THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH

Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công điện về xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra phá rừng
17/09/2018 | 09:47  | View count: 3542

Ngày 14/9/2018, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công điện số 50/CĐ-UBND về xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra phá rừng

Công điện nêu rõ, trong thời gian qua, công tác ngăn chặn phá rừng đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm và các đơn vị có liên quan quyết liệt chỉ đạo, tập trung ngăn chặn, xử lý nên đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, tình hình phá rừng trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ cao; tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng xảy ra với đặc điểm có dấu hiệu lách các quy định của pháp luật như: các vụ phá rừng hầu hết có diện tích nhỏ, không phát hiện được đối tượng vi phạm,... Để xảy ra phá rừng, trách nhiệm chính thuộc về chủ rừng nhưng việc kiểm điểm xử lý trách nhiệm của các đơn vị chủ rừng chưa chủ động, còn chậm, phải có văn bản chỉ đạo mới thực hiện. Để khắc phục tình trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tất cả các vụ phá rừng đều phải được kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời, phải tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của chủ rừng và các đơn vị có liên quan; việc kiểm điểm, khắc phục hậu quả phải thực hiện quyết liệt, kịp thời; trong đó tập trung thực hiện việc kiểm điểm trách nhiệm như sau:

Các đơn vị chủ rừng: Khi phát hiện phá rừng trên lâm phần quản lý, trong vòng 07 ngày làm việc phải chủ động, khẩn trương tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể có liên quan theo quy định của pháp luật. Kết quả kiểm điểm báo cáo như sau:

- Chủ rừng là các Công ty lâm nghiệp nhà nước, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quốc phòng: Báo cáo Sở Nội vụ;

- Chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng: Báo cáo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Trường hợp chủ rừng là: Ban quản lý rừng cộng đồng; Tổ chức, cá nhân thuê đất, thuê rừng: Sau khi phát hiện phá rừng trong vòng 03 ngày làm việc phải báo cáo Chi cục Kiểm lâm thông qua Hạt Kiểm lâm sở tại để xem xét đề nghị cấp thẩm quyền xử lý theo quy định.

UBND các huyện, thị xã: Tăng cường công tác quản lý, thực hiện các biện pháp quyết liệt, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, ngăn chặn kịp thời tình trạng phá rừng. Nếu trên địa bàn để xảy ra tình trạng phá rừng mà không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời thì Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, chỉ đạo xử lý kỷ luật về trách nhiệm bảo vệ rừng đối với các Ban quản lý rừng trực thuộc, Ủy ban nhân dân cấp xã. Báo cáo kết quả kiểm điểm về UBND tỉnh (thông qua Sở Nội vụ).

Chi cục Kiểm lâm: Căn cứ báo cáo của Hạt Kiểm lâm sở tại về tình hình phá rừng, báo cáo kiểm tra, xác minh có liên quan đến việc phá rừng xem xét, đánh giá trách nhiệm của chủ rừng để xảy ra phá rừng tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất xử lý theo quy định; Xem xét tính chất, mức độ các vụ phá rừng để chủ động kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các công chức Kiểm lâm có liên quan, kết quả báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Căn cứ đề xuất của Chi cục Kiểm lâm về đánh giá tình hình quản lý, bảo vệ rừng của các Ban quản lý rừng cộng đồng; Tổ chức, cá nhân thuê đất, thuê rừng đề xuất cấp thẩm quyền xử lý theo quy định; Báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Nội vụ) về kết quả kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý.

Sở Nội vụ: Căn cứ báo cáo của các đơn vị, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh; Tổ chức kiểm điểm đối với các tập thể, cá nhân thuộc quản lý của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Yêu cầu các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện.

H.M