TIN THẾ GIỚI

Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua
26/09/2017 | 10:34  | View count: 2809

Khóa họp cấp cao thứ 72 Đại hội đồng Liên hợp quốc; Hội nghị lần thứ 11 các Quan chức cao cấp APEC về quản lý thiên tai; Biểu tình phản đối phân biệt sắc tộc ở Mỹ; Căng thẳng phe phái tại Palestine được tháo gỡ; Động đất kinh hoàng tại Mexico; Triều Tiên đe dọa thử bom H trên Thái Bình Dương...là một số sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.

Khóa họp cấp cao lần thứ 72 Đại hội đồng Liên hợp quốc (Ảnh TTXVN)

Khóa họp cấp cao thứ 72 của Đại hội đồng Liên hợp quốc

Ngày 19/9, tại trụ sở Liên hợp quốc tại New York (Mỹ), khóa họp cấp cao thứ 72 của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã khai mạc với chủ đề "Chú trọng vào con người - Phấn đấu vì hòa bình và cuộc sống có phẩm giá cho tất cả mọi người trên một hành tinh bền vững".

Khóa họp nêu rõ những thách thức lớn mà thế giới đang phải đối mặt, liên quan tới các vấn đề an ninh, hòa bình, phát triển và nhân văn. 7 mối đe dọa đã được Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nêu bật là: Vũ khí hạt nhân; chủ nghĩa khủng bố; xung đột; biến đổi khí hậu; bất bình đẳng; an ninh mạng; làn sóng di cư.

Trong bối cảnh ấy, việc cải tổ mạnh mẽ Liên hợp quốc đã trở thành vấn đề ưu tiên trong chương trình nghị sự của kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc năm nay. Cộng đồng quốc tế đạt đồng thuận cao về mục tiêu cải tổ Liên hợp quốc nhằm thúc đẩy vai trò trung tâm của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này. Nhưng cách thức cải tổ vẫn tiếp tục gây tranh cãi. Mặc dù đã có 128 nước ký vào tuyên bố chính trị gồm 10 điểm của Mỹ ủng hộ các nỗ lực cải tổ của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, thì đến nay Nga và Trung Quốc lại chưa tham gia. Phía Nga cho rằng những đề xuất của Mỹ về việc cải tổ Liên hợp quốc là một bước tiến hướng tới trật tự thế giới đơn cực, giảm thiểu vai trò của Liên hợp quốc trong cấu trúc của thế kỷ XXI, và Nga không ủng hộ điều này.

Ngày 22/9/2017, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự phiên Thảo luận cấp cao tại khóa họp và ký Hiệp ước Cấm Vũ khí Hạt nhân. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chia sẻ quan điểm của Việt Nam về các vấn đề nổi cộm hiện nay đối với thế giới và Liên hợp quốc, những đóng góp quan trọng của Việt Nam vào việc giải quyết các vấn đề này. Phó Thủ tướng nêu bật ý nghĩa quan trọng của việc Việt Nam chính thức trở thành thành viên Liên hợp quốc ngày 20/9/1977, cách đây 40 năm, nhấn mạnh đây là dấu mốc quan trọng để nước Việt Nam độc lập, thống nhất bước vào hội nhập và phát triển, trở thành một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đóng góp vào các mục tiêu cao cả của Liên hợp quốc là hoà bình, an ninh và phát triển.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ việc duy trì hoà bình luôn là ưu tiên hàng đầu, đòi hỏi các nước phải tăng cường hợp tác, cùng nhau thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và Liên hợp quốc phải là trung tâm điều phối và gắn kết các nỗ lực chung nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu, xây dựng một hệ thống các quy tắc, chuẩn mực ngày một toàn diện với một cơ chế bảo đảm sự khách quan, công bằng và bình đẳng. Phó Thủ tướng đề nghị các nước cần đặt lợi ích của người dân vào vị trí trung tâm của mọi chính sách và hành động để thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và bảo đảm được cuộc sống tốt đẹp cho mọi người dân; nhấn mạnh các nước đang phát triển cần được bảo đảm có điều kiện thuận lợi hơn, có nhiều nguồn lực hơn nữa để thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ luật pháp quốc tế là nền tảng quan trọng đối với trật tự và sự ổn định trong quan hệ quốc tế, hoà bình cần được bảo đảm bằng luật pháp; kêu gọi tăng cường các hành động phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc để ngăn ngừa, giải quyết hoà bình các xung đột và tranh chấp. Về Biển Đông, Phó Thủ tướng kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý trên cơ sở luật pháp quốc tế, thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC) có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cũng nêu bật thành tựu và đóng góp của Việt Nam trong quá trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đặc biệt trong vai trò chủ nhà APEC 2017, thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014 - 2016, Hội đồng Kinh tế - Xã hội nhiệm kỳ 2016 - 2018 và hiện đang ứng cử làm uỷ viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, tích cực triển khai Nghị sự 2030 về phát triển bền vững, Thoả thuận Pa-ri về biến đổi khí hậu, tham gia các hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc.

