THÔNG TIN CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH

Giải quyết lấn chiếm lòng, lề đường: Cần giải pháp đồng bộ từ chủ trương đến thực tiễn
03/10/2017 | 07:47  | View count: 3618

Mặc dù đã có chế tài, quy định, kể cả nhiều lần tổ chức ra quân rầm rộ để tuyên truyền, vận động, thậm chí cưỡng chế giải tỏa song tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường làm nơi kinh doanh, buôn bán vẫn diễn ra phổ biến ở hầu khắp các đô thị trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Theo quy định, lòng đường, vỉa hè đô thị chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Trong một số trường hợp, đường bộ có thể sử dụng tổ chức một số hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội… Trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác phải do UBND cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông. Quy định là vậy nhưng câu chuyện liên quan đến sử dụng lòng, lề đường, vỉa hè hiện nay trên địa bàn tỉnh xem ra vẫn còn khá tùy tiện.

Các biển quảng cáo vi phạm hành lang an toàn giao thông bị lực lượng quản lý đô thị Gia Nghĩa thu hồi

Chưa "gặp nhau" giữa quy định pháp luật và nhu cầu mưu sinh

Còn nhớ, tháng 3 năm 2017, chính quyền các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh đồng loạt rầm rộ ra quân giải tỏa tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, trả lại đường phố, vỉa hè thông thoáng, sạch đẹp cho khu vực đô thị. Đợt ra quân khá quyết liệt này đã nhận được không ít sự tán dương của người dân. Tuy nhiên, cũng như các lần trước, trong lần tổ chức giải tỏa này, dường như những nỗ lực từ phía cơ quan chức năng lại "đổ xuống sông, xuống biển" bởi chỉ ngay sau đó không lâu, vỉa hè, lề đường lại "quay về nguyên trạng".

Khu vực Chợ trung tâm Gia Nghĩa (phường Nghĩa Thành) là điểm "nóng" về tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi buôn bán. Hàng ngày, trên loa phát thanh khu vực chợ vẫn thường xuyên tuyên truyền về các quy định cấm liên quan đến sử dụng lòng đường, vỉa hè, các chế tài xử phạt. Vậy nhưng, hoạt động mua bán ngay trên lòng đường, vỉa hè vẫn ngang nhiên diễn ra hàng ngày. Trước tình hình đó, UBND thị xã Gia Nghĩa đã chọn Chợ trung tâm là một trong những "điểm nhấn" của chiến dịch, kiên quyết giải tỏa để "giành" lại lòng đường, vỉa hè.

Trong ngày ra quân đầu tiên, cảnh buôn thúng, bán mẹt ngay trên lòng đường khu vực chợ đã không còn. Các mái che, hàng hóa lấn chiếm vỉa hè được dỡ bỏ, thay vào đó là những vạch sơn trắng được kẻ làm "mốc giới" để người dân không tái lấn chiếm. Kiên quyết, rầm rộ là vậy, nhưng, chỉ ngay sau khi đoàn giải tỏa "rút quân", các vạch sơn vừa kẻ dường như không còn "hiệu lực". Các hộ kinh doanh lại rục rịch chăng lại mái che, cơi nới hàng hóa ra phía ngoài vạch sơn để buôn bán. Đến buổi chiều cùng ngày, tuy không tấp nập như trước đó nhưng cảnh hàng rong, buôn thúng, bán bưng ngay giữa lòng đường, vỉa hè khu vực chợ lại tiếp diễn và trở lại như cũ sau vài hôm kể từ ngày giải tỏa.

Không riêng gì khu vực này, trong chiến dịch ra quân giải tỏa hành lang, lòng lề đường, UBND thị xã triển khai tương đối đồng bộ ở khắp các tuyến đường đã có lộ giới, vỉa hè. Thế nhưng đến nay, mọi nỗ lực trên cũng chỉ như kiểu "bắt cóc, bỏ đĩa". Hoạt động tái lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường làm nơi kinh doanh, buôn bán, trưng biển quảng cáo, đổ vật liệu… vẫn diễn ra phổ biến như chưa hề có cuộc giải tỏa nào.

Thị xã đã vậy, tại đô thị ở các huyện, tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lề đường sau các lần ra quân giải tỏa cũng diễn ra phổ biến không kém. Không nói đâu xa, với các đô thị có quốc lộ 14 đi qua, các địa phương không ít lần ra quân dành lại vỉa hè, lề đường nhưng sau rồi đâu cũng vào đó. Chưa kể đến, không ít tuyến đường đô thị, khi đến mùa vụ, người dân lại "trưng dụng" vỉa hè, lòng đường làm nơi phơi nông sản.

