TIÊU ĐIỂM

Đại biểu Nguyễn Trường Giang, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông tham gia góp ý về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi)
Ngày đăng 06/11/2017 | 09:47  | View count: 4250

Chiều 03/11 tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đại biểu Nguyễn Trường Giang đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông tham gia đóng góp ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).

Cổng thông tin điện tử xin giới thiệu nội dung phát biểu của đại biểu Nguyễn Trường Giang.

 

 

1. Về nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (Điều 15)

- Trang 5, 6, 7 của Báo cáo tiếp thu giải trình nêu 02 quan điểm về việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đầu mối quản lý nợ công tại Điều 15 của dự thảo Luật. Quan điểm của Chính phủ và của Ủy ban thường vụ Quốc hội thống nhất giao Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, nhưng có sự khác nhau về nội dung phân công nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Tôi đề nghị Luật chỉ quy định chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính là đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công và có thể quy định khái quát một số nhiệm vụ đã có sự thống nhất cao; quy định như vậy cũng thống nhất với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ. Trong quá trình triển khai thi hành Luật, Chính phủ có trách nhiệm phân công nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, cơ quan ngang Bộ bảo đảm thể hiện đúng vai trò của Bộ Tài chính với tư cách là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lý nhà nước về nợ công, đồng thời thực hiện đúng yêu cầu của Nghị quyết số 07/NQ-TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về việc khắc phục hạn chế trong thời gian qua. Qua giám sát, Quốc hội, UBTVQH hoàn toàn có quyền yêu cầu Chính phủ điều chỉnh việc phân công, tương tự như vừa qua Quốc hội yêu cầu điều chỉnh chức năng quản lý nhà nước về phân bón giữa Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hơn nữa, theo quy định tại khoản 2 Điều 15 của dự thảo Luật, dù quy định đến 14 nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính, nhưng dự thảo Luật không thể liệt kê đủ, nên vẫn phải có điểm o khoản 2 Điều 15 quy định "Các nhiệm vụ khác theo phân công của Chính phủ". Việc quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính sẽ làm giảm sự linh hoạt trong điều hành của Chính phủ trong việc phân công nhiệm vụ, quyền hạn của từng Bộ, cơ quan ngang Bộ để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong từng giai đoạn.

2. Về Quỹ Tích lũy trả nợ (Điều 56)

Khoản 7 Điều 56 dự thảo Luật quy định : "Trong trường hợp Quỹ Tích lũy trả nợ không đủ nguồn để chi trả nợ sau khi đã áp dụng các biện pháp xử lý rủi ro theo quy định của Luật này, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tình hình thu, chi, nghĩa vụ trả nợ, nguyên nhân Quỹ Tích lũy trả nợ không đủ nguồn để chi trả nợ, đề xuất phương án xử lý, trình Quốc hội quyết định bố trí nguồn để chi trả nợ". Tôi đề nghị không quy định nội dung này vì các lý do sau đây:

- Thứ nhất, nội dung này không phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước, theo đó "các khoản chi ngân sách chỉ được thực hiện khi có dự toán được cấp có thẩm quyền giao", "ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách" (Khoản 4 và khoản 11 Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước). Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản về trình tự, thủ tục hoạt động của Quốc hội cũng không có quy định về trình tự, thủ tục Quốc hội xem xét, quyết định việc bố trí nguồn để chi trả nợ trong trường hợp này mà chỉ quy định việc điều chỉnh dự toán ngân sách và việc điều chỉnh cũng phải tuân thủ quy trình, điều kiện, trong trường hợp nhất định (Điều 52 Luật Ngân sách nhà nước).

- Thứ hai, dự thảo Luật đã có nhiều quy định bảo đảm thu hẹp và quản lý chặt chẽ việc vay về cho vay lại (Chương V), cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ (Chương VI) cũng như các biện pháp phòng ngừa, xử lý rủi ro nên thực chất đã loại trừ rủi ro Quỹ tích lũy trả nợ không đủ nguồn để chi trả nợ.