Cùng ngày, tại Trụ sở Liên hợp quốc, thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã ký Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân.

Hội nghị lần thứ 11 các Quan chức cao cấp APEC về quản lý thiên tai

Trong hai ngày, 21 và 22/9, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, đã diễn ra Hội nghị lần thứ 11 các Quan chức cao cấp APEC về quản lý thiên tai. Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phối hợp với Ủy ban Quốc gia APEC 2017 và UBND tỉnh Nghệ An tổ chức trong khuôn khổ các hoạt động của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam năm 2017.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương có nền kinh tế năng động và đầy bản sắc văn hóa, đang hướng tới mục tiêu phát triển hòa bình và thịnh vượng, nhưng cũng là khu vực hứng chịu nhiều rủi ro thiên tai nhất. Trong đó, Việt Nam là một trong những nền kinh tế thường xuyên phải hứng chịu nhiều đợt thiên tai, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Việc tổ chức Hội nghị lần thứ 11 các Quan chức cao cấp APEC về quản lý thiên tai tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, là cơ hội để Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong phòng chống thiên tai, học hỏi kinh nghiệm quý báu từ các nền kinh tế thành viên, đồng thời nâng cao năng lực quản lý rủi ro thiên tai không chỉ của Việt Nam mà của cả các nền kinh tế APEC.

Trong những ngày diễn ra Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ thông tin về những hoạt động khoa học công nghệ nhằm giảm thiểu tác động của thiên tai "bình thường mới". Hoạt động kinh tế càng phát triển thì rủi ro do thiên tai gây ra có thể càng lớn, nhất là ở những nền kinh tế có sự phát triển thiếu đồng bộ về nhiều mặt. Vì thế, công tác giảm thiểu thiệt hại thiên tai cần có kế hoạch tổng thể, được xây dựng trên các thông tin đa chiều; hoạt động về phòng, chống thiên tai cũng cần được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành và từng địa phương.

Những chia sẻ từ các đại biểu từ Văn phòng Liên hợp quốc về Giảm nhẹ rủi ro thiên tai (UNISDR), từ Philippines, Nhật Bản và Việt Nam trong vấn đề giảm thiểu rủi ro thiên tai cho thấy nhu cầu cấp thiết trong việc phát triển các công cụ hỗ trợ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và khoa học công nghệ, đặc biệt cần ưu tiên trong dự báo, cảnh báo và quản lý thiên tai tổng hợp. Theo chia sẻ của đại diện Văn phòng UNISDR, thiệt hại về thiên tai liên quan đến nước chiếm trên 90%, do vậy, cần có những hướng ứng phó phù hợp để giảm thiểu thiệt hại do nước gây ra.

Các đại biểu đã nhất trí việc thực hiện các hoạt động giảm thiểu thiên tai không thể thực hiện đơn lẻ, cần phải lồng ghép trong bối cảnh đảm bảo phát triển bền vững. Do vậy, 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc không thể đạt được nếu không ngăn ngừa được rủi ro thiên tai. Tuy nhiên, phát triển kinh tế không được gây thêm những rủi ro mới; đồng thời, cần có những công cụ, các lớp đào tạo tập huấn để nhận diện và ngăn ngừa thiên tai. Ngoài ra, cần ưu tiên đầu tư giảm nhẹ rủi ro thiên tai, tăng cường các hoạt động chuẩn bị ứng phó với thiên tai, trong đó cần tăng cường vai trò và thúc đẩy sự tham gia, đầu tư của khối tư nhân để tạo mối liên hệ khăng khít giữa các cơ quan chính phủ, các cơ sở nghiên cứu, phát triển các ứng dụng, các nhà đầu tư và cộng đồng.

Hội nghị đã nghe 13 báo cáo từ các nền kinh tế chia sẻ thông tin về phát triển các hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và áp dụng các đổi mới khoa học, công nghệ để đối phó với thiên tai bình thường mới, bao gồm các giải  pháp cứng và giải pháp mềm. Các đại biểu cũng được nghe những báo cáo về việc ứng phó với các thảm họa khác.

Biểu tình phản đối phân biệt sắc tộc ở Mỹ

Các cuộc biểu tình bùng phát ở Mỹ sau khi cựu cảnh sát người da trắng Jason Stockley, 36 tuổi, được tòa tuyên bố không phạm tội giết người cấp độ 1 đối với Anthony Lamar Smith, một người da màu 24 tuổi nghi là tội phạm ma túy (đã bị cảnh sát Jason Stockley bắn chết trong xe ô tô vào ngày 20/12/2011 khi đang chạy trốn sự truy đuổi của viên cảnh sát này).

