TIN NỔI BẬT

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông tham gia thảo luận Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao
Ngày đăng 16/11/2017 | 07:30  | View count: 4094

Chiều ngày 15/11/2017, các đại biểu Kỳ họp thứ 3, Quốc Hội khóa XIV thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao. Đại biểu Ka H 'Hoa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đã tham gia phát biểu.

Đại biểu Ka H' Hoa - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông thảo luận ở hội trường về Dự án luật sửa đổi, bổ sung Luật một số điều của Luật Thể dục, thể thao
 

Theo đại biểu Ka H' Hoa, giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường là bộ phận quan trọng của phong trào thể dục thể thao nhằm bảo đảm mục tiêu nâng cao sức khỏe, phát triển thể lực, góp phần hình thành nhân cách và giáo dục toàn diện về đức, trí, thể mỹ cho học sinh, sinh viên, do đó, việc bổ sung một số quy định về giáo dục thể chất trong nhà trường là cần thiết. Tuy nhiên, để giáo dục thể chất trong nhà trường đạt hiệu quả cần có cơ chế phân bổ nguồn lực hợp lý và quy định để huy động nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, sân chơi, bãi tập, công trình thể thao, dụng cụ tập luyện, thi đấu thể thao ở trường học các cấp. Đồng thời, không nên quy định "Nhà trường có trách nhiệm tổ chức mỗi năm ít nhất một cuộc thi đấu thể thao toàn trường" để bảo đảm sự linh hoạt. Giáo dục thể chất trong nhà trường cần đặt trong tổng thể chương trình giáo dục và phải được thường xuyên đổi mới, tạo hứng thú cho học sinh, sinh viên mà thi đấu thể thao toàn trường chỉ là một hình thức. Ngoài việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục thể chất chính khoá, nên khuyến khích Nhà trường chủ động đưa một số môn thể thao vào các hoạt động ngoại khoá, đặc biệt là các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian.

Về việc bổ sinh quy định tại khoản 5 Điều 21 "Cơ sở thể thao công lập có trách nhiệm phối hợp với cơ sở giáo dục để sử dụng các công trình thể thao phục vụ giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường". Theo đại biểu Ka H' Hoa, việc quy định như vậy là không rõ ràng và thiếu khả thi. Đại biểu lập luận, theo báo cáo số 916/BC-ĐKS ngày 7/11/2017 của Đoàn khảo sát của Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng thì hiện nay, cả nước có khoảng trên 4.000 cơ sở thể thao công lập. Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính và bộ máy cho các đơn vị sự nghiệp công lập về thể thao đã tạo ra động lực mới cho các đơn vị hoạt động, khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất, thu hút nguồn xã hội hóa phục vụ phát triển thể thao. Nhìn chung, các cơ sở thể thao hoạt động bước đầu mang lại hiệu quả, cung cấp dịch vụ hoạt động thể thao đến đông đảo nhân dân, tổ chức thực hiện tốt công tác đào tạo, tập huấn vận động viên, tổ chức các giải thi đấu quốc gia, quốc tế. Vậy với quy định "cơ sở thể thao công lập có trách nhiệm phối hợp với cơ sở giáo dục..." là như thế nào cần được làm rõ; việc quy định như vậy chưa tạo được nền tảng cho thể thao trong nhà trường phát triển và chưa tương xứng với vị trí và vai trò của thể thao trong nhà trường.

Đối với quy định về các cơ chế, chính sách ưu đãi trong hoạt động thể dục, thể thao, Đại biểu Ka H' Hoa đề nghị không bổ sung nội dung này trong dự thảo Luật vì không có ý nghĩa. Lý do là khi dẫn chiếu sang quy định của Luật khác trong khi Luật khác chưa quy định thì cũng không được áp dụng. Liên quan đến việc quy định bổ sung nhiều quyền mới cho vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao, Đại biểu Ka H' Hoa đề nghị cần đánh giá cụ thể hơn nguồn lực để thực hiện các quyền và cũng để phù hợp với chủ trương chung của Quốc hội đó là không ban hành chính sách mới khi chưa bố trí được nguồn lực, dẫn đến chính sách ban hành ra nhưng lại nợ chính sách do không bố trí được ngân sách.

Nam Nhật