Mặt khác, trong thời gian tới là sẽ hạn chế tối đa việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới theo chủ trương trong Nghị quyết 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị. Do đó, việc dự thảo Luật quy định Quốc hội quyết định bố trí nguồn để chi trả nợ trong trường hợp Quỹ tích lũy trả nợ không đủ nguồn để chi trả nợ đối với các khoản vay về cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ là không hợp lý.

3. Về chi phí quản lý cho vay lại, dự phòng rủi ro cho vay lại (Điều 37), phí bảo lãnh (Điều 46)

Dự thảo Luật quy định về chi phí quản lý cho vay lại (bằng 0,25%/năm tính trên dư nợ cho vay lại), dự phòng rủi ro cho vay lại (tối đa là 1,5%/năm trên số dư nợ vay lại), phí bảo lãnh (tối đa là 2%/năm trên số dư nợ được bảo lãnh). Đây là các nội dung mới, chưa được quy định rõ trong Luật hiện hành.

Tôi thấy rằng, Luật Phí và lệ phí được ban hành với quan điểm là từng bước tập trung phản ánh kịp thời, đầy đủ nguồn thu từ phí, lệ phí; khắc phục hạn chế trong quản lý nguồn thu từ phí, lệ phí. Tuy nhiên, trong Luật Phí và lệ phí cũng dự liệu về việc trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội sẽ có nhiều luật chuyên ngành được Quốc hội ban hành, trong đó, phát sinh thêm các dịch vụ cần quy định thu phí, lệ phí (ngoài các khoản đã quy định trong Danh mục kèm theo Luật Phí và lệ phí). Do đó, để đảm bảo thống nhất hệ thống chính sách pháp luật về phí, lệ phí, Điều 5 của Luật Phí và lệ phí quy định: "trường hợp luật khác có quy định về phí, lệ phí thì các nội dung về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí thực hiện theo quy định của Luật này".

Như vậy, việc dự thảo Luật Quản lý nợ công quy định về phí (ngoài Danh mục kèm theo Luật phí và lệ phí) là vấn đề đã được dự liệu và không mâu thuẫn với quy định của Luật Phí và lệ phí. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo khẳng định lại về bản chất của các khoản thu này, không sử dụng các khái niệm "chi phí quản lý cho vay lại", "dự phòng rủi ro cho vay lại" thay cho phí vì sẽ dẫn tới không rõ ràng, thiếu nhất quán trong quản lý nguồn thu. Trường hợp vẫn chỉnh lý theo hướng nêu trên thì cần lý giải về việc vẫn giữ quy định về phí bảo lãnh tại Điều 46 của dự thảo Luật để bảo đảm thống nhất về cách tiếp cận và quan điểm về các khoản thu cùng được điều chỉnh trong dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, các văn bản pháp luật được ban hành đều hướng tới việc khắc phục tình trạng một số cơ quan hành chính có thu phí, lệ phí thì số tiền thu được từ các khoản phí, lệ phí để lại được coi là nguồn thu để trang trải các chi phí thu và chi phí hoạt động, dẫn đến khó khăn cho công tác kiểm soát, hạch toán thu - chi ngân sách nhà nước. Luật Ngân sách nhà nước quy định nguyên tắc "toàn bộ các khoản thu, chi ngân sách phải được dự toán, tổng hợp đầy đủ vào ngân sách nhà nước", "các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối ngân sách nhà nước, theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể". Hơn nữa, công tác quản lý nợ của Bộ Tài chính là một nội dung quản lý nhà nước thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính, do vậy, đề nghị cấn nhắc quy định cho phép "Chi phí quản lý cho vay lại được sử dụng để phục vụ công tác quản lý, thu hồi vốn cho vay lại của cơ quan cho vay lại và công tác quản lý nợ của Bộ Tài chính." (điểm b khoản 1 Điều 37), "phí bảo lãnh được trích cho công tác quản lý nợ công trước khi nộp vào Quỹ tích lũy trả nợ" (khoản 1 Điều 46).