Những vạch sơn mong manh làm "lộ giới chống lấn chiếm" tại chợ Trung tâm Gia Nghĩa

Chú trọng quy hoạch, quản lý quy hoạch đô thị

Trước thực tế vỉa hè, lòng lề đường vẫn bị tái lấn chiếm sau những nỗ lực tuyên truyền, cưỡng chế giải tỏa, dư luận đặt ra câu hỏi liệu có phải chúng ta đang "lực bất tòng tâm" trong việc lấy lại vỉa hè?.

Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù chế tài đã có, nhưng việc thực thi chế tài lại rất khó vì tình trạng lấn chiếm vỉa hè, hành lang đường bộ diễn ra mọi lúc, mọi nơi, ở mọi thời điểm. Trong khi hiện nay, công tác quy hoạch, xây dựng các chợ đầu mối, chợ tự tiêu tự sản, tuyến phố văn minh, khu phố văn hóa… chúng ta chưa làm được. Bởi khi đã có hạ tầng thiết yếu phục vụ nhu cầu mưu sinh của người dân, không có lý gì chúng ta không "thẳng tay" xử phạt những trường hợp vi phạm. Khi chúng ta làm tốt công tác quy hoạch, đương nhiên không nhất thiết tuyến đường nào trong đô thị cũng phải cấm buôn bán mà có sự lựa chọn, quy hoạch, quy định phù hợp. Những tuyến đường cấm buôn bán phải có quy định, biển cấm rõ ràng. Còn những tuyến đường có thể cho phép người dân sử dụng vỉa hè mưu sinh thì phải có điều kiện, cam kết rõ ràng, tránh sự tùy tiện, nhếch nhác, gây mất mỹ quan đô thị, an toàn giao thông.

Tuy nhiên, vì chưa có quy hoạch rõ ràng nên trên thực tế, hiện chúng ta đang quản lý theo kiểu chung chung, xét về lý cũng không sai nhưng về tình lại có lúc rất lúng túng trong xử lý. Trong khi, lực lượng chức năng không thể ngày nào cũng ra quân "dọn dẹp" để đường thông, hè thoáng mà chỉ tổ chức được một số khu vực trọng điểm. Thậm chí, những khu vực trọng điểm cũng chưa thể triển khai triệt để, nơi giải tỏa, nơi không nên tính răn đe, thuyết phục không cao.

Bà Trần Thị Bổ, tổ 3, phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) cho biết: "Tôi rất đồng tình với việc chính quyền kiên quyết giải tỏa vỉa hè, hành lang an toàn giao thông. Làm được vậy, đường phố trở nên gọn gàng, ngăn nắp hơn. Thế nhưng, đã không làm thì thôi, đã làm là phải công bằng, đồng bộ, hộ nào vi phạm cũng phải giải tỏa, không để tình trạng chỗ làm, chỗ không hay làm xong rồi đâu lại vào đấy". 

Còn theo chị Phan Thị Thủy, một hộ kinh doanh tại Trung tâm Thương mại Gia Nghĩa thì không lý gì hộ này lấn chiếm được mà hộ kia lại không. Đây không chỉ là lợi ích về mở rộng mặt bằng mà còn để cạnh tranh khách hàng giữa các hộ kinh doanh khi lấn chiếm hành lang, vỉa hè…

Có thể thấy, thực trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường sẽ là "chuyện không bao giờ cũ" nếu chúng ta không giải quyết được những vấn đề nội tại giữa nhu cầu mưu sinh và tính khả thi của pháp luật. Vấn đề này cũng cần phải được giải quyết trên cơ sở bắt đầu từ một số tuyến đường, khu phố điểm, sau đó rút kinh nghiệm, nhân rộng. Bởi vì, trên thực tế, trong giai đoạn xây dựng, hoàn thiện, hầu như các đô thị trên địa bàn tỉnh chưa được quy hoạch đồng bộ về hạ tầng, sự biến động trong quy hoạch, sử dụng quy hoạch lớn; nguồn lực tập trung cho vấn đề quản lý đô thị mỏng thì việc một lúc "triệt tiêu" tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè sẽ rất khó khả thi.

Theo Đắk Nông Online