TIN NỔI BẬT

Hội nghị gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp và phát động phong trào “Tết vì người nghèo, nạn nhân chất độc màu da cam năm 2018"
Ngày đăng 19/01/2018 | 15:13  | View count: 5399

Ngày 19/01, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội nghị Gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp và phát động phong trào “Tết vì người nghèo, nạn nhân chất độc màu da cam Xuân Mậu Tuất năm 2018".

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Lê Diễn – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Bốn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh, cùng đại diện các sở, ban ngành và các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

Toàn cảnh Hội nghị
 

Hội nghị được tổ chức với mục đích giúp cho lãnh đạo tỉnh nắm bắt tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong năm qua, đồng thời cũng là dịp để các doanh nghiệp trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình kinh doanh, sản xuất và đề xuất những giải pháp, cách làm hay để các cấp, ngành của tỉnh làm tốt hơn nữa công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới.

Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo tóm tắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc và kết quả thực hiện cam kết của các Sở, ngành trong năm 2017 và chương trình hỗ trợ doanh nghiệp năm 2018.

Đồng chí Lê Diễn - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại Hội nghị
 

Theo đó, tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh Đắk Nông có 4.037 doanh nghiệp đăng ký thành lập, với tổng số vốn đăng ký là 30.790 tỷ đồng. Riêng năm 2017, toàn tỉnh có 513 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 96 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện tiếp nhận, tổng hợp, xử lý và chuyển 86 ý kiến, kiến nghị của hơn 40 doanh nghiệp, nhà đầu tư liên quan đến 19 Sở, Ban ngành và UBND các huyện, thị xã để giải quyết và trả lời cho doanh nghiệp. Trong đó, có 13 kiến nghị của 11 doanh nghiệp được tiếp nhận thông qua tổ chức Hội nghị, gặp mặt, đối thoại đã được các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thị xã trả lời tại hội nghị.

Phần lớn các nội dung, kiến nghị của các doanh nghiệp tập trung vào một số lĩnh vực như: Đất đai, môi trường, giá thuê đất, cơ hội tiếp cận tín dụng, việc hoàn thuế cho doanh nghiệp, bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, quy hoạch sử dụng đất và các dự án nông, lâm nghiệp… Nhìn chung, các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp đã được các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thị xã xem xét, trả lời đến kết quả cuối cùng.

Đồng chí Trần Xuân Hải - UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh
 

Việc thực hiện các cam kết về hỗ trợ doanh nghiệp năm 2017 cơ bản được các sở, ban, ngành thực hiện một cách nghiêm túc. Trong đó, các đơn vị đã tham mưu và ban hành thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đơn vị quản lý, thực hiện cắt giảm 30% thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực theo quy định; đồng thời, tổ chức bộ phận tiếp nhận, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp hiệu quả.

Tuy vậy, công tác hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể như, việc thực hiện các mục tiêu để cải thiện chỉ số CPI đang gặp nhiều khó khăn do cơ sở dữ liệu về đất đai chưa đồng bộ, chưa thực hiện đăng ký trực tuyến đối với hồ sơ đăng ký về quyền sử dụng đất do khó khăn về trang thiết bị. Một số đơn vị còn chậm trễ trong việc trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, nội dung trả lời chưa cụ thể; các dự án nông, lâm nghiệp liên quan đến giao đất, giao rừng phát sinh các điểm nóng khiếu kiện kéo dài…

Đại diện doanh nghiệp, nhà đầu tư nêu kiến nghị, đề xuất lên lãnh đạo tỉnh 

Tại hội nghị này, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã tham gia phát biểu ý kiến, nêu lên một số đề xuất, kiến nghị liên quan tới các vấn đề như: Công tác quản lý thị trường chống kinh doanh phân bón giả; việc đánh giá tác động môi trường; tình trạng xe chở quá tải trọng, thủ tục thuê đất, giao đất…Các ý kiến trên của doanh nghiệp đều đã được đồng chí Trần Xuân Hải - UVBTV, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh tiếp thu và chỉ đạo các đơn vị liên quan ngay tại hội nghị việc xem xét, xử lý trong thời gian tới. 

Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phong trào "Tết vì người nghèo, nạn nhân chất độc màu da cam" phát động phong trào tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Lê Diễn nhấn mạnh về vai trò của doanh nghiệp và doanh nhân đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Theo đó, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân được xác định là lực lượng xung kích, lực lượng trọng yếu trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung, và của tỉnh nói riêng. Do vậy, đồng chí đề nghị các sở, ngành, địa phương cần tập trung cải thiện những yếu kém, hạn chế, gây khó khăn, trở ngại cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong thời gian qua, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ngày một lớn mạnh để cùng chung tay góp sức phát triển kinh tế, xã hội Đắk Nông ngày một phát triển. Trong đó, một số công việc chính các sở, ngành, đơn vị cần làm trong thời gian tới là: Tiếp tục tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính để tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại cho người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh các biện pháp chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức, phẩm chất trong đội ngũ cán bộ, công chức nhằm xây dựng đổi ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, tạo dựng niềm tin vững chắc cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Bên cạnh đó, đồng chí mong muốn cộng đồng doanh nghiệp cũng phải đồng hành cùng tỉnh trong việc quyết tâm siết chặt lại kỷ cương, chống lại những biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu, tham nhũng "vặt", gây phiền hà, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư; tích cực tham gia phản biện xã hội, hiến kế cho tỉnh về các vấn đề liên quan đến doanh nhân và doanh nghiệp để công tác hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh trong thời gian tới được cải thiện ngày một tốt hơn… Riêng về phía tỉnh cũng sẽ chỉ đạo quyết liệt các sở, ban ngành giải quyết đến kết quả cuối cùng những kiến nghị, khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động và kinh doanh có hiệu quả trên địa bàn tỉnh. 

Doanh nghiệp trao biểu trưng ủng hộ phong trào "Tết vì người nghèo, nạn nhân chất độc màu da cam Xuân Mậu Tuất năm 2018"

Cũng trong hội nghị này, UBND tỉnh đã tổ chức Lễ phát động phong trào "Tết vì người nghèo, nạn nhân chất độc màu da cam Xuân Mậu Tuất năm 2018". Theo đó, phát huy truyền thống đoàn kết, nhân ái của dân tộc ta và kinh nghiệm, kết quả đạt được trong công tác vận động ủng hộ, giúp đỡ người nghèo thời gian qua, thay mặt UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc màu da cam của tỉnh, đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chị đạo Tết vì người nghèo, nạn nhân chất độc da cam tỉnh kêu gọi các cấp, các ngành; đồng bào, chiến sĩ; các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hãy tiếp tục ủng hộ giúp đỡ người nghèo, nạn nhân chất độc màu da cam của tỉnh với tinh thần "Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau". Bên cạnh đó, đồng chí cũng mong muốn mỗi hộ nghèo, người nghèo bằng nỗ lực của bản thân, cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, cộng đồng, hãy vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh tặng hoa cho doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã ủng hộ chương trình "Tết vì  người nghèo, nạn nhân chất độc màu da cam Xuân Mậu Tuất năm 2018"
 

Được biết, trong năm 2017, phong trào Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc màu da cam tỉnh Đắk Nông đã giúp vận động được hơn 15 tỷ đồng, trợ giúp cho 44.599 suất quà tết cho các hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân chất độc da cam. Kết quả đó đã góp phần thực hiện chương trình Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc màu da cam thành công và được dư luận, người dân, mạnh thường quân, doanh nghiệp đánh giá khá cao.

Sam Nguyễn