi gen tại xã Buôn Choáh (Krông Nô)

 

Áp dụng khoa học kỹ thuật

Cùng với sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng, hàm lượng khoa học công nghệ đã xuất hiện hầu như ở các khâu trong chuỗi sản phẩm nông nghiệp của nông dân, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch đã được hình thành. Số lượng các cơ sở được cấp chứng nhận nông nghiệp tốt (VietGAP) ngày càng tăng. Được biết, từ năm 2013-2018, Sở Nông nghiệp và PTNT đã hỗ trợ được 20 cơ sở sản xuất áp dụng Quy trình thực hành sản xuất VietGAP, 01 cơ sở chế biến áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến, đảm bảo ATTP theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN 01-09:2009/BNNPTNT, tập trung ở các mặt hàng như rau, quả,… Ngoài ra, còn rất nhiều sản phẩm chủ lực khác của tỉnh như cà phê, tiêu,… đang trong quá trình xây dựng thương hiệu, áp dụng kỹ thuật công nghệ trong các khâu sản xuất, hình thành các vùng sản xuất nông sản sạch, xây dựng thí điểm chuỗi kiểm soát chất lượng nông sản an toàn, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo lợi nhuận phù hợp cho người nông dân, an toàn cho người tiêu dùng và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Mặt khác, nhờ sự tuyên truyền sâu rộng của các ngành, địa phương, người nông dân đã ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng các bộ giống cây trồng, vật nuôi phù hợp tình hình biến đổi khí hậu và phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng, sử dụng phân bón và các vật liệu phân bón mới, các loại phân bón hữu cơ, phân sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thay đổi thói quen canh tác truyền thống bằng canh tác bền vững và thân thiện với môi trường mang tính bền vững. Có một số mô hình, trang trại nông nghiệp đã áp dụng thành công đạt hiệu quả cao như: Chế biến cà phê ướt của Doanh nghiệp Bốn Hiệp, huyện Đắk Mil cho doanh thu 27 tỷ đồng; nuôi heo giống chất lượng cao tại HTX Đồng Tiến, huyện Đắk R'lấp, doanh thu 24 tỷ đồng... Giá trị sản xuất trên 1 ha đất trồng trọt của tỉnh tăng từ 34,91 triệu đồng năm 2010 lên 75 triệu đồng năm 2015; năm 2016 đạt trên 77 triệu đồng/ha. Đắk Nông phấn đấu, đến năm 2020, bình quân giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha đất, đạt khoảng 140 triệu đồng; mỗi ngành hàng chủ lực ở mỗi huyện, thành lập 1 hợp tác xã làm đại diện để liên kết với các doanh nghiệp. Tỉnh sẽ hình thành 13 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Dự kiến, giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đóng góp từ 7-10% trong giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh...

Thời gian tới, tỉnh sẽ rà soát, quy hoạch và đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình thủy lợi, củng cố lại đê bao, hồ đập chứa nước nhỏ, kênh tiêu nước tại các vùng ngập úng; Tăng độ che phủ của rừng thông qua các hình thức: Trồng mới rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, hạ nguồn, quản lý bảo vệ tốt các rừng đặc dụng, rừng nghèo; Tiếp tục nghiên cứu các tiến bộ kỹ thuật mới, nhất là năng suất, chất lượng cao để ứng dụng rộng rãi vào sản xuất. Mặt khác, sẽ định hướng thị trường tiêu thụ nông sản ngắn hạn, dài hạn để xây dựng kế hoạch sản xuất thích hợp, đạt hiệu quả cao nhất; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi trên các vùng quy hoạch được duyệt; chuyển đổi dần phương thức chăn nuôi nhỏ, phân tán sang chăn nuôi theo hướng trang trại gắn với công nghiệp hóa; Hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm gắn với bảo vệ môi trường và an toàn sinh học; Xây dựng, nâng cấp cơ sở sản xuất và dịch vụ con giống trong chăn nuôi thủy sản nhằm chủ động nguồn giống tốt để bảo đảm mùa vụ sản xuất, chất lượng con giống, phòng, tránh dịch bệnh; Ðẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao, sản xuất, ươm, dưỡng giống trên địa bàn, chọn tạo được những giống nuôi mới, vừa có giá trị kinh tế cao, vừa có khả năng thích ứng điều kiện thời tiết khắc nghiệt; Tiếp tục xây dựng các mô hình thích ứng biến đổi khí hậu như nuôi xen ghép, nuôi luân canh, nuôi an toàn sinh học, ứng dụng các quy trình nuôi thân thiện môi trường, nuôi theo VietGAP.

Nguyễn Mai