Trong ngày 15/9 có khoảng 600 người biểu tình đã tuần hành từ trụ sở tòa án đến khu buôn bán ở thành phố St Louis để phản đối. Bạo lực tiếp tục nổ ra tối 16/9 khi khoảng 100 người biểu tình, trong đó có một số người cầm gậy hoặc búa, đập vỡ cửa sổ và đụng độ với cảnh sát, dẫn đến 9 người bị bắt. Đến ngày 18/9/2017, cảnh sát Mỹ đã bắt giữ hơn 80 người khi cuộc biểu tình biến thành bạo lực đường phố đã bước sang đêm thứ ba tại thành phố St Louis thuộc bang Missouri.

Những cuộc biểu tình lần này tiếp tục cho thấy những rào cản trong nỗ lực chống phân biệt sắc tộc ở Mỹ. Thực tế, trong hàng chục năm qua, cộng đồng người da màu đã có những đóng góp quan trọng cho một nước Mỹ siêu cường và không ít người Mỹ gốc Phi thành công rực rỡ trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, trong xã hội Mỹ vẫn còn nhiều công dân da màu đang bị coi là tầng lớp thấp kém về đạo đức và trí tuệ. Tại nhiều tiểu bang, người Mỹ gốc Phi bị hạn chế các quyền con người cơ bản và không được hưởng quyền công dân một cách đầy đủ, trong đó có quyền bầu cử. Điều này đòi hỏi chính quyền Mỹ cần có những chính sách và hành động quyết liệt hơn nữa để dẹp bỏ những mâu thuẫn còn tồn tại giữa các nhóm sắc tộc.

Phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas bàn giao Dải Gaza cho chính phủ đoàn kết Palestine

Sau nhiều nỗ lực đàm phán cùng vai trò trung gian hòa giải của Ai Cập, cuối cùng ngày 17/9/2017, phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas đã tuyên bố sẵn sàng bàn giao khu vực Dải Gaza cho chính phủ đoàn kết của Tổng thống Palestine Abbas. Hamas cũng thông báo đã nhất trí giải thể "Hội đồng hành chính" kiểm soát Dải Gaza và sẵn sàng cho phép chính phủ tổ chức các cuộc bầu cử mới cũng như tham gia đàm phán với Fatah. Hamas cho biết điều này xuất phát từ mong muốn của phong trào về đoàn kết dân tộc, cũng như đáp lại những nỗ lực của Ai Cập nhằm chấm dứt sự chia rẽ giữa các phe phái Palestine.

Ngay lập tức, Phong trào Fatah do Tổng thống Mahmouh Abbas đứng đầu đã hoan nghênh quyết định này của Hamas.

Bất đồng giữa Fatah và Hamas đã tồn tại từ lâu bởi một bên là cánh chính trị lớn nhất của Palestine và một bên là cánh vũ trang mạnh nhất của Palestine. Kể từ tháng 3/2009, Ai Cập đã đứng ra làm trung gian trong cuộc đàm phán hòa giải giữa hai phong trào chính trị chủ chốt của Palestine. Động thái nhượng bộ của Hamas lần này đã đem đến tia hy vọng chấm dứt tình trạng đối đầu giữa hai phong trào chính trị chủ chốt của Palestine suốt 10 năm qua và là tiền đề quan trọng để xây dựng chính quyền Palestine thống nhất.

Động đất ở Mexico làm hơn 250 người chết

Ngày 20/9, một trận động đất mạnh 7,2 độ richter đã xảy ra tại khu vực cách thị trấn Atencing, thuộc bang Puebla khoảng 8km và cách thủ đô Mexico City khoảng 120km, khiến hơn 250 người chết. Tổng thống Mexico E.Nieto đã tuyên bố quốc tang 3 ngày để tưởng niệm các nạn nhân trận động đất.

Những ngày qua, các đội cứu hộ Mexico đã làm việc suốt ngày đêm để tìm kiếm những người bị vùi lấp sau trận động đất. Hàng trăm binh sỹ, cảnh sát và tình nguyện viên đã vật lộn với đống đổ nát, nhất là tại trường cấp I và cấp II Enrique Rebsamen ở phía Nam thủ đô Mexico City, nơi ít nhất có 30 em nhỏ được cho là đang mất tích. Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế cũng tham gia hỗ trợ Mexico trong công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai.

