TIÊU ĐIỂM

Đại biểu Ka H'Hoa đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông tham gia ý kiến về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông
Ngày đăng 02/11/2017 | 16:15  | View count: 3850

Chiều 2/11 đại biểu Ka H'Hoa đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông tham gia ý kiến về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Cổng thông tin điện tử xin giới thiệu nội dung phát biểu của đại biểu Ka H'Hoa.

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,
Kính Thưa Quốc hội


Về cơ bản tôi đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được của ngành giáo dục những năm gần đây. Qua nghiên cứu Tờ trình của Chính phủ tôi xin có một số ý kiến như sau:


Thứ nhất về việc đề nghị được giãn tiến độ, thời gian bắt đầu áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới


Tôi nhận thấy, Tờ trình mới chỉ nêu được tình hình xây dựng chương trình, sách giáo khoa nhưng còn chung chung, mang tính liệt kê những việc đã làm và những việc sẽ triển khai trong thời gian tới; chưa nói rõ được những nguyên nhân làm chậm tiến độ xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là các nguyên nhân chủ quan, rút ra những kinh nghiệm để làm cơ sở cho việc xây dựng và thực hiện chương trình đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng trong thời gian tới.


Qua nghiên cứu Hồ sơ cho thấy, thời hạn triển khai chương trình, sách giáo khoa chưa được thực hiện theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 đến nay đề nghị Quốc hội cho lùi thời hạn (1 năm) vì lý do chưa đảm bảo được các điều kiện để triển khai thực hiện (ít nhất là khoảng gần 30 đầu công việc khác nhau). Vì vậy, để khắc phục tình trạng nêu trên, bảo đảm tính khả thi và quan trọng hơn là bảo đảm chất lượng của chương trình khi đi vào thực hiện, đề nghị phải báo cáo rõ hơn với Quốc hội lý do xin giãn tiến độ 1 năm và phải trình đầy đủ các nội dung, phương án, lộ trình, kế hoạch cụ thể cũng như tiến độ hoàn thành từng nội dung.


Thứ hai, về kiến nghị lộ trình áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới


Theo quy định tại khoản 4 Điều 2 của Nghị quyết số 88 thì lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới được áp dụng từ năm 2018 – 2019 và áp dụng đồng thời theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Tuy nhiên, Tờ trình có đề nghị xin giãn tiến độ chậm lại 01 năm và áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học. Cụ thể là thay vì triển khai đồng thời cả 3 cấp (lớp 1, lớp 6 và lớp 10) ngay năm đầu tiên như Nghị quyết số 88 thì năm 2019-2020 chỉ có lớp 1 áp dụng chương trình mới; năm thứ hai sẽ thêm lớp 2 và lớp 6; năm thứ ba sẽ là lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm thứ tư là lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm cuối cùng là lớp 5, lớp 9, lớp 12 (3 lớp cuối cấp).


Về vấn đề này, tôi rất băn khoăn việc đưa chương trình, sách giáo khoa mới áp dụng với lớp thực nghiệm trước một năm rồi đưa vào áp dụng chính thức, đồng loạt cả nước ngay năm sau. Như vậy sẽ không có thời gian tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về việc áp dụng thực nghiệm chương trình, sách giáo khoa mới đó như thế nào? Hơn nữa, nếu việc áp dụng thực nghiệm đó tốt, đảm bảo chất lượng, phù hợp với thực tế thì không sao nhưng chúng ta cũng phải dự trù phương án nếu việc áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới không đảm bảo chất lượng, chưa phù hợp với thực tế thì sẽ xử lý như thế nào? Trong khi đó tất cả từ cơ sở vật chất, đến đào tạo giáo viên trong cả nước đều phải tiến hành trước khi thực hiện việc áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới và rất nhiều các công việc khác nữa. Như vậy, sẽ rất ảnh hưởng đến kinh phí của nhà nước và đặc biệt là ảnh hưởng rất lớn đến nền giáo dục của cả 1 thế hệ con em chúng ta và còn kéo theo 1 hệ quả rất khó khắc phục.


 Vì vậy, Tôi đề nghị cân nhắc về việc nên thực hiện thực nghiệm chương trình ở một số địa phương trước và phải có thời gian tổng kết, đánh giá việc thực nghiệm chương trình, sách giáo khoa trước khi đưa chương trình vào áp dụng chính thức thức trong cả nước.


Ngoài 2 nội dung chính, đề nghị bổ sung đánh giá tác động của việc xin lùi thời gian 01 năm và thay đổi lộ trình áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới (phải nêu được ưu điểm, nhược điểm của việc xin lùi 01 năm; kinh phí, lộ trình, kế hoạch thực hiện (đặc biệt là việc trang bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và đào tạo giáo viên trong cả nước ….) sau khi được Quốc hội quyết định.


Đồng thời, kính mong Quốc hội, Chính phủ, Bộ giáo dục đào tạo cần quan tâm hơn nữa đến đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục cho khu vực vùng sâu, vùng khó khăn để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.


Tôi xin hết
Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.