THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH

Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý hoạt động săn bắt, vận chuyển, mua bán động vật hoang dã trái pháp luật tại khu vực hang động núi lửa huyện Krông Nô
03/11/2017 | 08:41  | View count: 3115

Để tăng cường bảo vệ di sản địa chất tại khu vực hang động núi lửa Krông Nô; đồng thời, hạn chế các hành vi gây ảnh hưởng đến di sản địa chất và môi trường của hệ thống hang động núi lửa, tránh vi phạm tiêu chí xây dựng hồ sơ Công viên địa chất toàn cầu do UNESCO quy định.

Ngày 01/11/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản số 6088/UBND-NN chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, và các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý hoạt động săn bắt, vận chuyển, mua bán động vật hoang dã trái pháp luật tại khu vực hang động núi lửa huyện Krông Nô.

Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, ngành; UBND các huyện: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và thị xã Gia Nghĩa: Thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004; Luật Đa dạng sinh học năm 2008; Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 20/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo và thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; Chỉ thị số 396/CT-BNN-TCLN ngày 15/01/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường quản lý cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã hung dữ; Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 18/3/2016 của UBND tỉnh Đắk Nông về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý buôn bán, sử dụng động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.

Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật trong việc quản lý động vật hoang dã và hoạt động gây nuôi động vật hoang dã. Quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt đối với các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân không mua, bán, sử dụng, tặng cho hoặc nhận quà biếu là động vật hoang dã và các sản phẩm của chúng.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm, đúng pháp luật các hành vi vi phạm về quản lý động vật hoang dã và hoạt động gây nuôi động vật hoang dã.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý các trại, cơ sở gây nuôi động vật hoang dã vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Công an tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ; Công an các huyện: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và thị xã Gia Nghĩa thường xuyên kiểm tra, thu hồi và cấm sử dụng các loại súng độ chế, các loại bẫy tự chế có khả năng đánh bắt động vật hoang dã. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm, Quản lý thị trường trong công tác kiểm tra, kiểm soát tại các quán ăn, nhà hàng, chợ, các địa điểm kinh doanh, các trục đường giao thông, khu dân cư, hộ gia đình có nuôi nhốt động vật hoang dã để phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về săn, bắt, bẫy, mua, bán, vận chuyển, nuôi nhốt, chế biến, giết mổ, quảng cáo trái phép động vật hoang dã.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các Đồn Biên phòng tăng cường kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện ra vào khu vực biên giới và xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến quản lý động vật hoang dã theo thẩm quyền.

Sở Giao thông vận tải thông báo cho các doanh nghiệp, Hợp tác xã vận tải hành khách, hàng hóa, dịch vụ, bến xe chủ động trong việc phối hợp ngăn chặn và thông báo cho cơ quan chức năng khi phát hiện các hành vi vận chuyển động vật hoang dã trái pháp luật.

Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai lồng ghép các nội dung tuyên truyền về bảo vệ các loài động vật hoang dã; đặc biệt đối với các loài nguy cấp, quý, hiếm trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa.

Sở Công Thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm về quản lý động vật hoang dã.

Hải quan cửa khẩu Đắk Peur có trách nhiệm phối hợp với các Sở, ngành liên quan kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm trong việc xuất, nhập khẩu động vật hoang dã hoặc các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật.

Yêu cầu các đơn vị chủ rừng, chủ Dự án đầu tư nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng trong quản lý động vật hoang dã; chấp hành và thực hiện nghiêm túc các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên lâm phần được giao, cho thuê. Tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn nhằm giảm thiểu các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, các hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã; chịu trách nhiệm về việc để xảy ra tình trạng săn bắt động vật hoang dã trên lâm phần quản lý

Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Đắk Nông chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân các quy định của pháp luật, các chủ trương, chính sách của nhà nước về bảo vệ động vật hoang dã; tăng cường đưa tin những tấm gương điển hình về quản lý động vật hoang dã; đăng tin lên án mạnh mẽ những hành vi vi phạm quy định của nhà nước về quản lý động vật hoang dã.

Tấn Lê