Trận động đất ngày 20/9 trên xảy ra đúng vào ngày xảy ra trận động đất làm hàng nghìn người chết tại Mexico vào năm 1985. Trước đó hai tuần, Mexico cũng vừa phải hứng chịu một trận động đất mạnh 8,2 độ richter khiến gần 100 người chết tại miền Nam nước này.

Triều Tiên đe dọa thử bom H trên Thái Bình Dương

Ngày 22/9, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho, cho rằng, Triều Tiên có thể sẽ thử bom nhiệt hạch (bom H) có sức công phá mạnh nhất trên Thái Bình Dương nhằm phản ứng "ở mức cao nhất" đối với Mỹ. Tuyên bố được ông Ri Yong-ho đưa ra ngay sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, cho biết, đang cân nhắc những hành động mạnh mẽ nhất nhằm đáp trả đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với nước này.

Phát biểu với báo giới tại New York (Mỹ), Bộ trưởng Ri Yong-ho khẳng định "đây có thể là vụ thử bom H lớn nhất trên Thái Bình Dương", song hiện chưa rõ nhà lãnh đạo Kim Jong Un sẽ ra chỉ thị thực thi hành động như thế nào.

Trước đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un khẳng định chính những lời đe dọa của Tổng thống Trump khiến ông tin rằng chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng là "con đường đúng đắn". Trước đó, phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm 19/9, Tổng thống Trump tuyên bố, nếu bị đe dọa, Mỹ sẽ "hủy diệt hoàn toàn" đất nước Triều Tiên. Đây là lời ám chỉ trực tiếp nhất đến nay của Tổng thống Mỹ về hành động quân sự với Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 hôm 3/9 vừa qua.

Ngày 21/9, Tổng thống Trump cũng đã công bố sắc lệnh hành chính áp đặt các lệnh trừng phạt mới với Triều Tiên. Theo đó, Washington để ngỏ khả năng mở rộng danh sách đen những cá nhân và thực thể có hoạt động kinh doanh với Bình Nhưỡng, bao gồm cả hoạt động vận chuyển đường biển và các mạng lưới thương mại, siết chặt hơn nữa việc giám sát các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.

Ngững tuyên bố và động thái mới nhất của các bên liên quan không những không làm dịu bớt tình hình căng thẳng mà tiếp tụclàm dấy lên những lo ngại trên bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á .

Bế mạc ASEAN Para Games 9: Tôn vinh những người khuyết tật

Tối ngày 23/9, sau một tuần thi đấu sôi nổi, Đại hội thể thao Đông Nam Á dành cho người khuyết tật (ASEAN Para Games) lần thứ 9 đã kết thúc với lễ bế mạc được tổ chức tại Sân vận động Quốc gia Bukit Jalil ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia.

Phát biểu tại lễ bế mạc, ông Osoth Bhavilai, Chủ tịch Liên đoàn Thể thao Người khuyết tật ASEAN (APSF) đã gửi lời cảm ơn đến Chính phủ và Ban tổ chức nước chủ nhà, cảm ơn các tình nguyện viên cùng người hâm mộ Malaysia, những người đã đồng hành và góp phần quan trọng làm nên thành công của Đại hội.

Ông Osoth nhấn mạnh, trong những ngày thi đấu vừa qua, hơn 1.300 vận động viên khuyết tật đến từ các nước khu vực đã thể hiện sự dũng cảm, ý chí, nghị lực vượt khó và tinh thần thể thao cao thượng. Chính họ đã tạo nên những khoảnh khắc tuyệt vời trong những ngày qua. Họ xứng đáng nhận được sự tôn vinh.

Người đứng đầu APSF cũng chúc mừng đoàn Indonesia đã giành vị trí thứ nhất tại Para Games lần này với 251 huy chương các loại, trong đó có 126 Huy chương vàng (HCV). Đứng ở vị trí thứ 2 là chủ nhà Malaysia với 90 HCV.

Tại Đại hội lần này, đoàn Việt Nam cử đi 142 vận động viên, tranh tài ở 158 nội dung thuộc 8 trong tổng số 16 môn thi đấu, bao gồm: bơi lội, điền kinh, cử tạ, cờ vua, cầu lông, boccia, bóng đá khiếm thị và bóng bàn. So với các nước như chủ nhà Malaysia, Thái Lan hay Indonesia, số lượng vận động viên đoàn Việt Nam đứng ở mức khiêm tốn.

Việt Nam xếp thứ 4 toàn đoàn, đứng sau Thái Lan, đoàn giành được 68 HCV.

Cũng tại lễ bế mạc đã diễn ra lễ trao cờ cho Philippines, chủ nhà của SEA Games lần thứ 30 và ASEAN Para Games lần thứ 10./.

Theo dangcongsan.vn